Tin 29/8: Cô gái Hà Nội cảm giác da đầu 'bùng cháy' khi tẩy tóc; vì sao phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được thi Miss Grand Vietnam 2023?
Đang hào hứng tẩy tóc sau lễ tốt nghiệp đại học để có diện mạo mới, cô gái ở Hà Nội bỗng cảm giác đỉnh đầu như 'bùng cháy', bỏng rát; Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam đã thông báo thể lệ tham gia, thí sinh PTTM vẫn được ghi danh cạnh tranh vương miện.
Miss Grand Vietnam 2023 chấp nhận thí sinh thẩm mỹ
Tối 27/8 tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TPHCM, Lê Hoàng Phương được xướng tên cho ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2023.
Trả lời Tiền Phong, bà Phạm Kim Dung - Trưởng ban tổ chức Miss Grand Vietnam 2023 - cho biết 90% giám khảo đồng ý Lê Hoàng Phương đăng quang, 10% còn lại có tranh luận, đặt lên bàn cân xem cô gái nào đạt đủ mọi yếu tố từ nhan sắc, ngoại hình, kỹ năng để đáp ứng tiêu chí Miss Grand International.
Được biết trong top 5 có thí sinh Lê Thị Hồng Hạnh đến từ Thái Bình trước đó đã công khai phẫu thuật thẩm mỹ. Điều này đã khiến nhiều người thắc mắc vì trong các cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam, thí sinh tham dự phải có vẻ đẹp tự nhiên, không can thiệp thẩm mỹ.
Theo như thể lệ mà ban tổ chức Miss Grand Vietnam đưa ra, độ tuổi thí sinh được dự thi là từ 18-28 tuổi, đặc biệt là các thí sinh từng trải qua phẫu thuật thẩm mỹ vẫn được phép tham dự. Điều này tạo điều kiện giúp tìm ra những thí sinh hoàn hảo nhất có thể.
Nhìn chung, đây là tiêu chí phù hợp với xu thế của Miss Grand International nói riêng cũng như các cuộc thi sắc đẹp lớn trên thế giới nói chung. Phần lớn các đấu trường nhan sắc đều chấp nhận thí sinh can thiệp chỉnh sửa một số vùng nhất định trên gương mặt.
Theo sát tiêu chí cũng như format gốc Miss Grand International, thí sinh chiến thắng giải bình chọn được tiến thẳng vào top 10. Bên cạnh đó, top 10 cũng tham gia phần thi hùng biện để chọn ra top 5. Top 5 ứng xử được chọn trả lời bằng Tiếng Việt hoặc Tiếng Anh.
Nhiều năm qua, đại diện Việt Nam luôn làm tốt tại đấu trường Miss Grand International. Những Nguyễn Loan, Ngọc Thảo, Huyền My, Kiều Loan... luôn để lại ấn tượng khi đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi có nguồn gốc từ Thái Lan. Thành tích tốt nhất của Việt Nam đến hiện tại là Nguyễn Thúc Thùy Tiên, người đẹp sinh năm 1998 đoạt vương miện Miss Grand International hồi cuối tháng 12/2021.
Theo nhiều fan sắc đẹp, việc tổ chức hẳn một cuộc thi để tìm ra Hoa hậu Hòa bình Việt Nam sẽ tìm ra thí sinh chất lượng hơn để đến với đấu trường quốc tế.
Mất trắng 10 tỷ đồng khi tham gia CLB "Mỹ nhân Love"
Ngày 28/8, Công an TP Hà Nội cho biết Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang điều tra đơn trình báo bị lừa đảo của một nam thanh niên.
Theo đó, thanh niên này được mời gọi tham gia nhóm hẹn hò Câu lạc bộ "Mỹ nhân Love" trên Telegram. Theo hướng dẫn, nạn nhân nạp tiền để kích hoạt thẻ thành viên và nhận phần hoa hồng từ việc nạp tiền.
Sau khi kích hoạt thẻ thành công, các đối tượng lấy lý do báo lỗi hệ thống, yêu cầu nạn nhân chuyển gần 40 lần với số tiền lên tới hơn 8 tỷ đồng. Dù đã nộp đủ tiền theo yêu cầu, nạn nhân vẫn không thể rút tiền và tiếp tục được giới thiệu tới "lãnh đạo cấp trên của Câu lạc bộ" để được hỗ trợ rút tiền trực tiếp tại ngân hàng.
Tại ngân hàng, các đối tượng thông báo phải nộp 500 triệu đồng để được hợp thức hóa số tiền, 590 triệu đồng để bảo mật nguồn tiền với cam kết sẽ rút được 82% tổng tiền đã nộp.
Lúc này, nạn nhân mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo. Tổng số tiền nam thanh niên này đã bị chiếm đoạt là hơn 10 tỷ đồng.
Theo nhà chức trách, Công an TP Hà Nội đã cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo khi tham gia ứng dụng hẹn hò, tuy nhiên thời gian gần đây tiếp tục có các nạn nhân bị mắc bẫy.
"Với quảng cáo chỉ cần thực hiện những thao tác đơn giản mà cũng có thể kiếm ra tiền, nạn nhân vì nhẹ dạ, chỉ thấy được cái lợi trước mắt mà dễ dàng dính bẫy lừa đảo", Công an Hà Nội cho biết.
Kêu gọi người dân 'né' đường cao tốc TP.HCM - Long Thành dịp lễ 2/9
Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào khai thác cách đây 4 tháng đã khiến lưu lượng phương tiện chọn lộ trình qua cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (HLD) tăng cao.
Cụ thể, VEC E ghi nhận đoạn từ nút giao An Phú (TP Thủ Đức) đến nút giao Km99 giữa cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (Đồng Nai) nối với cao tốc HLD, lưu lượng trung bình hiện nay khoảng 58.000 – 62.000 lượt xe/ngày đêm, ngày cao điểm đạt 70.000 - 73.000 lượt xe/ngày đêm.
Trên cơ sở lưu lượng tham gia giao thông trên cao tốc HLD tăng cũng như các nhu cầu sử dụng dịch vụ tại Trạm dừng nghỉ Km41+100 trong dịp nghỉ lễ 2/9 nên VEC E đưa khuyến cáo người dân lựa chọn các lộ trình thích hợp để di chuyển trong các ngày nghỉ lễ.
Việc khuyến cáo 'né' cao tốc nhằm giảm tải cho cao tốc HLD và để đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng khi sử dụng trạm dừng nghỉ, đồng thời không gây ảnh hưởng đến lịch trình di chuyển. Ngoài ra, Đơn vị quản lý cao tốc HLD cũng khuyến cáo lái xe chú ý giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ xảy ra va chạm trên tuyến.
Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào sử dụng từ năm 2015 có chiều dài gần 55km với quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/h; tổng số vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc này là một bộ phận của hệ thống đường bộ cao tốc Bắc - Nam, nằm trong vùng tam giác kinh tế trọng điểm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cuối tháng 4 vừa qua, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km (đoạn qua Bình Thuận 47km, Đồng Nai 52km) chính thức thông xe. Công trình được khởi công từ tháng 9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng là tuyến giao thông huyết mạch nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có 6 làn xe, vận tốc cho phép tối thiểu 60km/h, tối đa 120km/h, khi đưa vào khai thác đã giúp lộ trình di chuyển từ TP.HCM đi Phan Thiết rút ngắn còn khoảng 2 giờ.
Cô gái Hà Nội cảm giác da đầu 'bùng cháy' khi tẩy tóc
Bệnh nhân là N.T.M, 22 tuổi. Trước khi đến viện, nhân viên cửa hàng tóc đã xử lý nhưng tình trạng bỏng rát của cô không thuyên giảm.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vùng đỉnh đầu viêm loét, ở chính giữa hoại tử rộng, màu tím đen.
Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho hay, thợ làm tóc ngoài ủ hóa chất còn gia tăng nhiệt để sớm đạt hiệu quả, chính điều này khiến tổn thương gặp phải của bệnh nhân càng nặng, vừa bị bỏng hóa chất, vừa bỏng nhiệt.
"Bệnh nhân vào viện muộn, tổn thương nặng, thầy thuốc phải cạo trọc đầu của bệnh nhân, cắt lọc, làm sạch tổ chức hoại tử", bác sĩ Sơn cho hay. Để vết thương mau lành, bác sĩ phải lấy da từ vùng khác để ghép lên đỉnh đầu.
Khi tổn thương ổn định, bác sĩ tiếp tục sử dụng các kỹ thuật tạo hình để xoay, chuyển vạt da mang nang tóc để che phủ vùng da đầu bị tổn thương không có tóc, giúp bệnh nhân phục hồi mái tóc.
Không chỉ tốn kém chi phí, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, bệnh nhân cần thêm nhiều thời gian để nuôi lại mái dài.
Cũng gặp nạn vì tẩy tóc, nam thanh niên 21 tuổi bị hoại tử hai vùng ở đỉnh đầu, phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Do tổn thương quá nặng, các bác sĩ cũng phải cắt lọc và ghép da để tổn thương mau lành, sau đó xử lý bằng biện pháp chuyên môn để da đầu hồi phục, mọc tóc trở lại.
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Sơn cho hay phần lớn sản phẩm tẩy tóc hiện nay chứa 2 loại hóa chất chính là chất kiềm và chất oxy hóa. Chất kiềm có nhiệm vụ phá vỡ nang tóc, làm mở vỏ sợi tóc, trong khi chất oxy hóa làm phá vỡ cấu trúc hạt melamine và làm mất màu của tóc.
"Người nhuộm tóc càng thích tông màu lạnh như tóc sáng, bạch kim, màu xanh lá… càng phải tẩy tóc kỹ hơn bằng cách tẩy mạnh hoặc tẩy nhiều lần", bác sĩ Sơn nói.
Giải thích về nguy cơ tổn thương xảy ra khi tẩy tóc, bác sĩ Sơn cho hay hóa chất chỉ được bôi vào thân sợi tóc, không được để tiếp xúc với da đầu. Tuy nhiên, do kỹ thuật trong lúc làm, có thể muốn bôi quá sát chân tóc khiến hóa chất dính vào da đầu mới xảy ra tình trạng da đầu bị bỏng do tiếp xúc với chất kiềm và chất oxy hóa mạnh.
Bác sĩ Sơn phân tích thậm chí, do "sốt ruột", thợ làm tóc thay vì tẩy tóc nhiều lần với khoảng thời gian và nồng độ hóa chất phù hợp lại sử dụng các chất tẩy có nồng độ vượt quá giới hạn hoặc rút ngắn khoảng cách giữa 2 lần tẩy. Điều này khiến tóc dễ tổn thương, bị phồng, xơ, thô ráp và dễ bị gãy rụng, chưa kể việc gia tăng nhiệt khiến da đầu chịu thêm tổn thương, nguy cơ cao bị bỏng hóa chất, bỏng nhiệt.
Một số hóa chất trong chất tẩy có độc tính cao, có thể khiến cơ thể nhiễm độc nếu nuốt, dính phải thuốc tẩy trên da, bị bắn vào mắt. Các biểu hiện ngộ độc thuốc tẩy tóc bao gồm tiêu chảy, đau bụng, khó thở, ngọng, hạ huyết áp, loạng choạng, bỏng rát ở họng nếu nuốt phải hoặc bỏng rát ở mắt nếu bị bắn vào.
Các chuyên gia khuyến cáo người có tóc khô, yếu, dễ gãy rụng không nên tẩy tóc. Nếu lựa chọn tẩy tóc, để tránh bỏng da đầu, quá trình thực hiện không nên sử dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình tẩy tóc như băng bịt kín, kết hợp sử dụng nhiệt hoặc dùng chất tẩy với nồng độ cao. Nếu có cảm giác quá khó chịu, cần ngừng ngay việc tẩy tóc, đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa da liễu để được thăm khám kịp thời.
Sóc Sơn tháo dỡ loạt homestay 'xẻ thịt' đất rừng phòng hộ
Ngày 28/8, tại khu vực đồi Dõng Chum, lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ các công trình, homestay xây sai phép trên đất rừng phòng hộ.
Hơn 20 công nhân chia thành các nhóm, mang theo máy cắt sắt và các thiết bị chuyên dụng để tháo dỡ các công trình sai phép.
Dự kiến trong ngày 28/8, lực lượng của huyện Sóc Sơn sẽ xử lý dứt điểm 6 trường hợp vi phạm ở đồi Dõng Chum.
Trước đó, ngày 4/8, tuyến đường bê tông lên đỉnh đồi Dõng Chum bị sạt lở đất đá vùi lấp 13 ô tô.
Sau đó, cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn xác định nhiều công trình ở xóm Ban Tiện (đường lên đỉnh đồi Dõng Chum) vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn. Huyện Sóc Sơn đã cho phá dỡ tuyến đường bê tông lên đỉnh đồi.
Ông Phạm Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn khẳng định, trong tháng 8 và tháng 9/2023, UBND huyện Sóc Sơn sẽ phá dỡ những công trình vi phạm xây dựng dọc con đường bê tông lên đỉnh đồi Dõng Chum.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã xảy ra 60 trường hợp vi phạm đất đai (vi phạm trên đất) diễn ra ở hai xã Minh Phú, Minh Trí.
Ngoài ra, huyện Sóc Sơn cũng giao Chủ tịch UBND xã Minh Trí cưỡng chế 6 công trình sai phép và giải tỏa các lều lán xung quanh hồ Đồng Đò.
Ông Lê Minh Tuyên, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, khu vực hồ Đồng Đò (xã Minh Trí) và hồ Ban Tiện (xã Minh Phú) là những nơi đang diễn ra hoạt động xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp khá nghiêm trọng. Phần lớn diện tích đất này đang thuộc quyền quản lý của huyện, chưa bàn giao về cho Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Theo ông Lê Minh Tuyên, từ đầu năm 2023 đến nay tại địa bàn huyện Sóc Sơn xảy ra 59 vụ xâm phạm đất rừng, trong đó có 36 vụ xây dựng trái phép; 21 vụ san gạt và 2 vụ khai thác đất lâm nghiệp trái phép.
Bác tin CSGT ở Đắk Nông đánh người vi phạm
Trưa nay 28/8, thông tin từ Thượng tá Nguyễn Xuân Đức, Trưởng công an TP. Gia Nghĩa cho biết, đơn vị vừa gửi văn bản tới Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông đề nghị phối hợp xử lý những người đăng tải, chia sẻ thông tin bài viết "CSGT CSTT Gia Nghĩa Đắk Nông, tẩn dân xong chạy" trên kênh YouTube mạo danh Báo Giao thông.
Theo ông Đức, nội dung đăng tải này hoàn toàn sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của lực lượng Công an TP. Gia Nghĩa nói riêng và Công an tỉnh Đắk Nông nói chung.
Trước đó, vào ngày 26/8, trên kênh YouTube có tên "Báo Giao Thông", Facebook cá nhân "Hương Thủ" và Facebook cá nhân "Đoàn Thương" đăng tải, chia sẻ bài viết với tiêu đề "Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự Gia Nghĩa Đắk Nông, tẩn dân xong chạy".
Hình ảnh trong clip cho thấy, một người đàn ông cầm điện thoại quay cảnh nam thanh niên cùng một số người và nói "công an giao thông đánh người". Đoạn clip này thu hút nhiều lượt xem và bình luận.
Qua xác minh thì nội dung trong video không liên quan đến lực lượng Công an TP. Gia Nghĩa, và địa điểm cũng không thuộc địa bàn TP. Gia Nghĩa mà ở huyện Đắk G'long.
Về việc này, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng công an huyện Đắk G'long thông tin, chiều 26/8, tổ công tác thuộc Đội CSGT - trật tự công an huyện tuần tra kiểm soát trên địa bàn xã Quảng Khê theo kế hoạch và phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe mô tô biển số 72E1-245.93 chạy với tốc độ cao, có dấu hiệu sử dụng rượu bia.
Lúc này, lực lượng công an đã dừng xe để kiểm tra nhưng nam thanh niên không chấp hành hiệu lệnh, tăng ga tông thẳng vào 1 chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ rồi bỏ chạy nhưng chiến sĩ này kịp thời né tránh.
Khoảng 10 phút sau, nam thanh niên trở lại cùng một người khác, đến vị trí tổ công tác làm nhiệm vụ dùng điện thoại quay video và nói "lực lượng CSGT đánh người".
Nam thanh niên sau đó được xác định tên Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 1996, ngụ thôn 3, xã Quảng Khê, huyện Đắk G'long).
Lực lượng công an đã đưa Hiếu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông để kiểm tra sức khỏe và kiểm tra nồng độ cồn.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, Hiếu vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,216mg/ml. Sau khi nằm lại bệnh viện tỉnh rượu, Hiếu đã bỏ trốn khỏi bệnh viện.
"Lực lượng CSGT đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, hoàn toàn không có việc đánh người, hình ảnh video clip lan truyền trên mạng xã hội phản ánh không đúng bản chất sự việc, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của lực lượng Công an huyện Đắk G'long nói riêng và Công an tỉnh Đắk Nông nói chung", Thượng tá Hùng cho biết.
Liên quan đến kênh YouTube có tên "Báo Giao Thông" đăng tải thông tin sai sự thật nói trên, lãnh đạo Báo Giao thông khẳng định, đây là kênh mạo danh, không phải kênh YouTube của Báo Giao Thông.
Hiện phía Báo Giao thông đã có văn bản đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức có hành vi mạo danh kênh YouTube của Báo.
92,7% thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 sau khi lọc ảo
Vụ Giáo dục đại học cũng thông tin, có 65,9% số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023. Vụ Giáo dục đại học cho rằng, tuy tỉ lệ này của 2023 và cả 2022 là thấp hơn khá nhiều so với các năm trước 2022, nhưng đây là con số thực chất thể hiện nguyện vọng và tương ứng với thực chất năng lực của thí sinh, bởi các em đăng ký xét tuyển sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT - theo quy trình đăng ký xét tuyển đổi mới từ 2022.
Theo Vụ Giáo dục đại học, năm 2022, có 49,2% sinh viên nhập học đại học chính thức trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2022. Năm 2023, số sinh viên nhập học chính thức dự kiến tương tự năm trước.
Truy bắt nhóm người dàn cảnh bán "thần dược" chiếm đoạt tiền người già
Ngày 27/8, thông tin từ Công an TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị vừa điều tra làm rõ, truy bắt một nhóm người từ TPHCM đến Đắk Lắk dàn cảnh lừa bán "thần dược" để chiếm đoạt tiền, gây xôn xao dư luận.
Trước đó, ngày 28/7, bà Phạm Thị Dung (65 tuổi, trú tại phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột) đến Công an phường trình báo về việc bà bị một nhóm người lạ lừa bán thuốc giả chiếm đoạt 9,9 triệu đồng.
Sau khi tiếp nhận tin báo, đội Cảnh sát hình sự Công an TP Buôn Ma Thuột phối hợp với Công an phường Tân Thành nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Công an TP Buôn Ma Thuột xác định nhóm người gây án đã tẩu thoát về địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ngày 25/8, một tổ công tác của Công an TP Buôn Ma Thuột đã đến TP Hồ Chí Minh phối hợp với Công an phường 13, quận Tân Bình bắt giữ thành công nhóm lừa đảo trên, gồm: Trần Thị Thu (51 tuổi), Nguyễn Xuân Vinh (54 tuổi) cùng trú tại tỉnh Nam Định, Nguyễn Thị Kim Anh (49 tuổi) trú tại TP Hồ Chí Minh và Lê Thị Oanh (51 tuổi) trú tại tỉnh Quảng Ngãi. Thu được xác định là người cầm cầm đầu.
Kết quả điều tra ban đầu, do cần tiền tiêu xài nên Thu nảy sinh ý định lừa bán thuốc chữa bệnh (là thuốc giả) và rủ những người còn lại tham gia.
Sau đó, Thu đặt mua trên mạng xã hội các loại thuốc bắc và 10 hộp giấy có in tên "Phong Quế Chi", "Viện khoa học 103, 108" về đóng gói.
Xác định tại TP Hồ Chí Minh khó tìm người để lừa đảo nên nhóm này rủ nhau lên TP Buôn Ma Thuột thuê khách sạn ở để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Trước khi thực hiện, Thu phân công nhiệm vụ cho từng người. Cụ thể, Vinh giả làm bác sĩ, đứng ở khu vực gần nơi Thu tiếp cận người mua thuốc. Kim Anh sẽ hỗ trợ đưa ra thông tin gian dối đây là "thuốc quý", người nhà đã mua uống và lành bệnh để tạo lòng tin cho người bị hại. Còn Oanh đứng từ xa cảnh giới.
Sáng 28/7, nhóm này đến ngã tư đường Mai Hắc Đế - Giải Phóng, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột tiếp cận bà Dung rồi dàn cảnh lừa bán thuốc giả, chiếm đoạt 9,9 triệu đồng.
Nhóm này cũng khai nhận, với thủ đoạn tương tự đã thực hiện trót lọt 4 vụ lừa đảo khác ở tỉnh Đắk Lắk.
Cơ quan Công an thông báo, ai là bị hại của nhóm đối tượng trên sớm đến Công an TP Buôn Ma Thuột trình báo để được xử lý theo quy định.