Tin 11/7: Miền Bắc sắp đón mưa dông, nền nhiệt giảm mạnh; nhiều khán giả mất tiền oan khi mua vé nhượng xem BlackPink tại Hà Nội
Đến cuối tuần, mưa diện rộng sẽ xuất hiện trên toàn vùng miền Bắc và mức nhiệt hạ mạnh làm dứt đợt nắng nóng gay gắt; Vì người hâm mộ vẫn có thể tìm mua dễ dàng trên web chính thức nên nhiều seller (người bán lại vé) đang tìm cách bán tháo, thậm chí chịu lỗ.
Miền Bắc sắp đón mưa dông, nền nhiệt giảm mạnh
TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, thời tiết chủ đạo trong những ngày tới ở thủ đô Hà Nội là nắng nóng.
"Dù cường độ nắng nóng không gay gắt như các tỉnh miền Trung, nhưng vẫn sẽ có ngày nhiệt độ cao nhất đạt 38 độ", ông Lâm nhận định.
Đồng thời, theo ông Lâm, giai đoạn từ 12-14/7 chính là khoảng thời gian nhiều khả năng nhiệt độ đạt mức 38 độ; ban đêm cũng không ở mức quá cao, phổ biến 28-29 độ. Với mức nhiệt ban đêm này, người dân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn đôi chút so với những ngày tuần trước, khi có đêm lên tới 30-31 độ.
Cũng theo TS. Hoàng Phúc Lâm, dự báo xa hơn, từ khoảng Chủ nhật (16/7), các tỉnh Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội có thể có mưa diện rộng, nhiệt độ giảm đáng kể xuống mức 32-33 độ.
Cơ quan khí tượng lưu ý, tháng 7 là tháng có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ nắng nóng tập trung trong khoảng thời kỳ 10-15 ngày đầu tháng và có thể kéo dài hơn ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Đặc biệt, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện từ 1-2 cơn trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ thời gian tới.
Nhiều khán giả mất tiền oan khi mua vé nhượng xem BlackPink tại Hà Nội
Mở bán vé từ ngày 7/7, hai đêm diễn của BlackPink tại Việt Nam nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả. Tính đến thời điểm này, vé chưa bán hết, chủ yếu là các hạng vé dao động từ 5,8 triệu đồng đến 7,8 triệu đồng.
Lợi dụng cơn sốt vé, nhiều người tranh thủ ôm vé sau đó rao bán với giá cao hơn. Tuy nhiên vì người hâm mộ vẫn có thể tìm mua dễ dàng trên web chính thức nên nhiều seller (người bán lại vé) đang tìm cách bán tháo, thậm chí chịu lỗ.
Dù vậy, không ít người vẫn dính bẫy lừa đảo vì chủ quan. Khán giả Trần Tuệ Lâm (Bắc Ninh) cũng như nhiều fan khác, khi có thông về BlackPink về Việt Nam biểu diễn đã dành số tiền trong khả năng cho phép với mục tiêu mua vé VIP.
Lâm cùng một người bạn tìm người săn vé hộ, thỏa thuận tiền công tương đương 15% giá vé, đặt cọc 75% giá trị số tiền mua vé. Sau khi đặt 16 triệu tiền cọc, Tuệ Lâm lập tức bị người bán chặn. Sau khi kiểm tra lại, Lâm không liên lạc được với người bán vì số điện thoại cung cấp là sim rác.
"Tôi chấp nhận mất số tiền bằng 2 tháng lương của mình. Tôi dại dột khi không kiểm tra kỹ càng" – khán giả Tuệ Lâm chia sẻ với Tiền Phong. Đồng thời, cô cho biết muốn dùng trường hợp của mình để cảnh báo những người đang có ý định mua nhượng vé không nên nhẹ dạ cả tin.
Tương tự Lâm, nhiều người cho biết đã bị lừa số tiền không nhỏ khi tin tưởng những seller. Nhiều hội nhóm quản trị viên phải lên tiếng cảnh báo, không duyệt bài cho những ai bán lại vé.
Bên cạnh tình trạng lừa đảo vé chuyển nhượng, website chính thức của đơn vị phát hành vé concert BlackPink cũng bị giả mạo. Ticketbox lên tiếng về hiện trạng này, cảnh báo một trang web có giao diện y hệt web thật, đặt tên miền ".tv" và dụ người mua hàng nhập thông tin cá nhân, chuyển tiền mua vé giả.
Trong hội nhóm trao đổi, mua bán vé concert BlackPink tại Mỹ Đình, nhiều bài đăng khuyên fan có ý định mua nhượng nên giao dịch trực tiếp, nắm thông tin giấy tờ tùy thân. Vé online khá tiện nhưng dễ mắc bẫy lừa đảo. "Cách tốt nhất là đến ngày công diễn, cùng người bán giao dịch tại cổng" – một khán giả để lại ý kiến.
Người dân chung tay "giải cứu" 8.000 con gà chết ngạt
Ngày 10/7, nguồn tin từ UBND xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), trên địa bàn vừa có một trang trại chăn nuôi gà bị sự cố hệ thống quạt gió ngừng hoạt động khiến khoảng 8.000 con gà bị chết ngạt.
Trước đó, vào khoảng 11h ngày 9/7, tại trang trại của anh Nguyễn Huy Phố (39 tuổi, trú tại thôn Thanh Mỹ, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc) bất ngờ gặp sự cố khiến hệ thống quạt gió bị ngừng hoạt động trong khoảng 1 tiếng đồng hồ.
Sự việc trên đã làm cho khoảng 8.000 con gà đang nuôi tại trang trại của anh Phố bị chết ngạt, ước tính thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Ngay sau đó, người dân cũng như chính quyền địa phương nhanh chóng huy động lực lượng đến giúp gia đình anh Phố ''giải cứu'' số gà bị chết ngạt. Nhiều máy làm gà trên địa bàn được đưa vào để hỗ trợ gia đình anh Phố.
Được biết, mô hình trang trại của anh Phố liên kết với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam. Thời điểm xảy ra sự cố, tại trang trại đang nuôi khoảng 12.000 con gà.
Hiện, người dân đã chung tay, mua giúp gia đình anh Phố được hơn 4.000 con gà. Số gà còn lại đã được đông lạnh, nhiều người dân đăng tải lên mạng xã hội kêu gọi mọi người chung tay "giải cứu" số gà thịt, giảm thiểu phần nào thiệt hại cho gia đình anh Phố.
Cụ ông 78 tuổi tốt nghiệp bằng giỏi ĐH Luật Hà Nội
Ở tuổi thất thập cổ lai hy, thay vì tận hưởng nghỉ dưỡng tuổi già, 5 năm trước, ông Ngô Tôn Đức (phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) quyết định cắp sách đến trường như những bạn trẻ thế hệ con cháu mình.
Theo học chương trình đào tạo cử nhân Luật hệ vừa làm vừa học, cụ ông 73 tuổi khi đó miệt mài chinh phục tấm bằng đại học thứ ba.
Mới đây, với tổng điểm tích lũy 8,1, ông Ngô Tôn Đức giữ kỷ lục sinh viên tốt nghiệp cử nhân cao tuổi nhất của Trường ĐH Luật Hà Nội.
"Tôi rất vui và sung sướng vì sau 5 năm học đã nhận được bằng cử nhân. Đến giờ vẫn thấy lâng lâng", ông Đức nói.
Em Ngô Minh Phượng (cháu ngoại của ông Đức, hiện là sinh viên năm thứ hai đại học) cho hay, để có được tấm bằng đại học thứ ba này, ông đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.
"Trong quá trình học, ông gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt về Tiếng Anh và Tin học. Những lúc ông cần, em vẫn thường hỗ trợ dịch Tiếng Anh để ông hiểu hay đánh máy giúp ông hoàn thành tiểu luận... Khi đánh máy hộ ông hoặc trao đổi bài cùng ông, chính em cũng được tiếp thu thêm những kiến thức về ngành luật mà mình chưa được biết", Phượng chia sẻ.
Phương cho hay, khi ông Đức bày tỏ mong muốn đi học ngành luật ở tuổi cao, cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
"Gia đình ban đầu cũng khá bất ngờ với mong muốn của ông nhưng sau đó đều ủng hộ bởi đó là mong mỏi từ lâu, hồi trẻ ông cũng rất thích học. Giờ đây, gia đình em rất vui và tự hào với kết quả tốt nghiệp loại giỏi của ông", Phương nói.
Để có được tấm bằng đại học thứ ba, sự cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Gặp nhiều khó khăn do tuổi cao, nhưng suốt quá trình học, ông Đức luôn đạt được những điểm số cao trong học tập.
Trong mắt những người bạn cùng khóa, ông Đức luôn là sinh viên cần cù, chịu khó tìm tòi, ham học hỏi.
Anh Đỗ Hoài Nam (học viên lớp Văn bằng 1 K18B Trường ĐH Luật Hà Nội cùng ông Đức) chia sẻ: "Lúc nào bác Đức cũng là người đến sớm và rất chăm học, chuẩn bị bài tập rất đầy đủ. Nhiều hôm, hết giờ, bác vẫn có rất nhiều câu hỏi với giảng viên.
Tuổi cao nên nhiều hôm bác cũng mệt, mọi người cũng quan tâm, hỏi han sức khỏe bác. Kết quả học tập của bác xuất sắc, giới trẻ có khi còn thua. Đó là cả một sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng, rất đáng khen ngợi".
Không chỉ tốt nghiệp điểm số cao nhất lớp, cụ ông Ngô Tôn Đức còn trở thành cử nhân cao tuổi nhất trong lịch sử của Trường ĐH Luật Hà Nội.
Đại diện Trường ĐH Luật Hà Nội cho hay, ban đầu lớp có hơn 40 sinh viên, đến nay hơn 30 sinh viên tốt nghiệp và sinh viên Ngô Tôn Đức là người có điểm số cao nhất lớp. Với kết quả này, ông Đức cũng là cử nhân cao tuổi nhất khi tốt nghiệp trong lịch sử của Trường ĐH Luật Hà Nội.
Trở thành cử nhân Luật, ông Đức cho hay, bản thân càng phải chú ý đến từng lời nói, việc làm. Ông Đức chia sẻ, sau tốt nghiệp, ông có dự định học tiếp lên cao học Luật dân sự hoặc học nghề luật sư.
"Nhưng với hệ cao học, tôi hơi gặp khó bởi "vướng" Tiếng Anh, bây giờ đang phải ôn lại Tiếng Anh. Về công nghệ thông tin, tôi không quá lo sợ vì vẫn "cọc cạch" được và sẽ học thêm từ các cháu, các con", ông Đức nói.
Dùng ma túy đá, nam thanh niên bị phá hủy nội tạng, tử vong
Tói nhà người bạn khoảng 10 phút, nam thanh niên 32 tuổi bất ngờ xuất hiện co giật. Ngay sau đó, người này được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân co giật nhiều cơn và rơi vào hôn mê.
Do tình trạng nặng, sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được xác định ngộ độc ma túy đá.
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết dù được cấp cứu, điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, mất phản xạ, đồng tử giãn, tụt huyết áp, sốt cao liên tục.
Nam thanh niên này cũng bị tổn thương nội tạng rất nặng nề như: Tổn thương tim, suy tim cấp, suy thận nặng, vô niệu, rối loạn đông máu, nhiễm toan chuyển hóa, rối loạn điện giải, giảm tiểu cầu… Kết quả chụp não cho thấy bị phù não lan tỏa, xuất huyết dưới nhện, tụt huyết áp, có dấu hiệu "mất não".
"Nguyên nhân được xác định do bệnh nhân sử dụng ma túy đá dẫn tới ngộ độc cấp tính. Đây là một trong những trường hợp bị hủy hoại nội tạng nghiêm trọng mà nguyên nhân do sử dụng ma túy đá. Sau một ngày cấp cứu, gia đình đã xin bệnh nhân về, tử vong tại nhà" - bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo ma túy thế hệ mới hiện nay có nhiều chất độc, tác động nguy hiểm tới sức khỏe. Trung tâm từng tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc ma túy đá với tổn thương tim mạch rất phức tạp, rất khó điều trị, dễ tử vong. Đặc biệt, không chỉ sử dụng ma túy dài ngày mà có những bệnh nhân giống như trường hợp nói trên, chỉ dùng một lần đã dẫn tới phá hủy nội tạng và tử vong.
Theo bác sĩ Nguyên, ngày càng có nhiều loại ma túy mới xuất hiện, núp bóng, trà trộn trong các sản phẩm như: Bóng cười, thuốc lá điện tử… Hầu hết những chất ma túy tổng hợp mới đều rất khó nhận biết, do đó, tuyệt đối không nên thử, dù chỉ một lần.
2 người đàn ông vận chuyển một con hổ sống nặng 235 kg
Ngày 8-7, thông tin từ Công an huyện Quỳnh Lưu cho biết đang tạm giữ hình sự Nguyễn Trí Ngọc (SN 1973) và Ngô Sỹ Thành (SN 1976), cùng trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An về hành vi vận chuyển trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm.
Trước đó, ngày 4-7-2023, tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, Công an huyện Quỳnh Lưu chủ trì, phối hợp phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ Nguyễn Trí Ngọc và Ngô Sỹ
Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ 1 cá thể hổ nặng 235 kg còn sống, 1 xe ôtô cùng nhiều tang vật liên quan.
Hiện, vụ việc đang được Công an huyện Quỳnh Lưu điều tra mở rộng.
Hành vi bị nghiêm cấm tuyệt đối từ tháng 7, nếu vi phạm có thể bị xử lý hình sự
Kể từ tháng 7/2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa những nguy cơ và hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân.
Nghị định được Chính phủ ban hành ngày 17/4/2023 với nhiều quy định chặt chẽ về bảo vệ dữ liệu và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nghị định nêu rõ, dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể.
Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Dữ liệu cá nhân cơ bản bao gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có); ngày, tháng, năm sinh; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; giới tính; nơi sinh, nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, quê quán, địa chỉ liên hệ; quốc tịch; hình ảnh của cá nhân; số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số định danh cá nhân, số hộ chiếu, số giấy phép lái xe, số biển số xe, số mã số thuế cá nhân, số bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế; tình trạng hôn nhân; thông tin về mối quan hệ gia đình (cha mẹ, con cái); thông tin về tài khoản số của cá nhân; dữ liệu cá nhân phản ánh hoạt động, lịch sử hoạt động trên không gian mạng…
Dữ liệu cá nhân nhạy cảm gắn liền với quyền riêng tư của cá nhân mà khi bị xâm phạm sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của người đó. Chẳng hạn như quan điểm chính trị, quan điểm tôn giáo; tình trạng sức khỏe; nguồn gốc chủng tộc, nguồn gốc dân tộc; đặc điểm di truyền; đặc điểm sinh học riêng; đời sống tình dục; dữ liệu về vị trí; dữ liệu về tội phạm, hành vi phạm tội được thu thập, lưu trữ bởi các cơ quan thực thi pháp luật; thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng…
Bảo vệ dữ liệu cá nhân là hoạt động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm liên quan đến dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 8 của Nghị định quy định các hành vi bị nghiêm cấm, gồm: xử lý dữ liệu cá nhân trái với quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xử lý dữ liệu cá nhân để tạo ra thông tin, dữ liệu gây ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.
Nghị định cũng cấm hành vi cản trở hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan có thẩm quyền, cũng như việc lợi dụng hoạt động bảo vệ dữ liệu cá nhân để vi phạm pháp luật.
Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo
Đáng chú ý, Nghị định đã quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo.
Theo đó: Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo chỉ được sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được thu thập qua hoạt động kinh doanh của mình để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo khi có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu;
Việc xử lý dữ liệu cá nhân của khách hàng để kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo phải được sự đồng ý của khách hàng, trên cơ sở khách hàng biết rõ nội dung, phương thức, hình thức, tần suất giới thiệu sản phẩm;
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo có trách nhiệm chứng minh việc sử dụng dữ liệu cá nhân của khách hàng được giới thiệu sản phẩm đúng với quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Nghị định số 13/2023/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên tại Việt Nam chính thức sử dụng khái niệm dữ liệu cá nhân, quy định về nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân đối với các chủ thể có hoạt động thu thập, xử lý dữ liệu cá nhân (Ảnh minh họa: Reuters)
Điều 17 Nghị định quy định các trường hợp xử lý dữ liệu cá nhân không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu, gồm: trường hợp khẩn cấp, cần xử lý ngay dữ liệu cá nhân có liên quan để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác; việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật.
Cùng với đó là trường hợp xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật.
Ngoài ra, bên kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân cũng có thể xử lý dữ liệu cá nhân mà không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật; cũng như trong trường hợp phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.