Tin 29/6: Diễn biến mới vụ 'bắn nhầm' dê của người dân; nắng nóng gay gắt ở miền Bắc kéo dài bao lâu?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là phù hợp với quy định của pháp luật; Theo dự báo, từ ngày 1 - 6/7, khu vực miền Bắc ngày nắng, có nơi nắng nóng; riêng khu vực trung du và đồng bằng có nắng nóng.
Liên tiếp bị lọt đề, Bộ GD-ĐT ra công điện tăng cường an ninh thi tốt nghiệp
Ngày 28/6, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được tổ chức với 2 bài thi Ngữ văn và Toán. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông tin dù nguy cơ sử dụng công nghệ cao để gian lận thi cử đã được dự báo, nêu tại các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ và là một trong những nội dung trọng tâm được tập huấn, nhưng vẫn có thí sinh cố tình sử dụng thiết bị công nghệ cao chuyển đề thi ra ngoài.
Do đó, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành quán triệt Ban Chỉ đạo cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các Hội đồng thi khẩn trương thực hiện một số công việc. Cụ thể, các Hội đồng thi chỉ đạo các trưởng điểm thi tăng cường phổ biến, nhắc nhở thí sinh thực hiện nghiêm quy chế thi.
Các Hội đồng thi cũng phải yêu cầu cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi và các lực lượng tham gia tổ chức kỳ thi tập trung cao độ, vận dụng các kiến thức, kĩ năng đã được tập huấn để ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế thi, đặc biệt là việc sử dụng thiết bị công nghệ để gian lận thi cử.
Hội đồng thi kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định, cùng đó, tiếp tục, tăng cường phối hợp với lực lượng an ninh để có các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn kỳ thi, đặc biệt là phòng ngừa và ngăn chặn việc sử dụng công nghệ cao để vi phạm quy chế thi.
Ngoài ra, các Hội đồng thi cần chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về tình hình diễn biến kỳ thi, việc xử lý những trường hợp vi phạm quy chế và các tình huống bất thường để kịp thời tuyên truyền, cảnh báo, răn đe.
Hình ảnh đề thi môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2023 lan truyền trên mạng xã hội vào khoảng 8h ngày 28/6, tức chỉ khoảng 30 phút sau thời gian thí sinh bắt đầu làm bài.
Như VietNamNet đã đưa tin, buổi thi các môn Văn và Toán trong ngày đầu tiên thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đều nhận những phán ánh nghi lọt đề ra ngoài trong quá trình thí sinh đang làm bài thi.
Liên quan đến nghi vấn đề môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT bị lộ, Bộ GD-ĐT thừa nhận đề thi xuất hiện trên mạng khoảng 8h, tức chỉ 30 phút sau thời gian thí sinh bắt đầu làm bài.
Về nghi vấn lọt đề thi môn Toán, Ban Chỉ đạo thi Quốc gia đã nắm bắt thông tin và chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an vào cuộc xác minh làm rõ, xử lý theo quy định. Bộ GD-ĐT cũng cho hay, hiện thông tin này không ảnh hưởng đến kỳ thi.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công an, xác nhận việc lọt đề thi Ngữ văn và Toán xuất phát từ thí sinh ở Cao Bằng và Yên Bái.
Cơ quan này cũng cho biết thêm sự số lọt đề thi ở Cao Bằng, Yên Bái đều vi phạm cùng dạng thức là sử dụng thiết bị chụp gửi đề thi ra ngoài trong thời gian đang tổ chức thi.
Chiều 28/6, ông Vũ Văn Dương, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cao Bằng, cũng cho hay theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, một thí sinh trên địa bàn tỉnh liên quan đến việc làm lọt đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
"Chiều 28/6, tại cơ quan công an, thí sinh này cũng đã thừa nhận việc làm của mình. Em đã mang điện thoại vào phòng thi sau đó sử dụng. Sau khoảng 20 phút từ khi phát đề, thí sinh đã sử dụng điện thoại để chụp ảnh đề và gửi cho người thân hay gia sư, nhờ giải bài giúp. Sau khi thực hiện, thí sinh đã xóa tin nhắn gửi đi ban đầu. Tuy nhiên, chưa có việc tuồn lời giải vào như vậy kết quả chưa có gì ảnh hưởng", ông Dương nói.
Ông Dương cho biết thêm, thí sinh này là học sinh của Trường THPT TP Cao Bằng. Thí sinh này đã bị đình chỉ thi theo quy chế và không tiếp tục tham gia các bài thi ngày mai.
Về phía 2 cán bộ giám thị coi thi, ông Dương cho biết, Hội đồng thi cũng đã cho dừng làm nhiệm vụ và bố trí 2 cán bộ coi thi dự phòng thay thế.
Vụ "bắn nhầm" dê của người dân: Quy trình tiếp theo xử lý trách nhiệm 3 cựu cán bộ công an
Ngày 27/6, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, gồm: Đại úy Nguyễn Văn Nhân, Thượng úy Bùi Đình Việt và Thượng úy Bùi Tiến Tùng.
Đồng thời, Cơ quan CSĐT Công an thành phố ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Trộm cắp tài sản, quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn Nhân, Bùi Đình Việt và Bùi Tiến Tùng để điều tra, xử lý liên quan vụ người dân bị mất trộm dê ở xã An Phú.
Trả lời PV VTC News, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp) cho rằng, vụ việc có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là phù hợp với quy định của pháp luật.
Điều đáng chú ý, trong vụ án này 3 nghi phạm lại là các cán bộ chiến sĩ công an thị trấn. Đây là cán bộ chiến sĩ công an cấp cơ sở, gần gũi nhất với người dân, đồng thời là những người hiểu biết pháp luật và nhiệm vụ của họ là phải đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Nếu những người này chính là những người đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì đây là hành vi rất đáng lên án, cần phải xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Sau khi có quyết định tước danh hiệu công an nhân dân, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can và có thể tạm giam để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thông thường sau khi bắt người phạm tội quả tang hành vi Trộm cắp tài sản, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, đồng thời khởi tố bị can và tạm giam đối với bị can để điều tra.
Luật sư Cường cho biết các cơ quan chức năng sẽ tiến hành các quy trình để xem xét xử lý kỷ luật đối với các cán bộ chiến sĩ này, sau khi có quyết định kỷ luật thì sẽ khởi tố bị can và tạm giam để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
"Việc khởi tố vụ án hình sự là động thái rất quyết liệt, nhanh chóng của cơ quan chức năng, thể hiện thái độ không bao che, không dung túng cho hành vi sai phạm, xử lý nghiêm minh để giữ gìn uy tín của lực lượng công an nhân dân và cảnh tỉnh những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra đối với các cán bộ chiến sĩ trẻ tuổi", luật sư Cường nhấn mạnh.
Theo luật sư Cường, điều kiện để khởi tố vụ án hình sự là vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Bởi vậy trường hợp xác định những con dê này là tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời định giá giá trị tài sản này từ 2.000.000 đồng trở lên thì đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự về tội Trộm cắp tài sản.
Sau khi khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ điều tra rõ người nào thực hiện hành vi trộm cắp tài sản để khởi tố bị can.
Hành vi bắn dê nhưng không có mục đích chiếm đoạt có thể bị xử lý hình sự về tội hủy hoại tài sản, còn trường hợp săn bắn nhằm chiếm đoạt thì đây là hành vi trộm cắp tài sản.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy 3 người này nhận thức rõ những con dê này "có chủ" (không phải dê núi, hoang dã vô chủ) nhưng vì lòng tham mà lén lút chiếm đoạt những con dê này bằng cách bắn chết hoặc trọng thương rồi mang đi thì đây là hành vi trộm cắp tài sản, cơ quan điều tra sẽ khởi tố bị can và tạm giam đối với những người đàn ông này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với hành vi trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính, bị kết án về tội danh xâm phạm quyền sở hữu mà còn vi phạm, những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Trường hợp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc hành vi được xác định là phạm tội có tổ chức, những người này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm theo quy định tại điều 173 Bộ luật Hình sự.
"Như vậy, trường hợp xác định những con dê này là có chủ và giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên thì việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội trộm cắp tài sản theo điều 173 Bộ luật Hình sự là có căn cứ'', luật sư Cường khẳng định.
Miền Bắc đón 1 tuần nắng nóng đầu tháng 7
Nhận định tình hình thời tiết từ ngày 29/6 - 6/7 trên cả nước, cơ quan khí tượng thông tin:
- Bắc Bộ: chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; riêng vùng núi có mưa rào rải rác và có nơi có dông, thời kỳ từ ngày 01-07/7 có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to; ngày nắng, có nơi nắng nóng, riêng khu vực trung du và đồng bằng có nắng nóng.
- Trung Bộ: chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi; ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, riêng khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt.
- Các khu vực khác: có mưa rào và dông vài nơi, riêng Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, riêng thời kỳ từ từ 30/6-03/7 cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trang Nemo kháng cáo, xin hưởng án treo
Ngày 28/6, nguồn tin của VTC News cho biết, bị cáo Nguyễn Xuân Hương Trang (Trang Nemo, SN 1992), Phạm Quyền Quy, Nguyễn Ngọc Khương (cùng 23 tuổi), và Phan Hoàng Nam (24 tuổi) trong vụ án gây rối trật tự công cộng đã gửi đơn kháng cáo tới TAND quận 1, TP.HCM.
Theo đó, các bị cáo: Trang Nemo, Quy và Khương xin hưởng án treo. Còn bị cáo Hoàng Nam xin giảm nhẹ hình phạt.
Trước đó, vào ngày 23/6, bà Phạm Lệ Khanh - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án gây rối trật tự công cộng do Nguyễn Xuân Hương Trang (Trang Nemo) và đồng phạm gây ra đã có đơn kháng cáo gửi TAND TP.HCM và TAND quận 1 (TP.HCM).
Bà Khanh kháng cáo 1 phần bản án hình sự sơ thẩm do TAND quận 1, TP.HCM đã tuyên ngày 16/6.
Theo đơn kháng cáo, bà Khanh cho rằng TAND quận 1 chỉ xét xử các bị cáo Nguyễn Xuân Hương Trang, Phạm Quyền Quy, Nguyễn Ngọc Khương, Phan Hoàng Nam về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1, Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 mà Viện KSND quận 1, TP.HCM, truy tố.
Tuy nhiên, qua những tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm định công khai tại phiên tòa sơ thẩm, ngoài tội danh các bị cáo bị VKS truy tố, các bị cáo còn có dấu hiệu phạm tội cố ý gây thương tích theo khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Vì thế bà Khanh đề nghị tòa phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm do TAND quận 1 đã tuyên để điều tra, truy tố thêm tội danh cố ý gây thương tích.
Trước đó, HĐXX TAND quận 1 tuyên phạt bị cáo Nguyễn Xuân Hương Trang, Phạm Quyền Quy, Nguyễn Ngọc Khương cùng mức án 9 tháng tù; bị cáo Phan Hoài Nam 1 năm tù về tội Gây rối trật tự công cộng.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo gây mất trật tự xã hội. Bị cáo Nam là người có tiền án chưa được xóa án tích nên cần có hình phạt nghiêm khắc.
Đối với bị cáo Trang, Quy, Khương phạm tội lần đầu, ăn năn hối cải nên HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.
Theo cáo trạng, Hương Trang là chủ cửa hàng Trang Nemo trên đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Do mâu thuẫn trong việc kinh doanh bán hàng online nên Trang và Trần Nguyễn Trà My hẹn nhau giải quyết tại cửa hàng.
Khoảng 14h45 ngày 16/1, My cùng Phạm Lệ Khanh, Trần Thị Hoàng Yến đến cửa hàng Trang Nemo. Sau đó, My cùng Yến vào cửa hàng để xin lỗi, còn Khanh đứng bên ngoài.
Đến khoảng 15h cùng ngày, My đang xin lỗi Trang thì Khanh vào cửa hàng gọi My về nên giữa Khanh và Trang nảy sinh mâu thuẫn.
Trang dùng tay giật khẩu trang của Khanh thì người này chửi tục với Trang. Nghe vậy, nhân viên của Trang là Quy cùng Trang lao vào nắm tóc rồi dùng tay đánh trúng đầu, lưng và dùng chân đạp vào bụng của Khanh. Lúc này, Yến vào can ngăn cũng bị Khương đánh.
Thấy xảy ra xô xát, bảo vệ cửa hàng Trang Nemo là Nam và Tuấn chạy vào. Sau đó, Nam và Tuấn lao vào đánh Khanh.
Theo kết luận giám định pháp y, Khanh bị đa chấn thương phần mềm, sưng bầm rải rác các bộ phận trên cơ thể, tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích là 3%, riêng Yến không ghi nhận thương tích.
Tại cơ quan công an, Trang, Quy, Khương, Tuấn và Nam thừa nhận hành vi của mình.
Ngày 20/4, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trang, Quy, Khương, Tuấn và Nam về tội gây rối trật tự công cộng.
4 người trong gia đình chết trong tư thế treo cổ
Ngày 28-6, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ treo cổ khiến 4 người trong một gia đình tử vong xảy ra ở xã N'Thol Hạ, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng).
Thông tin ban đầu, chiều 27-6, khi đi làm về, chị Ka T. (ngụ xã N'Thol Hạ) phát hiện chồng là L.Đ.C. (33 tuổi) cùng 3 người con (lần lượt sinh năm 2015, 2017, 2019) tử vong trong tư thế treo cổ.
Xác định vụ việc nghiêm trọng, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng phối hợp cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm hiện trường để điều tra vụ việc.
Được biết, trong số 3 cháu nhỏ tử vong, có 2 người là con chung của chị T. và anh C., cháu nhỏ còn lại là con của chị T. với người chồng trước.
Hiện vụ việc đang được tích cực điều tra, làm rõ.
Vụ bỏ rơi bé sơ sinh dưới chân cầu, người mẹ trẻ đến xin nhận lại con
Sáng 28/6, lãnh đạo UBND xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) thông tin, bé sơ sinh bị bỏ rơi dưới chân cầu vào trưa ngày 26/6 đã được mẹ đẻ đến xin nhận lại con.
Cụ thể, chiều 27/6, người mẹ ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã vào xã Nghi Yên xin nhận lại con.
Lãnh đạo xã Nghi Yên cho biết thêm, sau khi chính quyền địa phương thông báo tìm người thân, ông bà ngoại đã đưa người mẹ vào xin nhận con.
Người mẹ sinh năm 2000 trình bày, trong quá trình hai vợ chồng ra tòa ly hôn đã nghĩ quẩn bỏ lại con ở chân cầu cho xã hội nuôi. Sau đó, chính quyền địa phương đã làm thủ tục để bàn giao cháu bé cho người mẹ.
Trước đó, vào khoảng 12h ngày 26/6, người dân lưu thông trên đường nghe thấy tiếng khóc của trẻ em dưới chân câu vượt đoạn qua địa bàn xã Nghi Yên.
Khi đến gần kiểm tra thì phát hiện cháu bé sơ sinh, được quấn trong một chiếc khăn, trên người không có giấy tờ ghi lại thông tin về cháu bé. Sự việc được người dân báo lên chính quyền địa phương.
Nhận tin báo, lãnh đạo xã đã cử nhân viên trạm y tế đến kiểm tra sức khỏe cho cháu. Tại thời điểm đó, bé trai bị bỏ rơi sức khỏe tốt.
Rạch dao lam lên người để chữa bệnh, bé trai 10 tuổi tử vong
Ngày 27/6, các bác sĩ khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết thời gian vừa qua đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi nam 10 tuổi bị nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng, ngộ độc thuốc do người nhà tự ý cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc và cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách rạch dao lam trên người để đào thải máu độc ra khỏi cơ thể. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa nhưng trẻ đã tử vong.
Theo TS.BS Hoàng Kim Lâm - Khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đó, cách thời điểm nhập viện 8 ngày, trẻ ở nhà xuất hiện ho, sốt, chân tay lạnh, khó thở, mệt. Gia đình đã ra chợ mua một cây thuốc khô (không rõ nguồn gốc) về cắt nhỏ sắc cho trẻ uống, đồng thời cho trẻ đi chữa mẹo bằng cách dùng dao lam rạch từng chấm nhỏ trên người để chữa bệnh. Thấy tình trạng của trẻ không thuyên giảm, gia đình mới cho đi bệnh viện tuyến huyện, sau đó đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị.
Tại đây, trẻ có các biểu hiện: sốt, mệt, da vàng sạm, củng mạc mắt vàng, phù 2 mí mắt, bụng chướng, suy gan - thận, suy hô hấp, vô niệu. Trẻ tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong tình trạng bóp bóng qua nội khí quản. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chẩn đoán: nhiễm khuẩn huyết, suy chức năng đa cơ quan.
Trẻ được điều trị tích cực: Hỗ trợ hô hấp, chống sốc, kháng sinh phổ rộng, lọc máu liên tục, chăm sóc tích cực. Mặc dù đã được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng trẻ không đáp ứng điều trị và tử vong sau 01 ngày nằm viện.
PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết, biện pháp chữa bệnh cho trẻ bằng cách dùng dao lam nặn (hoặc rạch) lấy máu… để chữa bệnh cho trẻ là phương pháp hoàn toàn không có tính khoa học, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tuyệt đối không nên làm những điều này.
Vì khi thực hiện phương pháp như vậy vừa không hiệu quả, vừa làm nguy hiểm tính mạng của trẻ do mất máu, hàng rào vi khuẩn tự nhiên của cơ thể bị phá hỏng khiến vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào cơ thể gây nhiễm trùng máu. Đồng thời, việc làm này làm trì hoãn việc đưa trẻ đến bệnh viện và mất đi thời gian vàng để cứu sống trẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hoặc các phương pháp chữa bệnh nào cho trẻ, cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Cha mẹ không nên vì quá sốt ruột mà nghe những lời mách bảo, quảng cáo về các loại thuốc không rõ nguồn gốc, phương pháp điều trị bệnh phản khoa học khiến trẻ gặp nhiều biến chứng khôn lường, thậm chí tử vong. Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bất thường, việc quan trọng nhất cha mẹ nên làm là nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.