Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
Vài năm trước, khi còn là hộ nghèo của xã, chị Phạm Thị Hằng, thôn Chò Tráng, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc) chẳng dám tin mình sẽ có những cánh rừng được phủ xanh như bây giờ. Thế rồi thông tin về nguồn vốn vay tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã nhen nhóm cho gia đình chị hy vọng thoát cảnh khó khăn. Mạnh dạn vay 50 triệu đồng nguồn vốn cho vay hộ nghèo, chị Hằng đầu tư trồng rừng với các loại cây keo, luồng... Những cánh rừng nhờ bàn tay cần cù chăm sóc của chị luôn xanh tốt, phát triển. Tiền bán keo, luồng khi thu hoạch, một phần chị trả nợ ngân hàng, còn lại chị tiếp tục mua cây giống, phân bón, chăm sóc rừng và đến cuối năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo.
Giải ngân tín dụng chính sách tại xã Nga Yên (Nga Sơn).
Sau 20 năm thực hiện, có thể khẳng định rằng chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho trên 307 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo và duy trì việc làm cho trên 113 nghìn lao động; trên 11,8 nghìn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; hơn 222 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; cho vay hỗ trợ xây dựng cải tạo 623 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 37 nghìn ngôi nhà cho hộ nghèo; 750 khách hàng được vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP... Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, NHCSXH Thanh Hóa đã phối hợp với địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát, bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đến ngày 28-2-2022, NHCSXH Thanh Hóa đã giải ngân cho 10 doanh nghiệp sử dụng lao động với số tiền hơn 6,2 tỷ đồng trả lương cho 725 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thực hiện Phương án số 198/PA-UBND, ngày 2-9-2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động trở về từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly, NHCSXH Thanh Hóa đã tập trung chỉ đạo các phòng giao dịch cấp huyện rà soát, lập danh sách nhu cầu vay vốn của các lao động trở về từ vùng dịch để trình Trung ương bổ sung nguồn vốn. Đồng thời, cân đối chung thu nợ trong toàn tỉnh để ưu tiên giải ngân vốn theo Phương án số 198/PA-UBND.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH Thanh Hóa đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do dịch COVID-19. Theo Nghị quyết 11, hệ thống NHCSXH được giao triển khai thực hiện 5 chương trình tín dụng ưu đãi trong 2 năm (2022 - 2023), với tổng số tiền hơn 38.000 tỷ đồng, gồm cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; cho vay học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập; cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ và NHCSXH Việt Nam, NHCSXH Thanh Hóa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng chính sách ưu đãi đến các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, người lao động và Nhân dân. Đồng thời, phối hợp các tổ chức chính trị xã hội, sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương rà soát nhu cầu vay vốn, từ đó tổng hợp và trình NHCSXH Việt Nam làm căn cứ phân bổ nguồn vốn cho địa phương. Hướng dẫn lập hồ sơ, kịp thời triển khai cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, công khai, minh bạch, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận chính sách, bảo đảm tính khả thi của chính sách, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước.
Thời gian tới, NHCSXH Thanh Hóa tiếp tục huy động các nguồn vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; làm tốt công tác huy động tiền gửi từ cộng đồng dân cư, tiền gửi tiết kiệm tại các điểm giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để bổ sung nguồn vốn cho vay. Phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, tổ TK&VV làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, nhất là chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Nắm chắc tình hình sử dụng vốn vay của người vay, quản lý chặt chẽ nợ đến hạn, nợ quá hạn của từng tổ TK&VV, từng hộ vay để đôn đốc thu hồi không để nợ quá hạn phát sinh.