Tin bất động sản ngày 20/1: Bộ Xây dựng khuyến nghị doanh nghiệp cần hạ giá thành

'Ôm đất' không triển khai, Công ty Vinamit bị kiến nghị thu hồi; Đồng Nai duyệt yêu cầu năng lực nhà đầu tư dự án khu đô thị Hiệp Hòa 72.000 tỷ đồng; Khởi công khu phức hợp hơn 9.300 tỷ đồng tại Bình Dương… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.

Bộ Xây dựng khuyến nghị doanh nghiệp cần hạ giá thành bất động sản

Bộ Xây dựng kêu gọi các doanh nghiệp cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư để hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội, thúc đẩy thị trường bất động sản trong năm 2024.

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Để thị trường bất động sản phát triển tốt hơn trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay, Bộ Xây dựng kêu gọi các doanh nghiệp bất động sản cần đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư.

Bộ Xây dựng mong muốn các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, ngoài tín dụng ngân hàng còn có phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính; huy động vốn gắn với mục đích sử dụng vốn cụ thể; giảm đòn bẩy tài chính, hạn chế đầu tư dàn trải.

Về hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản; đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng phải đảm bảo về tính pháp lý; đảm bảo chất lượng về thiết kế, công năng; bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội...

Về giá thành sản phẩm bất động sản, Bộ Xây dựng khuyến nghị các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp tiết kiệm, giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, xem xét thực hiện chính sách hoãn nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chỉ đạo triển khai gói tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay với lãi suất thấp…

Về triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, theo Bộ Xây dựng, đã có 27 tỉnh công bố danh mục 63 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đủ điều kiện vay ưu đãi từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn khoảng 27.966 tỷ đồng. Đến nay, một số dự án nhà ở xã hội trên cả nước đã được giải ngân 179,5 tỷ đồng.

“Ôm đất” không triển khai, Công ty Vinamit bị kiến nghị thu hồi

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương đề nghị UBND tỉnh không gia hạn thời hạn sử dụng đất đối với Công ty Cổ phần Vinamit, đồng thời đề nghị thu hồi hơn 34,7ha đất dự án của công ty này.

Theo đó, năm 2008, Công ty Cổ phần Vinamit được UBND tỉnh Hải Dương cho thuê hơn 34,7ha đất tại phường Ái Quốc và Nam Đồng (TP Hải Dương) để thực hiện dự án nhà máy chế biến, tổng kho bảo quản rau củ quả và mô hình giới thiệu quy trình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, công ty không triển khai thực hiện dự án trong nhiều năm và đã được tỉnh gia hạn thời gian thực hiện nhiều lần.

Đến nay, công ty này đã chậm tiến độ sử dụng đất hơn 30 tháng kể từ thời điểm được điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án lần cuối.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, những năm qua, Công ty Cổ phần Vinamit đã nhiều lần có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hải Dương và các cơ quan liên quan đề nghị được hỗ trợ, lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 và thực hiện dự án xây dựng khu thương mại dịch vụ và dân cư mới phường Ái Quốc (TP Hải Dương).

Tuy nhiên sau khi kiểm tra, rà soát, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đánh giá dự án trên không đủ điều kiện để gia hạn 24 tháng theo quy định. Do vậy, Sở tham mưu UBND tỉnh Hải Dương thu hồi hơn 34,7ha đất dự án của công ty tại 2 phường Ái Quốc và Nam Đồng (TP Hải Dương).

Nhiều năm nay, các dự án “treo”, chậm triển khai không chỉ khiến tài nguyên đất đai lãng phí, gây thất thu ngân sách mà còn phát sinh những hệ lụy xấu về thu hút vốn đầu tư, trở thành rào cản và điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế của các địa phương.

Cũng chính vì vậy, nhiều địa phương đã có động thái "rốt ráo" vào cuộc quyết liệt nhằm thu hồi các dự án "treo", "ôm đất" nhưng hàng chục năm không triển khai. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc thu hồi đất và chủ trương dự án ở nhiều địa phương vẫn chậm triển khai, còn ì ạch, chưa nghiêm.

Đồng Nai duyệt yêu cầu năng lực nhà đầu tư dự án khu đô thị Hiệp Hòa 72.000 tỷ đồng

UBND tỉnh Đồng Nai đã thông qua Quyết định số 157/QĐ-UBND phê duyệt năng lực của nhà đầu tư cho Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa với tổng mức đầu tư lên đến 72.000 tỷ đồng. Dự án này có quy mô lên đến 300 ha tại phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa.

Theo quyết định, năng lực tài chính của nhà đầu tư cần đạt trên 10,8 ngàn tỷ đồng, dựa trên dữ liệu tài chính được kiểm toán của năm 2022. Đối với những tổ chức mới thành lập trong năm, vốn chủ sở hữu được xác định dựa trên báo cáo tài chính được kiểm toán trong khoảng thời gian từ thời điểm thành lập đến trước thời điểm đấu thầu hoặc báo cáo tài chính giữa niên độ.

Đối với nhà đầu tư liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh là tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh cần có tỷ lệ góp vốn tối thiểu là 30%, trong khi từng thành viên liên danh cần có tỷ lệ góp vốn tối thiểu là 15%.

Chủ đầu tư được chọn sau khi được phê duyệt cần chịu trách nhiệm về kinh phí lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) cho dự án và phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Dự án Khu đô thị Hiệp Hòa đã được UBND tỉnh Đồng Nai quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 3/2023. Với diện tích khoảng 293 ha, dự án có mục tiêu xây dựng khu đô thị và khu phức hợp dịch vụ mới, hiện đại, và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Đây cũng là dự án nhằm phát triển du lịch bền vững và đa dạng hóa các loại hình nhà ở và dịch vụ công cộng. Dự kiến, dự án sẽ được triển khai trong 12 năm, từ năm 2023 đến 2035, được phân chia thành 5 giai đoạn triển khai.

Khởi công khu phức hợp hơn 9.300 tỷ đồng tại Bình Dương

Dự án Khu nhà ở phức hợp cao tầng Thuận An 1 được triển khai trên diện tích 1,8ha, tại đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố Hòa Lân 1, phường Thuận Giao, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Dự án được Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cấp Giấy phép xây dựng số 4668/GPXD ngày 26/12/2023 cho Công ty CP Bất động sản và phát triển cao ốc Thiên Long (Công ty con của Phát Đạt) được phép xây dựng công trình.

Sau ba tuần được cấp phép, dự án đã nhanh chóng được khởi công xây dựng, bắt đầu từ phần móng, cọc, tường vây của công trình.

Được biết, Khu phức hợp cao tầng Thuận An có tổng diện tích tích rộng 4,4ha, bao gồm cao ốc Thuận An 1 và Thuận An 2. Trong đó, Thuận An 1 có diện tích 1,83ha, Thuận An 2 có diện tích 2,62ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 9.374 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023, doanh thu Phát Đạt tăng gần 3.100% so với cùng kỳ, từ 11 tỷ lên 355 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện mạnh, đạt 88%.

Tuy nhiên, doanh thu tài chính sụt giảm mạnh, chưa tới 600 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm trước con số là 1.249 tỷ đồng - khoản doanh thu đột biến từ việc chuyển nhượng cổ phần tại Công ty CP Địa ốc SG-KL (chủ đầu tư dự án Astral City tại Bình Dương).

Chi phí tài chính trong quý III vừa qua giảm 28% xuống 113 tỷ, tương tự chi phí QLDN giảm 32% xuống 45 tỷ đồng. Kết quả, Phát Đạt lãi sau thuế 102 tỷ đồng, giảm 85,7% so với quý III/2022.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/tin-bat-dong-san-ngay-201-bo-xay-dung-khuyen-nghi-doanh-nghiep-can-ha-gia-thanh-704237.html