Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội
Từ sự hỗ trợ đa dạng, đa chiều của tín dụng chính sách (TDCS) đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có vốn để phát triển kinh tế, nâng cao cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cũng như nhiều hộ ở xã vùng sâu Chí Đạo (Lạc Sơn), trước đây, gia đình chị Bùi Thị Son, ở xóm Kho gặp nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ sinh hoạt. Do chưa có tiền khoan giếng nên gia đình chị phải dẫn nước từ trên núi về để sử dụng. Tuy nhiên, đường ống kéo khá xa nên thường xuyên bị mất nước do gia súc giẫm đạp làm vỡ đường ống. Còn vào mùa mưa lũ thì đường ống bị cuốn trôi, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của gia đình. Năm 2022, nhờ được Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay 12 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (NS&VSMTNT), cộng với số tiền gia đình dành dụm được, gia đình chị Son đã khoan giếng, xây bể chứa nước.
Chị Son chia sẻ: "Từ hồi được vay vốn NHCSXH, gia đình đã có nguồn nước ổn định để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi. Trước đây, gia đình đã được NHCSXH cho vay vốn để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Đây là nguồn vốn có lãi suất thấp, thủ tục vay vốn nhanh nên rất có ý nghĩa đối với gia đình”.
Được biết, ngoài gia đình chị Son, hiện ở xã Chí Đạo có trên 400 hộ đang sử dụng vốn chính sách để phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống. Theo đồng chí Đinh Công Thái, Chủ tịch UBND xã Chí Đạo đánh giá, việc triển khai đa dạng các chương trình tín dụng của NHCSXH đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Tuy nhiên, cần tiếp tục quan tâm, nâng mức cho vay một số chương trình, như NS&VSMTNT để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của người dân.
Bên cạnh đẩy mạnh các chương trình cho vay giảm nghèo bền vững, cho vay NS&VSMTNT và một số chương trình tín dụng mới, thời gian qua, chi nhánh NHCSXH tỉnh chú trọng cho vay giải quyết việc làm. Đây là chương trình có nhu cầu vay vốn lớn, nhất là các hộ dân sinh sống ở các khu vực thị trấn, các xã đã về đích nông thôn mới. Thực tế, từ sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, hàng nghìn hộ dân trong tỉnh đã được vay vốn giải quyết việc làm để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế có hiệu quả, như gia đình ông Lê Quốc Khánh, khu Thống Nhất, thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy).
Gia đình ông Khánh nhiều năm phát triển kinh tế từ trồng bưởi, kết hợp nuôi lợn rừng và ong lấy mật. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp khó khăn, thu nhập của gia đình giảm sút. Ông Khánh cho biết: "Thu nhập giảm sút nên gia đình gặp khó khăn về vốn để đầu tư cho vụ bưởi tiếp theo. Do đó, nguồn vốn giải quyết việc làm mà NHCSXH cho vay rất kịp thời, đã giúp gia đình vượt qua thời điểm khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế đem lại thu nhập ổn định”.
Đồng chí Nguyễn Minh Hưng, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn chi nhánh đã giải ngân kịp thời vốn chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Hiện nay, tổng dư nợ TDCS trên địa bàn tỉnh đạt trên 4.556,5 tỷ đồng, với 18 chương trình tín dụng, tổng số 99.876 hộ còn dư nợ. Thông qua vốn chính sách đã có trên 21,8 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ đời sống. Trong đó, có 3.629 lượt hộ nghèo, 2.777 lượt hộ cận nghèo và 1.484 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn. Vốn chính sách đã giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 3.416 lao động; hàng nghìn công trình nước sạch và vệ sinh cho hộ gia đình ở vùng nông thôn được xây dựng. Qua đó góp phần quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.