Tín dụng chính sách góp phần thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng
Nguồn vốn tín dụng chính sách được giải ngân tận xã, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận. Trong ảnh: Giải ngân vốn tại điểm giao dịch xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa). Ảnh: LÊ HẢO
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước, giúp giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân. Với những mục tiêu này, tín dụng chính sách xã hội đã và đang góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết đại hội đảng các cấp.
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề nói trên, ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên (NHCSXH Phú Yên) cho biết:
- Nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, lũ lụt, thiên tai diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh, các ban ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp tích cực của các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác, NHCSXH Phú Yên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
* Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, NHCSXH Phú Yên đã làm gì để triển khai hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
- Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng NHCSXH Phú Yên đã triển khai cho vay các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời, hiệu quả. Nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay đến 100% thôn, buôn, khu phố của 110 xã, phường, thị trấn; trong đó tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng nông thôn.
Từ năm 2020 đến tháng 9/2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay trên 126.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với doanh số cho vay gần 4.766 tỉ đồng, doanh số thu nợ hơn 3.493 tỉ đồng; góp phần giúp hơn 45.200 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 24.500 lao động, giúp hơn 10.200 lượt hộ gia đình vùng khó khăn vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, hơn 14.700 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 41.900 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hơn 540 nhà ở xã hội cho khách hàng có thu nhập thấp…
Vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư cho phát triển sản xuất, tạo sinh kế, tạo việc làm và đáp ứng nhu cầu căn bản, thiết yếu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Cụ thể, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 3,93% cuối năm 2019 xuống còn 2,17% cuối năm 2021 và giảm 0,87% trong năm 2022, hoàn thành kế hoạch giảm nghèo của tỉnh.
Bên cạnh đó, tín dụng chính sách xã hội còn góp phần nâng cao đời sống của người dân tại các xã xây dựng nông thôn mới. Đến tháng 9/2023, toàn tỉnh có 64/83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 16 xã đạt nông thôn mới nâng cao (tăng 13 xã so với cuối năm 2019) và 3 đơn vị cấp huyện là TP Tuy Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Phú Hòa đạt 100% xã nông thôn mới.
Ngoài ra, từ năm 2020 đến nay, chất lượng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì ổn định, tỉ lệ nợ quá hạn trong tầm kiểm soát, ở mức thấp dưới 0,2% đã góp phần bảo toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay và tài sản của Nhà nước.
* Được biết, bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Ông có thể cho biết rõ hơn về điều này?
- Hàng năm, mặc dù trung ương quan tâm bố trí vốn và địa phương cũng sớm trích ngân sách ủy thác để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh nhưng nguồn vốn một số chương trình vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay, nhất là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Mức cho vay của một số chương trình hiện nay còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế, như cho vay học sinh sinh viên, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo...
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là ở vùng nông thôn, miền núi điều kiện sản xuất, trồng trọt chăn nuôi còn nhỏ lẻ, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, giá cả không ổn định..., nên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.
Một số cán bộ hội đoàn thể cấp cơ sở quản lý nguồn vốn còn hạn chế, theo dõi kiểm tra nguồn vốn vay chưa kịp thời. Một số nơi chất lượng tín dụng chưa ổn định, tình trạng hộ vay vốn bỏ đi khỏi địa phương nhiều, gây khó khăn cho công tác theo dõi, quản lý nợ…
* Vậy, thời gian tới, NHCSXH Phú Yên sẽ làm gì để đáp ứng nhu cầu vốn của người dân trên địa bàn, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng các cấp, thưa ông?
- Thời gian tới, NHCSXH Phú Yên tiếp tục tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra; tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Chi nhánh cũng chủ động xây dựng kế hoạch nguồn vốn cho vay kịp thời, tranh thủ nguồn vốn trung ương, nguồn vốn địa phương để tăng cường nguồn vốn cho vay. Đồng thời thực hiện tốt việc thu nợ đến hạn để tạo nguồn vốn cho vay quay vòng. Tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cân đối, ưu tiên bố trí tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH phù hợp với khả năng và nhu cầu vay vốn từng giai đoạn. Quản lý, điều hành chỉ tiêu kế hoạch linh hoạt, kịp thời phù hợp từng thời điểm, từng địa phương...
NHCSXH Phú Yên cũng sẽ tiếp tục tham mưu, phối hợp điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình định kỳ, thường xuyên để làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ.
Ngoài ra, chi nhánh còn kiến nghị NHCSXH Việt Nam tập trung ưu tiên nguồn lực, bố trí đủ, kịp thời nguồn vốn để thực hiện hiệu quả hơn chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh; đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung đối tượng vay vốn một số chương trình tín dụng ưu đãi, điều chỉnh nâng mức cho vay đối với các chương trình có mức vay còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh và biến động của giá cả thị trường…
* Xin cảm ơn ông!
Về phần địa phương, NHCSXH Phú Yên kiến nghị hằng năm, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác năm sau cao hơn năm trước. Phấn đấu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15% tổng nguồn vốn.
LÊ HẢO (thực hiện)