Tìm vốn cho khởi nghiệp Fintech
Bên cạnh hoạt động gọi vốn từ các quỹ đầu tư của các startup công nghệ tài chính, hiện nay trong Quyết định 844/QĐ-TTg về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào các quy định trong quyết định này để tìm kiếm các cơ hội vốn cho đầu tư fintech từ tài trợ của Chính phủ.
Liên kết để nhân lên sức mạnh
Hai quỹ đầu tư (không muốn người viết nêu tên) năm nay tài trợ 100 triệu USD cho cuộc thi Thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam (Fintech Challenge Vietnam 2019 - FCV) lần thứ hai do NHNN Việt Nam tổ chức. Năm ngoái FCV tổ chức lần đầu tiên đã thu hút gần 30 hồ sơ của các đơn vị nước ngoài tham gia. Cuộc thi đã tạo ra được môi trường sáng tạo cho các cá nhân tổ chức tham gia; từ đó, những ý tưởng sáng tạo Fintech còn tản mát ngoài xã hội có thể quy tụ về và các quỹ đầu tư có cơ hội lựa chọn đầu tư phát triển sản phẩm ra thị trường.
Theo một quỹ đầu tư, để đầu tư vào một startup công nghệ, chủ đề tài phải có tư duy mở, sẵn sàng chia sẻ ý tưởng với nhà đầu tư. Theo đó, nếu một quỹ đầu tư tham gia vào một startup thì không chỉ góp vốn, họ còn chia sẻ bớt gánh nặng quản trị cho startup để biến ý tưởng trở thành một sản phẩm thương mại hóa trên thị trường.
Tuy nhiên điểm này các startup Việt còn chưa sẵn sàng và tập quán giấu giếm ý tưởng của riêng nên rất khó kêu gọi vốn. Từ chỗ không muốn chia sẻ ý tưởng nên hầu hết các startup Việt hay tìm đến các ngân hàng vay vốn phát triển ý tưởng. Thế nhưng do thiếu tài sản đảm bảo, khó chứng minh tính khả thi của phương án kinh doanh… nên rất khó vay vốn được ngân hàng hiện thực hóa ý tưởng.
Đó là chưa kể hiện nay trên thị trường có rất nhiều ý tưởng công nghệ, nhưng thường rơi vào tình trạng trùng lắp nhau, mạnh ai nấy làm không có tính liên kết. Điển hình như eKYC - một công cụ xác thực định danh khách hàng cá nhân qua online giúp các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính không cần đến các quầy giao dịch vẫn có thể đặt lịch, hẹn trước rút tiền mặt, hay thực hiện các dịch vụ tài chính - ngân hàng… Hiện trên thị trường có rất nhiều các công ty thành lập ra để bán giải pháp eKYC, nhiều công ty cũng chẳng có ý tưởng mới mà chủ yếu copy của nước ngoài về sửa sang một chút rồi rao bán cho các ngân hàng.
Có thể nói, Fintech là một lĩnh vực mới đã và đang làm thay đổi nhanh chóng diện mạo của ngành công nghiệp tài chính – ngân hàng ở Việt Nam. Hiện không chỉ các doanh nghiệp mà bản thân các ngân hàng cũng muốn làm fintech của riêng mình; nhiều định chế nước ngoài cũng muốn nhảy vào thị trường này.
Tuy nhiên theo ông Trần Quang Ninh - Công ty dịch vụ tài chính kỹ thuật số Savemoney, chi phí đầu tư cho Fintech rất cao. Chưa kể công nghệ ngày hôm qua so với ngày hôm nay đã có thể lạc hậu. Vì vậy nếu không có liên kết tập trung nguồn lực với nhau thì có thể dẫn tới tình trạng “hai công ty cùng một giải pháp fintech”, vừa lãng phí nguồn lực, lại chẳng biết bán cho ai?
Thế nhưng việc tập hợp các doanh nghiệp fintech có cùng giải pháp là câu chuyện thị trường mang tính tự nguyện, chứ không phải chính sách. Chẳng hạn hiện đang có khá nhiều doanh nghiệp cung cấp giải pháp eKYC, nếu các doanh nghiệp này có thể tìm kiếm những doanh nghiệp tương đồng về ý tưởng và kế hoạch kinh doanh để liên kết có thể sẽ nhân lên sức mạnh của mình.
Tìm vốn từ đầu tư công
Bên cạnh hoạt động gọi vốn từ các quỹ đầu tư của các startup công nghệ tài chính, hiện nay trong Quyết định 844/QĐ-TTg về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, các doanh nghiệp có thể căn cứ vào các quy định trong quyết định này để tìm kiếm các cơ hội vốn cho đầu tư fintech từ tài trợ của Chính phủ.
Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn có cơ hội tìm kiếm cơ hội phát triển cho những sản phẩm sáng tạo tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ...
Có thể khẳng định, với quy mô dân số 96 triệu người, tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, chiếm 63% dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất một dịch vụ tài chính… Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho các fintech phát triển.
Đặc biệt, Việt Nam có trên 60% dân số sống ở các khu vực nông thôn đa phần không tiếp cận được dịch vụ tài chính - ngân hàng. Trong khi các ngân hàng phải hoạt động theo chuẩn nên không thể vươn đến các vùng xa xôi để cung cấp dịch vụ tài chính, điển hình như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, các công ty fintech có những sản phẩm nhỏ gọn có thể kết hợp với ngân hàng để cung ứng dịch vụ cho khu vực nông thôn, một thị trường tài chính còn bỏ ngỏ. Đó cũng là một trong những mục tiêu của chiến lược thúc đẩy việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính và phổ cập tài chính mà Chính phủ đã đề ra về thanh toán không dùng tiền mặt phấn đấu đến 2020 có khoảng 70% tỷ lệ người dân được tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, cơ chế chính sách đầu tư vào lĩnh vực Fintech Việt Nam hiện nay khá mở so với các quốc gia Đông Nam Á. Riêng hạn mức giao dịch ví điện tử và eKYC qua tham khảo 5 nước ASEAN, Việt Nam khá thoáng. Những hành lang pháp lý soạn thảo quản lý lĩnh vực Fintech của NHNN cũng trên tinh thần khuyến khích đầu tư nước ngoài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Hiện có 150 công ty Fintech đang hoạt động, trong 5 năm tới, thị trường sẽ có những sự thanh lọc nhất định, doanh nghiệp mới sẽ được thành lập và nhiều doanh nghiệp fintech sẽ ra đi, đây cũng là những quy luật của thị trường. Tuy nhiên nhìn vào các diễn biến hiện nay chắc chắn sẽ có các doanh nghiệp kỳ lân (là các doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD). Trên thực tế hiện nhiều doanh nghiệp Fintech đang thu hút được vốn đầu tư lớn từ các quỹ đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp tiềm năng.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tim-von-cho-khoi-nghiep-fintech-93066.html