Tin báo, tố giác - Căn cứ quan trọng điều tra, phá án

Từ các nguồn tin báo, tố giác tội phạm đã giúp lực lượng công an nhanh chóng điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Qua đó cho thấy, nhận thức và ý thức tự giác của quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm đã được nâng lên đáng kể.

Công an xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường luôn thực hiện tốt tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến ANTT trên địa bàn. Ảnh: Dương Hà

Công an xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường luôn thực hiện tốt tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến ANTT trên địa bàn. Ảnh: Dương Hà

Đầu tháng 9/2022, thông qua tin báo của người dân xã Thiện Kế (Bình Xuyên) về việc phát hiện một thi thể được che bạt giấu ở ven đường, Công an tỉnh đã khẩn trương xác minh và chỉ đạo lực lượng vào cuộc.

Quá trình điều tra, các nguồn tin của người dân là những căn cứ quan trọng để lực lượng công an phá án. Chỉ sau gần 24 giờ từ khi nhận được tin báo, cơ quan Cảnh sát điều tra đã làm rõ, kịp thời bắt giữ đối tượng gây án.

Nhận được tin báo tố giác của anh Nguyễn Văn Lâm, thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) về việc bị kẻ gian trộm cắp chiếc xe máy BKS 88F1 57652, Công an thị trấn Yên Lạc đã khẩn trương phối hợp với công an các xã lân cận điều tra, xác minh.

Từ các nguồn tin của nhân dân cung cấp và chứng cứ thu thập, bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ sau vài ngày, Công an thị trấn Yên Lạc đã xác định, kịp thời bắt giữ 3 đối tượng thực hiện hành vi trộm cắp, trả lại chiếc xe máy cho người bị mất.

Phó trưởng Công an thị trấn Yên Lạc Văn Thanh Hà cho biết: Thị trấn Yên Lạc là địa bàn phức tạp về tình hình ANTT. Hằng năm, công an thị trấn tiếp nhận hàng trăm tin báo tố giác tội phạm từ quần chúng nhân dân và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Các nguồn tin báo, tố giác tội phạm là căn cứ quan trọng để lực lượng công an điều tra, xác minh, làm rõ các vụ việc.

Nhận thức rõ vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác bảo đảm ANTT, nhất là trong công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, lực lượng công an đã phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể, các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng; giả danh cán bộ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản…

Qua đó, kịp thời thông tin, cảnh báo người dân biết, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Công an các huyện, thành phố triển khai rộng rãi phong trào tự quản, tự phòng, tự bảo vệ của quần chúng nhân dân. Triển khai có hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lồng ghép với phong trào “Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hóa, giáo dục cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng”.

Xây dựng nhiều mô hình về ANTT như: Xã 3 không (không ma túy, không cờ bạc, không tín dụng đen), tổ liên gia tự quản về ANTT…Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được hơn 10.700 tổ liên gia tự quản tại 100% thôn dân cư, tổ dân phố.

Nhờ vậy, đã huy động được sự vào cuộc tích cực của các ngành, đoàn thể, nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm. Hằng năm, các tổ liên gia tự quản, tổ chức chính trị - xã hội các địa phương, nhất là quần chúng nhân dân đã cung cấp cho cơ quan chức năng hàng nghìn nguồn tin liên quan đến tình hình ANTT.

Nhiều nguồn tin có giá trị, đã trợ giúp đắc lực cho công an điều tra, khám phá các vụ án, triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm tội phạm, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Mặc dù tin báo, tố giác tội phạm có nhiều tác dụng tích cực trong công tác đấu tranh, ngăn ngừa các loại tội phạm, nhưng do một số lý do khách quan và chủ quan, một số người dân còn tâm lý e ngại, chưa cung cấp cho lực lượng chức năng các nguồn tin có giá trị.

Nhằm tạo hành lang pháp lý, bảo vệ người báo tin, tố giác tội phạm, tạo thuận lợi cho cơ quan tiếp nhận tin báo, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 28 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị, khởi tố của lực lượng công an nhân dân.

Việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm có nhiều hình thức khác nhau. Người dân có thể đến trực tiếp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để báo tin hoặc gửi bằng văn bản, qua đường dây nóng được công khai, qua hòm thư điện tử hoặc phương tiện thông tin đại chúng, bưu điện. Người tố giác, báo tin về tội phạm được bảo vệ và được hưởng các quyền lợi theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Với những cơ sở pháp lý, cùng việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng ngừa và tham gia đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; góp phần xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc, là nền tảng quan trọng giữ vững ANTT ngay từ cơ sở.

Kim Ngân

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/83574/tin-bao-to-giac---can-cu-quan-trong-dieu-tra-pha-an.html