Tin bất động sản ngày 20/6: Gần 30.000 căn hộ chưa thể có 'sổ đỏ'
Điều chỉnh chủ trương đầu tư KCN quy mô 247 ha tại Khu kinh tế Nghi Sơn; Bình Định tìm nhà đầu tư mới cho dự án gần 800 tỷ đồng; Yêu cầu gỡ khó thị trường BĐS phải có hiệu quả rõ nét; Dự án Cát Tường Phú An chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản… là những tin tức xây dựng - bất động sản đáng chú ý ngày 20/6.
Hà Nội: Gần 30.000 căn hộ thuộc hàng trăm dự án chưa thể có "sổ đỏ"
Vừa qua, trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Nam - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở này đã giải quyết việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở 777 dự án chung cư. Tuy nhiên, Hà Nội còn 206 dự án với khoảng 62.000 căn hộ có sai phạm do vướng mắc về quy hoạch hoặc chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nhiều dự án xây dựng sai phép so với quy hoạch và thiết kế, chủ đầu tư tự ý tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ hoặc chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, chuyển nhượng dự án theo hình thức công ty mẹ cho công ty con.
Sở đã báo cáo UBND TP. Hà Nội cấp trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 33.000 căn hộ xây dựng quy hoạch, trong tổng số 62.000 căn, còn 29.000 căn hộ xây dựng vi phạm quy hoạch đang chờ xử lý, việc này Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc. Việc cấp sổ cho người dân sẽ thực hiện song song cùng với xử lý vi phạm của chủ đầu tư.
Hiện tại, Hà Nội còn nhiều dự án vi phạm quy hoạch như: Dự án New Horizon City tại 87 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) có hơn 1.000 căn bị treo sổ, CT6 Kiến Hưng (quận Hà Đông) có gần 500 căn, chung cư 79 Thanh Đàm (quận Hoàng Mai) gần 400 căn, chung cư 16B Nguyễn Thái Học (quận Hà Đông) hơn 380 căn, VP3 Linh Đàm (quận Hoàng Mai) với 259 căn...
Tình trạng người mua căn hộ nhiều năm nhưng không được cấp sổ hồng do dự án xây dựng sai quy hoạch hay chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý phổ biến tại Hà Nội. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua nhà như khó thế chấp vay vốn ngân hàng, khó nhận chuyển nhượng, không được nhập hộ khẩu.
Yêu cầu gỡ khó thị trường BĐS phải có hiệu quả rõ nét
Theo Nghị quyết số 93/NQ-CP do Chính phủ vừa ban hành, hiện nhiều dự án vẫn gặp vướng về quy hoạch, pháp lý hay thủ tục thực hiện. Do đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng cùng các Bộ, ngành, địa phương rà soát, gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản trong phát triển dự án. "Việc này phải có chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm".
Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Sau hơn một năm gói tín dụng này mới giải ngân chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại cho người mua nhà. Do đó, hai cơ quan này phải sớm có giải pháp tăng giải ngân, gỡ vấn đề liên quan đối tượng vay, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay...
Thực tế, thị trường địa ốc có dấu hiệu phục hồi tích cực qua từng tháng cùng với diễn biến nền kinh tế. Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới toàn thị trường đạt gần 31% trong quý I/2024, với khoảng 6.200 giao dịch thành công. Con số này tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ, như mất cân đối cung - cầu. Theo cơ quan này, nguồn cung vừa qua cải thiện, song chưa đáp ứng nhu cầu. Cùng đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý, khi số nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn, trong khi nhà giá rẻ, nhà ở xã hội lại thiếu. Đây là tồn tại vốn kéo dài nhiều năm qua.
Một trong cách gỡ khó nữa là Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8. Để đủ cơ sở pháp lý khi các luật này được thi hành sớm, các Bộ, cơ quan, địa phương được yêu cầu trong tháng 6 trình Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn.
Trước đó, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đang có tắc nghẽn về đất đai, pháp lý, thanh tra kiểm tra. Theo ông, mỗi thành phố lớn hiện có hàng trăm dự án lớn chưa giải quyết được, tồn đọng hàng chục năm. "Nếu tháo gỡ được sẽ là nguồn lực lớn cho xã hội", ông Dũng nói, nhấn mạnh gỡ vướng cho doanh nghiệp, đặc biệt bất động sản là việc buộc phải thực hiện.
Điều chỉnh chủ trương đầu tư KCN quy mô 247 ha tại Khu kinh tế Nghi Sơn
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 525/QĐ-TTg điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng KCN số 3 - Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng KCN số 3 - Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa là Công ty TNHH Đầu tư khai thác hạ tầng KCN số 3 Nghi Sơn.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về những nội dung được giao thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và thực hiện quản lý nhà nước về KCN theo quy định của Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan.
UBND tỉnh Thanh Hóa đảm bảo tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, các nội dung thẩm định theo quy định của pháp luật; đảm bảo dự án có đủ điều kiện tiếp tục triển khai theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Công ty TNHH Đầu tư khai thác hạ tầng KCN số 3 Nghi Sơn (nhà đầu tư) đảm bảo hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của dự án trong tiến độ thực hiện dự án đầu tư trong quý IV/2025.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng KCN số 3 - Khu kinh tế Nghi Sơn được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2016, diện tích 247 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng.
Đến nay, dự án đã giải phóng mặt bằng được 116,5 ha và bàn giao cho chủ đầu tư 115,3 ha, đang thi công san nền với diện tích 109,98 ha, hoàn thành xây dựng nhà máy xử lý nước thải số 1 với công suất 1.900 m3/ngày, đêm.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quyền thực hiện dự án cho Công ty TNHH Đầu tư khai thác hạ tầng KCN số 3 Nghi Sơn và nâng tổng mức đầu tư dự án lên 1.664 tỷ đồng.
Công ty TNHH Đầu tư khai thác hạ tầng KCN số 3 Nghi Sơn được thành lập trên cơ sở chia tách doanh nghiệp Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Miền Trung nhằm trực tiếp quản lý xây dựng và vận hành khai thác dự án.
Bình Định tìm nhà đầu tư mới cho dự án gần 800 tỷ đồng
Ngày 19/6, ông Đặng Vĩnh Sơn - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, Ban Quản lý vừa có đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương triển khai lại công tác lựa chọn nhà đầu tư mới để đầu tư thực hiện Dự án Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại (TP Quy Nhơn) gần 800 tỷ đồng.
Việc tích cực tìm kiếm nhà đầu tư được thực hiện để tránh ảnh hưởng đến người dân trong vùng quy hoạch dự án, ngay sau khi Ban Quản lý KKT tỉnh này đã ban hành Quyết định chấm dứt hoạt động Dự án Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại theo quy định đối với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận.
Theo ông Đặng Vĩnh Sơn, việc chậm ứng kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của chủ đầu tư trước đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Sơn Thuận đã ảnh hưởng rất lớn đến việc ổn định cuộc sống của người dân tại khu vực suốt thời gian qua.
"Việc chậm trễ trên gây nên sự ngờ vực đối với năng lực của nhà đầu tư và sự bức xúc, phản ứng tiêu cực từ nhân dân trong vùng chịu ảnh hưởng", ông Sơn cho biết.
Việc tổ chức lựa chọn chủ đầu tư mới cho Dự án Khu vui chơi giải trí đầm Thị Nại trước đây được thực hiện theo 2 hình thức: Đấu giá quyền sử dụng đất, hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Nhưng hiện tại, Ban Quản lý KKT đề xuất UBND tỉnh chỉ cho chủ trương nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất và bổ sung Dự án vào danh mục Dự án đấu giá đất năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Đồng thời, Ban Quản lý KKT đang đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương bố trí kinh phí từ ngân sách để triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
"Nếu tỉnh chấp thuận chủ trương sẽ ổn định được cuộc sống cho dân trong vùng dự án. Ngoài ra, đây cũng là điểm thu hút du lịch, tạo điều kiện cho người dân về việc làm, thu nhập khi dự án đi vào hoạt động", ông Sơn thông tin thêm.
Long An: Dự án Cát Tường Phú An chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản
Mới đây, tại buổi họp báo kinh tế - xã hội do UBND tỉnh Long An tổ chức, Sở Xây dựng Long An đã cung cấp thông tin liên quan đến dự án Cát Tường Phú An, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa do Công ty TNHH Cát Tường An - SW (Công ty Cát Tường An - SW) làm chủ đầu tư.
Theo Sở Xây dựng Long An, dự án Cát Tường Phú An được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 11/2023, chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư vào tháng 1/2024. Hiện nay, Công ty Cát Tường An đang thực hiện thủ tục lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết dự án.
“Dự án Cát Tường Phú An do Công ty Cát Tường An - SW làm chủ đầu tư chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, chưa được cấp giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật và nhà ở; chưa đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và chưa có ý kiến của Sở Xây dựng về việc huy động vốn”, Sở Xây dựng Long An thông tin.
Ngoài ra, Sở Xây dựng Long An xác nhận, đến nay, dự án Cát Tường Phú An chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản theo Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật liên quan.
Trước thông tin dự án chưa hoàn thiện pháp lý nhưng một số nhân viên môi giới tư vấn, nhận đặt cọc của khách hàng, Sở Xây dựng Long An cho biết Thanh tra Sở đã phối hợp với UBND huyện Đức Hòa kiểm tra, đề nghị Công ty Cát Tường An - SW tuân thủ quy định.
Vào tháng 3/2024, UBND huyện Đức Hòa đã có văn bản về việc chấn chỉnh giao dịch mua bán và chuyển nhượng bất động sản tại dự án Cát Tường Phú An. Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với cơ quan chức năng địa phương chấn chỉnh tình trạng rao bán bất động sản chưa đủ điều kiện theo quy định.
Theo tìm hiểu, dự án Cát Tường Phú An (có tên thương mại là Phú An Residence) quy mô hơn 2 ha, gồm 5 tòa nhà chung cư cao với hơn 1.700 căn hộ. Theo quảng bá, đơn vị phát triển dự án này là Cát Tường Group.