Tin cháy Nhà thờ Đức Bà Paris lan trong 3 phút, rừng Amazon cần 3 tuần
Nhiều người dùng mạng xã hội đang nhắc nhở những người khác rằng nếu họ từng tiếc thương Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy, họ nên quan tâm hơn thế nữa cho vụ cháy rừng Amazon.
"Có một số vụ hỏa hoạn quan trọng hơn các vụ khác" là lập luận của những người so sánh sự lan tỏa truyền thông của vụ cháy rừng Amazon với vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris hồi đầu năm nay.
"Khi Nhà thờ Đức Bà cháy, giới truyền thông đưa tin trong vòng 3 phút. Còn rừng Amazon đã cháy được 3 tuần và tin tức về việc này chỉ mới bắt đầu xuất hiện", tài khoản CiaraConnick1 viết trên Twitter kèm hashtag #PrayforAmazon (Cầu nguyện cho Amazon).
Hơn 1 tỷ USD là số tiền quyên góp dồn về Nhà thờ sau Đức Bà chỉ 2 ngày sau khi nó cháy. Các nghệ sĩ, giới tài phiệt và người nổi tiếng khắp nơi tiếc thương cho biểu tượng của nước Pháp. Truyền thông quốc tế thi nhau đưa tin chỉ vài phút sau khi nó bốc cháy. Nhưng không điều nào trong số đó xảy ra với những đám cháy của rừng Amazon.
Nhà thờ là quá khứ, nhưng Amazon là tương lai của chúng ta
Theo thông báo của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INEP), cơ quan hàng không vũ trụ của Brazil, từ đầu năm 2019 đến nay có 74.000 đám cháy bùng phát tại Brazil, trong đó hơn 1/2 số trường hợp nằm tại khu vực Amazon.
"Vào hồi chiều thứ hai ngày 20/8, thành phố Sao Paulo, Brazil, bầu trời bỗng tối đen nhưng đó không phải là một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ. Gió mạnh thổi khói từ đám cháy rừng gần đó", BBC viết.
"Các đám cháy hiện tại ở Amazon lớn đến mức khói đen từ rừng rậm đã lan tận São Paulo cách hơn 2.700 km. Khói bụi che lấp ánh nắng giữa trưa, khiến bầu trời thành phố ngày 20/8 bỗng dưng sập tối, biến ngày thành đêm" là miêu tả của CNN.
Vậy thì điều gì tạo nên sự khác biệt giữa Nhà thờ Đức Bà và khu rừng nhiệt đới lớn nhất trên thế giới? Theo tác giả Joyce Fegan viết trên Irish Examiner, khác với vụ cháy Nhà thờ Đức Bà, đến giờ vẫn là một tai nạn, vụ cháy rừng Amazon cần được nhìn qua lăng kính vạn hoa của những mưu mô phức tạp bao gồm lòng tham, tư tưởng chính trị cực đoan, lợi ích nhóm và tham nhũng.
Vì nhận được sự can thiệp kịp thời, Nhà thờ Đức bà chỉ mất đi phần mái vòm, nhưng những ngọn lửa - có thể nhìn thấy từ không gian - đối với Amazon vẫn đang bốc cháy và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bài bình luận trên Irish Examiner nhận định cây cối và mái nhà của vô số loài động vật và thực vật thậm chí còn chưa kịp đặt tên bị thiêu đốt nhưng truyền thông vẫn chưa đủ quan tâm, còn các tỷ phú với "vòi nước cứu hỏa" của họ thì vẫn chưa thấy đâu.
"Một số vụ hỏa hoạn quan trọng hơn những vụ khác, và trong khi đám cháy ở Amazon đã không nhận được nhiều sự chú ý hay tiền bạc, thì sự tàn phá sẽ còn kinh khủng hơn rất nhiều", Irish Examiner viết. "Và không chỉ đối với Brazil mà còn cả những người sống trong rừng mưa nhiệt đới, và tất cả chúng ta".
"Tại sao mọi người quan tâm nhiều đến một công trình có ý nghĩa lịch sử đối với một đức tin hơn là rừng Amazon? Vai trò của nó trên hành tinh của chúng ta quan trọng hơn nhiều so với Nhà thờ Đức Bà", người dùng với tài khoản The_CAMusic bày tỏ trên Twitter.
Rừng Amazon cháy với tốc độ 1,5 sân bóng đá mỗi phút. Ảnh: Reuters .
Dù Nhà thờ Đức Bà Paris, nằm giữa thủ đô Paris và là biểu tượng lâu năm của nước Pháp, sẽ quen thuộc hơn với nhiều người, rừng Amazon mới là nơi quyết định tương lai của nhân loại khi nó cung cấp hơn 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái Đất.
Chiếm hơn 5,5 triệu km2, Amazon với những cánh rừng nguyên sinh của nó là "cửa hàng cân bằng carbon" quan trọng làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu. Đây còn là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu loài thực vật và động vật cùng 1 triệu người bản địa.
Để dễ hình dung, nơi đây có 390 tỷ cây. Hơn 1 triệu người chia thành 400-500 bộ lạc cư trú tại đây, trong đó có khoảng 50 bộ lạc chưa bao giờ tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Chỉ riêng trong tuần trước, gần 10.000 vụ cháy đã được ghi nhận ở khu vực Amazon, nhưng phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với thảm họa này không thể sánh được với vụ cháy Nhà thờ Đức Bà.
Dữ liệu vệ tinh của Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (INEP) cho thấy số vụ hỏa hoạn tăng hơn 84% so với cùng kỳ năm 2018. Các ngọn lửa đang nuốt chửng rừng mưa nhiệt đới Amazon với tốc độ 1,5 sân bóng đá mỗi phút.
Chối tội, đổ lỗi
Chính phủ Brazil trở thành tâm điểm bị chỉ trích trong vụ cháy rừng Amazon. Trong khi nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà hoạt động môi trường đổ lỗi cho con người gây ra những đám cháy này vì đòi đất chăn thả gia súc để phát triển kinh tế, Tổng thống Brazil Bolsonaro lại nêu ra nguyên nhân chính trị khác cho 74.000 vụ cháy.
Hôm 21/8, ông đã đổ lỗi cho các tổ chức phi lợi nhuận vốn đang thiếu kinh phí, gây ra vụ cháy rừng để tạo ra sự chú ý tiêu cực chống lại ông và chính phủ Brazil.
Ông Bolsonaro cáo buộc INPE "dối trá" và Giám đốc Ricardo Galvão "làm việc cho tổ chức phi chính phủ" sau khi vị viện trưởng gọi ông là "kẻ hèn nhát" khi phủ nhận nạn phá rừng.
Phủ nhận báo cáo khoa học của INEP, ông Bolsonaro thậm chí cảnh cáo những thông tin từ trung tâm này gây hại cho đàm phán thương mại, theo Agencia Brasil. Ông Galvão bị tổng thống Brazil sa thải hôm 4/8.
Theo bài viết trên Irish Examiner, ông Bolsonaro chính là người cam kết sẽ khám phá tiềm năng kinh tế của Amazon nếu được bầu vào năm ngoái.
"Ông ấy đã ở trong văn phòng từ tháng 1 và đã có rất nhiều vụ hỏa hoạn ở Amazon kể từ đó. Nếu bạn xem hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học và các cơ quan không gian là nguồn thông tin đáng tin cậy", bà Fegan viết.
"Phần lớn các đám cháy này là do con người gây ra", Christian Poirier từ tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch cho biết.
Những người nông dân và chủ trang trại thường đốt để phát quang cây cỏ, ông Poirier nói. Và có khả năng họ đứng sau những đám cháy lớn bất thường đang bùng cháy ở Amazon lúc này.
Đài quan sát Khí tượng Thủy văn của Brazil cho rằng các vụ hỏa hoạn là chỉ dấu rõ rệt cho các chính sách của ông Bolsonaro và phản ánh sự vô trách nhiệm của tổng thống. "Những đám cháy bùng lên bởi lòng tham, được thúc đẩy bởi sự tham nhũng, khó dập tắt hơn nhiều so với những vụ hỏa hoạn khác".
"Vấn đề không bao giờ là lửa, vấn đề thực sự là chúng ta bầu ai chịu trách nhiệm về việc này. Và hơn nữa, tại sao chúng ta bầu cho họ", câu hỏi bị Irish Examiner bỏ lửng.
Ông Bolsonaro trở thành nhà lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ có dân số 209 triệu người nhờ nhận được 55% số phiếu bầu phổ thông.