Tín dụng chính sách - 'Trợ lực' để khôi phục và phát triển kinh tế
Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) đã tập trung giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Qua đó góp phần giúp người nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Gia đình anh Đoàn Xuân Nhung, khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung (Như Thanh) được vay vốn phát triển chăn nuôi hộ.
Tiếp nối các chương trình tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là một trong những giải pháp tạo thêm nhiều động lực và “sức bật” cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh. Gia đình anh Đoàn Xuân Nhung, ở khu phố Hải Tiến, thị trấn Bến Sung (Như Thanh) vừa được giải ngân 100 triệu đồng nguồn vốn giải quyết việc làm và được hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Có vốn, gia đình anh Nhung đầu tư chăn nuôi dê, lợn. Nguồn vốn vay được giải ngân ngay trước Tết Nguyên đán 2023 cũng giúp gia đình anh khôi phục, mở lại hệ thống cửa hàng tiêu thụ thực phẩm. Anh Nhung cho biết: Ngân hàng hỗ trợ về thủ tục nhanh chóng, thuận lợi và giảm lãi suất 2%, nguồn vốn này rất thiết thực, nó cũng tạo điều kiện để gia đình phát triển về chăn nuôi, sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc NHCSXH Như Thanh, cho biết: Ngân hàng đã tích cực triển khai cho vay các chương trình theo Nghị quyết 11/NQ-CP bảo đảm đúng đối tượng, nhanh chóng kịp thời, đến nay, NHCSXH Như Thanh đã triển khai cho vay được 9 căn nhà ở xã hội với số tiền 3,5 tỷ đồng, cho gần 250 học sinh, sinh viên vay mua máy tính và có gần 100 lao động được vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 7 tỷ đồng. Theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống NHCSXH được giao triển khai thực hiện 5 chương trình tín dụng ưu đãi trong thời gian từ năm 2022 đến hết năm 2023, gồm: cho vay hỗ trợ việc làm; cho vay nhà ở xã hội; cho học sinh, sinh viên vay để mua máy tính, thiết bị học tập; cho vay chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, và cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.
Xác định nguồn vốn tín dụng là “trợ lực” để khôi phục và phát triển kinh tế, NHCSXH Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu vay vốn, giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Đến cuối tháng 1-2023, tổng dư nợ của 5 chương trình cho vay theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đạt hơn 432 tỷ đồng, với 7.143 khách hàng vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ việc làm đạt 220 tỷ đồng với 2.943 khách hàng đang vay vốn; chương trình cho vay nhà ở xã hội đạt 170,6 tỷ đồng với 439 khách hàng đang vay vốn; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính đạt 36,8 tỷ đồng với 3.695 khách hàng đang vay vốn; cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập là 4,7 tỷ đồng với 66 khách hàng đang vay vốn. Riêng đối với chương trình cho vay thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa giải ngân được, do định mức giao đất ở, đất rừng, đất sản xuất tại khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa hiện đang trong giai đoạn điều chỉnh. NHCSXH Thanh Hóa cũng đã rà soát lại nhu cầu vốn, trong đó nhu cầu của các chương trình cho vay theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ năm 2023 là hơn 830 tỷ đồng.
Thời gian tới, NHCSXH Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; rà soát đối tượng vay vốn; tập trung tổ chức cho vay bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác phổ biến, tuyên truyền các chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP; rà soát đối tượng vay vốn; tập trung tổ chức cho vay bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc.