Tìm về Tết xưa

Chuỗi hoạt động đón tết ở Hoàng thành Thăng Long, một cộng đồng yêu di sản tự tái hiện Tết xưa là những hành động cụ thể tìm về giá trị di sản truyền thống.

Không gian Tết Việt được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyên Khánh.

Không gian Tết Việt được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Nguyên Khánh.

TẾT VIỆT CÓ GÌ?

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội mấy năm gần đây đều tổ chức chương trình đón Tết từ sớm, có sự tham gia của nhiều nghệ nhân làng nghề. Tết Việt 2018 khai mạc ngày 22/1 với nhiều nội dung dành cho thiếu nhi. Trung tâm giới thiệu Tết Nguyên đán cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 qua tư liệu tranh khắc gỗ của Henri Oger, hình ảnh tư liệu Bảo tàng Albert Kahn (Pháp) và bày loạt tranh dân gian Hàng trống, Đông Hồ, Kim Hoàng. Không gian phía trong Trung tâm được phục dựng thành những gian bán hàng tết thời bao cấp, gian thờ cúng tổ tiên và chiếu ngồi cho chữ của ông Đồ và không gian hoa trang trí ngày tết.

Không gian phía ngoài sân cộng đồng dành cho các hoạt động múa tứ linh, đi cầu tre, kéo co, bập bênh, đánh đu, nhảy bao bố. Khách tới Hoàng thành dịp này sẽ thấy loạt pano giới thiệu thể thức thi Đình, trang phục cung đình thời Lê. Khu khảo cổ học mới phát lộ ở phía đông điện Kính Thiên cũng mở cửa phục vụ khách. Trung tâm tái hiện không gian dâng hương Điện Kính Thiên để người xem có những hình dung ban đầu về kết quả nghiên cứu thời gian qua-nằm trong dự án hoàn trả không gian điện Kính Thiên trong tương lai. Sân Đoan Môn được trang trí bằng tiểu cảnh hoa với hình rồng chầu.

Nhóm Đình làng Việt là cộng đồng yêu thích văn hóa cổ truyền phối hợp những người con Đình làng So (Quốc Oai – Hà Nội) tổ chức Tết Việt xuân Mậu Tuất 2018. Đại diện nhóm cho biết, ý tưởng này xuất phát từ sự thấu hiểu tâm sự của những người yêu mến quê hương, những nét đẹp của văn hóa truyền thống và luôn có mong muốn được sống lại không khí náo nức của tết cổ truyền, nhóm tái hiện hoạt động đậm sắc tết xưa. Kinh phí do các cá nhân đóng góp, thu hút cả nghìn người là dân làng, thành viên nhóm Đình làng Việt.

Không gian văn hóa tết đậm đặc chất Việt tại sự kiện này: Người tham gia vận trang phục truyền thống, tìm hiểu cổ tục ít gặp, dựng cây nêu, diễn xướng dân gian, tọa đàm về văn hóa truyền thống, viết thư pháp, làm tranh dân gian, gói bánh chưng, thực hiện các nghi lễ truyền thống ở đình làng. Điểm nhấn là trình diễn áo dài nam truyền thống, chiếu chèo sân đình và lần thứ ba tái hiện trình thức hát cửa đình vốn là trình thức hát thờ cổ xưa của người Việt.

CHẮT LỌC

“Tết Nguyên đán là dịp hội tụ những phong tục, tập quán, nghi lễ và những giá trị tốt đẹp nhất của di sản truyền thống Việt Nam. Trong giai đoạn hội nhập, những giá trị tốt đẹp trong ngày tết đang bị mai một, và có những vấn đề bị lai tạp, mất đi bản sắc văn hóa truyền thống Việt”, ông Nguyễn Đức Bình-sáng lập viên nhóm Đình làng Việt nói. Người Việt xưa lấy ngôi đình là trung tâm, nay đình làng đang mất dần chức năng sinh hoạt của cộng đồng, chuyển hóa thành ngôi đền (chỉ là nơi thờ cúng) nên người dân bị đẩy xa không gian văn hóa của ngôi đình, kéo theo sự biến mất những giá trị tinh thần của cộng đồng. Với tinh thần đó, ba năm nay nhóm đều tái hiện không gian tết xưa. “Chương trình có sự phối hợp tổ chức của Nhóm Đình làng So - cộng đồng thanh niên làng So thực hiện. Đây là tín hiệu vui bởi qua hai năm tổ chức, chúng tôi nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng, đặc biệt là thanh niên của địa phương”, ông Bình nói.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia ủng hộ các hoạt động tìm về tết xưa. “Đấy là yếu tố văn hóa nội sinh, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập, yếu tố nội sinh phải vững mới tiếp thu văn hóa mới tốt đẹp hơn. Tết xưa là phong tục tập quán, tâm linh bởi nó thay đổi nhịp điệu sinh học của cả trời đất, con người không thể thay bằng tết Tây”, PGS Bài nói. Ông cho rằng đó là con đường tốt nhất bảo tồn văn hóa truyền thống, tuy nhiên phải ghi nhớ “giá trị truyền thống không đóng băng mà luôn bổ sung văn hóa mới có như thế mới lôi cuốn giới trẻ”.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói rằng tổ chức hoạt động hướng về truyền thống là việc nên làm bởi “chúng ta đang ở thời hiện đại nhưng cũng phải có nền truyền thống”. Tuy nhiên, GS Ngọc cũng cho rằng không nên thái quá, không lợi dụng tập tục, truyền thống để quay lại nguyên si quá khứ bởi như thế là hình thức bảo thủ, cản trở phát triển. “Chúng ta sử dụng tinh hoa quá khứ để phục vụ cuộc sống hiện đại”, ông nói. Theo ông Nguyễn Đức Bình cần “phân biệt được đâu là giá trị cốt lõi, đâu là bản sắc, đâu là tinh hoa để lưu giữ lại chứ không nhất thiết phải bảo lưu toàn bộ và cần loại bỏ những hủ tục”.

Nguyên Khánh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/tim-ve-tet-xua-1235499.tpo