Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững

Bàn về một số kết quả đạt được sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Tiền Giang Dương Văn Hoàng cho biết:

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và gần 4 năm thực hiện Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư, có thể khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân và ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Dương Văn Hoàng.

Đồng chí Dương Văn Hoàng.

Tín dụng CSXH được thực hiện thông qua Ngân hàng CSXH đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tăng cường. Quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao; góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”; giúp người nghèo và các đối tượng CSXH có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên; góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với tín dụng CSXH; tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội không chỉ phát huy vai trò chỉ đạo, giám sát của mình, mà còn chung tay làm tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

* Phóng viên (PV): Hiệu quả rõ nét của sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW trên địa bàn Tiền Giang như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Kết quả cụ thể nhất là hiệu quả sử dụng vốn vay của các đối tượng trên địa bàn ngày càng được nâng lên, đã hỗ trợ 894.414 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; trong đó, 102.118 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 94.068 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 146.029 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 768 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 331.769 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng; 14.795 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách; 41 doanh nghiệp (người sử dụng lao động) được vay vốn trả lương lao động khi khó khăn do dịch Covid-19; 8.866 khách hàng được vay vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; giúp 85 người chấp hành xong án phạt tù có vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế tại địa phương.

Các chương trình tín dụng CSXH góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Các chương trình tín dụng CSXH góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thông qua các chương trình tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 0,97% (giảm 4,01% so với năm 2014), góp phần hoàn thành tích cực một số chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

* PV: Đâu là những thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện Chỉ thị 40?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Cấp ủy, chính quyền các cấp luôn dành sự quan tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH một cách hiệu quả thông qua việc quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; đồng thời tăng cường hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng CSXH; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngành Ngân hàng trên địa bàn, góp phần đưa nguồn lực tín dụng thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

* PV: Một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh việc thực hiện các nội dung được đề cập trong Chỉ thị 40 trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Ngân hàng CSXH phối hợp các cấp, các ngành có liên quan tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư như sau:

Nâng cao vai trò của tín dụng CSXH trong thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Xác định công tác tín dụng CSXH là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng CSXH, xác định đây là một nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Nâng cao hiệu quả tín dụng CSXH; xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng CSXH. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng CSXH.

Giao dịch của Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang.

Giao dịch của Ngân hàng CSXH chi nhánh Tiền Giang.

Nâng cao vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động tín dụng CSXH của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội. Các tổ chức chính trị xã hội thực hiện tốt công tác nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tín dụng CSXH.

Tập trung rà soát, đề xuất, sửa đổi, bổ sung, kịp thời ban hành (hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành) cơ chế, chính sách liên quan đến tín dụng CSXH nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tín dụng CSXH; tạo điều kiện cho Ngân hàng CSXH mở rộng huy động nguồn lực từ các cá nhân, tổ chức và xã hội; từng bước mở rộng đối tượng CSXH được vay vốn, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay phù hợp với mục tiêu các chương trình mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo quy định pháp luật.

Bố trí kịp thời nguồn vốn ủy thác sang Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 111/2024/QH15 ngày 18-1-2024 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Phấn đấu hàng năm nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng CSXH chiếm từ 15% - 20% tăng trưởng dư nợ tín dụng của chi nhánh Ngân hàng CSXH trong năm và đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác của địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn cho vay của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh theo tinh thần chỉ đạo tại Quyết định 05/QĐ-TTg ngày 4-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030.

Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH đặc thù; chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngân hàng. Nâng cao năng lực quản trị và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng CSXH, hoạt động nhận ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội và tình hình sử dụng vốn của người vay; có giải pháp phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ đem lại tiện ích cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tăng cường công tác đào tạo cán bộ, kiện toàn, bồi dưỡng nhân sự để thực hiện tốt công tác tín dụng CSXH. Chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị trong huy động nguồn lực và tham mưu ban hành các Đề án, cơ chế chính sách mới phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách phù hợp từng giai đoạn, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thế Anh (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/xa-hoi/202407/giam-doc-ngan-hang-csxh-chi-nhanh-tien-giang-duong-van-hoang-tin-dung-chinh-sach-gop-phan-giam-ngheo-nhanh-ben-vung-1016261/