Tin Công Thương 7/5: Hoàn thiện quy định về xuất xứ hàng hóa

Ngày 7/5, báo chí đã đưa nhiều thông tin liên quan đến ngành Công Thương. Báo Công Thương xin điểm lại một số thông tin đáng chú ý.

Lĩnh vực năng lượng

Ngày 7/5/2025, Thời báo Ngân hàng có bài đăng tải:"Ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện chất thải".

Bộ Công Thương vừa phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện chất thải năm 2025, theo đó, mức giá trần được áp dụng cho các nhà máy điện rác là 2.575,18 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Dù được hưởng mức giá bán điện hấp dẫn, ngành điện rác tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy xử lý chất thải rắn năm 2025 (ảnh nguồn internet)

Ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy xử lý chất thải rắn năm 2025 (ảnh nguồn internet)

Các dự án điện rác còn đối mặt với rủi ro thiếu nguyên liệu đầu vào ổn định do chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm cung cấp rác thải (cả về số lượng lẫn chất lượng) trong hợp đồng. Tình trạng này khiến nhiều nhà đầu tư dù đã trang bị công nghệ hiện đại vẫn lo ngại về khả năng vận hành hiệu quả.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu

Báo Đầu tư đăng tải thông tin: "Dự kiến sửa đổi quy định về xuất xứ hàng hóa và cấp C/O"

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến cho dự thảo sửa đổi Thông tư số 05/2018/TT-BCT và Thông tư 38/2018/TT-BCT nhằm hoàn thiện quy định về xuất xứ hàng hóa và quy trình cấp Giấy chứng nhận C/O.

Cục Xuất nhập khẩu cũng là đầu mối liên hệ với cơ quan, tổ chức thuộc Na Uy và Thụy Sỹ triển khai chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP; chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan kiểm tra việc thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.

Ảnh minh họa: Cấn Dũng

Ảnh minh họa: Cấn Dũng

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu chủ động theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP của thương nhân, tổ chức, cá nhân liên quan. Tổ chức quản lý, bảo quản, lưu trữ tài liệu, hồ sơ, dữ liệu điện tử tối thiểu 5 năm kể từ ngày kết thúc của năm phát hành đối với chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo GSP.

Báo Đại đoàn kết có bài:"Cơ hội mở rộng xuất khẩu vào thị trường Halal".

Trước bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động và xu hướng bảo hộ gia tăng, thị trường Halal (Hồi giáo) nổi lên, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở xuất khẩu. Ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do nhu cầu thế giới sụt giảm, giá nguyên liệu tăng, chi phí logistics cao và sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực.

Các báo cáo cho thấy, ngành công nghiệp Halal và thị trường sản phẩm Halal còn nhiều dư địa để khai thác. Dự báo đến năm 2030, tổng giá trị thị trường Halal, bao gồm thực phẩm và đồ uống (F&B) và các ngành hàng khác, đạt 10 nghìn tỷ USD; trong đó, riêng lĩnh vực F&B dự kiến đạt 5,91 nghìn tỷ USD vào năm 2033. Indonesia là thị trường Halal lớn nhất thế giới với hơn 280 triệu dân, trong đó phần lớn theo đạo Hồi.

Lĩnh vực thị trường trong nước

Báo Nhân Dân đăng tải thông tin:"Vẫn câu chuyện được mùa, mất giá"

Hàng năm, cứ khoảng vào tháng 3, tháng 4, người dân Đồng bằng sông Cửu Long lại thu hoạch sầu riêng - loại trái cây được ưa chuộng, mang giá trị kinh tế cao. Năm nay, sầu riêng sai quả, nhưng trái với sự vui mừng, không ít nông dân, thương lái lại canh cánh nỗi lo. Mới đầu mùa, nhiều người đã phần nào thấy được viễn cảnh vụ thu hoạch này lãi không nhiều, thậm chí lỗ vốn, bởi giá đang rớt sâu. Tại nhiều địa phương, sầu riêng được bày bán với giá rất rẻ, có loại giá chỉ từ 30.000-40.000 đồng/kg, bằng nửa, thậm chí bằng một phần ba cùng kỳ các năm trước.

Giá giảm như vậy song sức mua vẫn không cao và cụm từ “giải cứu” đã ít nhiều được nhắc đến. Người dân lo lắng, thương lái “đứng ngồi không yên”, không dám nhập hàng do lo lắng giá còn giảm thêm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên được các cơ quan chức năng, chuyên gia, thương lái và cả người dân chỉ ra: Hiện nay, miền Tây Nam Bộ bước vào chính vụ sầu riêng. Sản lượng trái xuất ra thị trường năm nay rất lớn nhưng tình hình xuất khẩu lại khá chậm, cho nên lượng hàng dôi dư trong nước cao.

Lĩnh vực phòng vệ thương mại

Báo Tin tức có bài:"Việt Nam tham gia các phiên họp về phòng vệ thương mại tại WTO"

Các ủy ban về phòng vệ thương mại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), gồm ủy ban tự vệ, ủy ban chống bán phá giá, ủy ban trợ cấp và các biện pháp đối kháng, đã tiến hành nhiều phiên họp, phiên họp của ủy ban chống bán phá giá cũng đã rà soát báo cáo bán niên và báo cáo áp thuế chống bán phá giá sơ bộ và cuối cùng cho giai đoạn từ tháng 7-12/2024 của một số thành viên, trong đó có Việt Nam. Phiên họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Báo Bình Dương đăng tải nội dung:"Hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường phòng vệ thương mại".

Với việc mở rộng thị trường, thời gian qua sản lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, bên cạnh thuận lợi là tăng nguồn thu từ xuất khẩu cũng kéo theo số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều. Việc cập nhật quy định, chính sách và giải đáp vướng mắc cho DN trong quá trình áp dụng, ứng phó với các biện pháp PVTM giúp DN tăng cường năng lực ứng phó với các vụ việc PVTM, đồng thời nâng cao hiểu biết và khả năng tự bảo vệ cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh hiện nay.

Báo Công Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-cong-thuong-75-hoan-thien-quy-dinh-ve-xuat-xu-hang-hoa-386487.html