Tìm vợ cho bố
Suốt cả tuần nay, chị Hoa tất bật chạy đi chạy lại giữa nhà chồng và nhà đẻ, làm trăm thứ việc không tên.
Rời cơ quan là chị lao ngay ra chợ, mua đồ ăn cho cả hai nhà, quét dọn, giặt giũ, nấu nướng…
Chị không có thời gian dành riêng cho mình nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Thèm được như mấy chị bạn đồng nghiệp, cứ tan ca là rủ nhau đi tập yoga hay aerobic nhưng chị không thể đi được.
Vậy mà cũng có lúc chị sơ sểnh, không ở bên cạnh bố, để ông bắc ghế, loay hoay lau cửa kính một mình, trượt chân ngã xuống nền nhà.
Nghe “rầm” và tiếng kêu của ông, hàng xóm chạy vội sang, mỗi người giúp một tay, người dìu ông vào giường, người gọi điện cho chị Hoa, người đi tìm bác sĩ trong làng đến khám.
May mắn làm sao, ông chỉ bị bong gân. Từ lúc đó chị Hoa có ý nghĩ phải tìm vợ cho bố, chứ “con chăm cha cũng không bằng bà chăm ông”.
Mẹ chị mất hơn một năm rồi. Từ đó bố chị sống một mình trong căn nhà hai tầng trống trải.
Có lẽ vì thương nhớ, vì nghĩ ngợi nhiều, vì tuổi tác nên ông hay đãng trí. Nhiều lần ông vặn vòi nước, quên không khóa để nước chảy lênh láng khắp nhà hay bật bếp ga nấu nướng mà bỏ ra vườn rồi quên béng để thức ăn cháy khét lẹt, thủng cả cái nồi...
Giá có người phụ nữ ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút, nhắc nhở thì những sự cố ấy đã không xảy ra.
Ông có bốn người con, hai trai, hai gái thì hai anh trai đều ở xa. Một anh định cư ở Nhật Bản, đưa cả vợ con sang đó, vài năm mới về một lần.
Một anh ở Hà Nội, từ ngày mẹ mất càng thưa về vì đủ các lý do làm ăn bận rộn, con cái học hành...
Chị Hoa là con gái lớn, lại lấy chồng cùng làng nên thường xuyên về thăm nom bố, xem ông cần cái gì thì mua, chỗ nào bẩn thì quét dọn, cuốc xới mảnh vườn để ông trồng rau, trồng hoa cho khuây khỏa.
Còn cô em út lấy chồng ở tỉnh bên, có về thăm bố cũng chỉ chân trước chân sau là đi. Một mình chị Hoa chăm bố là chính. Chị không tị nạnh với anh em nhưng về lâu về dài thì chị muốn bố phải có người phụ nữ ở bên cạnh đỡ đần sớm tối.
Chờ dịp cả đại gia đình quây quần, chị Hoa bày tỏ nguyện vọng tìm vợ cho bố thì chị dâu giãy nảy lên: “Không được! Thiên hạ người ta cười chết. Bố già rồi, ham hố gì nữa. Cô thật là...”.
Chị Hoa thanh minh: “Em là em lo những lúc trái gió trở trời, không có ai ở bên cạnh bố. Lỡ có chuyện gì thì con cháu lại ân hận. Anh chị thấy đấy, suốt thời gian qua, bố ngã đau chân, không có hàng xóm giúp đỡ thì cũng bí lắm”.
Anh trai chị Hoa lưỡng lự: “Đón bố lên thành phố ở cùng thì bố không lên, để bố sống một mình thì anh cũng không yên tâm, nhưng cưới vợ cho bố cũng không đơn giản, xem bố có ưng không, có tìm được người thực lòng muốn gắn bó tuổi già với bố không”.
Chị dâu vẫn nguây nguẩy: “Bây giờ không thiếu đàn bà lợi dụng để được có tên trong di chúc, để được chia gia tài. Anh em nhà cô cứ bàn tính kỹ đi, kẻo lại bị lừa”. Chị Hoa nghĩ bụng: “Gớm, chị dâu lo xa, cảnh giác cao độ...".
Những lúc chỉ có hai bố con, chị Hoa rủ rỉ nhắc chuyện bố nên đi bước nữa để có bầu có bạn. Lúc đầu ông còn phản ứng: “Ôi dào! Đầu bạc trắng rồi”, nhưng chị Hoa thực hiện kế sách “mưa dầm thấm lâu”, nhẹ nhàng thuyết phục: “Bố đồng ý cũng là bố nghĩ cho chúng con” nên ông chỉ im lặng.
Lấy cớ bận đi công tác, chị thuê một bà giúp việc đến chăm bố những ngày ông bị đau chân. Chị phải thuê đến bà thứ ba thì ông mới có cảm tình.
Bà này ở làng trên, góa chồng, có một cô con gái đang học cấp ba. Hai người cùng cảnh nên dễ đồng cảm, dễ chuyện trò tâm tình.
Từ ngày có bà ấy bên cạnh, chị Hoa thấy bố ăn khỏe, ngủ khỏe, thần sắc tươi tỉnh nên rất mừng. Mẹ mất thì cũng đã mất rồi nhưng không thể để bố buồn rầu, cô độc mãi được.
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, thiên hạ có cười cũng chẳng cười mãi được”, nghĩ thế chị Hoa cảm thấy nhẹ lòng. Chị ra sức vun vén cho hạnh phúc cuối đời của bố.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song/tim-vo-cho-bo-118923