Tín dụng chính sách cần hướng đến nhóm 'lõi nghèo'

Thời gian tới, tín dụng chính sách phải mở rộng hơn nữa để tiếp cận được những người dân thuộc nhóm 'lõi nghèo' và chú trọng hỗ trợ nhóm người cận nghèo để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hơn nữa, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động toàn bộ sức mạnh của tất cả các bên để phát triển tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.

Tín dụng chính sách tăng 2,8 lần trong 10 năm qua

Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW) ra đời năm 2014 đã đáp ứng đúng nguyện vọng của Nhân dân, củng cố lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định như vậy tại Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức ngày 2.7.2024. Hội nghị nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn tổng kết Chỉ thị số 40-CT/TW, nhất là đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.

Ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, cho biết, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW, tín dụng chính sách đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đến 30.4.2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 367.305 tỷ đồng, tăng 232.632 tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm đạt 10,6%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 346.199 tỷ đồng, tăng 216.743 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 10,4%...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội tuy đã được quan tâm bổ sung hằng năm nhưng còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và đảm bảo tính bền vững. Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương tại một số tỉnh còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn vốn từ phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trong một số năm gần đây, tối đa chỉ được phát hành bằng nghĩa vụ trả nợ trái phiếu đến hạn nên không tận dụng được cơ hội để huy động thêm nguồn vốn lãi suất thấp, thời hạn dài... Một số chính sách tín dụng có mức vay còn thấp, chậm được điều chỉnh, chưa phù hợp với nhu cầu đầu tư và thực tế diễn biến của giá cả thị trường.

Đề xuất xây dựng Luật Tín dụng chính sách xã hội

Để thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh mới, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới; các cơ quan có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Tín dụng chính sách xã hội.

Cùng với đó, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm, ưu tiên tập trung, bố trí nguồn vốn, tạo nguồn lực đủ lớn để Ngân hàng Chính sách xã hội phát huy vai trò là ngân hàng chủ lực trong triển khai, thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng về tín dụng chính sách xã hội trong tình hình mới; hằng năm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm bổ sung nguồn cho vay.

Bên cạnh đề xuất ưu tiên nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng cần nâng mức và tăng thời hạn cho vay; cho vay bổ sung đối tượng, chính sách ưu đãi phù hợp với từng thời kỳ. Đồng thời, bảo đảm đồng bộ kịp thời trong kết hợp thực hiện chính sách tín dụng với chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước.

Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, PGS.TS. Lê Thị Thanh Tâm, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng cần tăng cường chuyển đổi số. Chuyển đổi số cho phép ngân hàng tiếp cận khách hàng nhanh chóng với chi phí rẻ hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo kinh tế, cho rằng áp dụng công nghệ số có thể giúp triển khai những khoản vay nhỏ và quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Thời gian tới, mạng lưới cho vay phải mở rộng hơn để tiếp cận được những người thuộc nhóm “lõi nghèo”. Các chính sách cũng cần chú trọng hỗ trợ nhóm cận nghèo để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Hơn nữa, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để huy động toàn bộ sức mạnh của tất cả các bên để phát triển tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/tin-dung-chinh-sach-can-huong-den-nhom-loi-ngheo-i377743/