Tín dụng chính sách xã hội – chủ trương lớn giúp người dân 'đuổi' nghèo (Bài 2)
Không để người nghèo và các đối tượng chính sách 'bị bỏ lại phía sau' đó là chủ trương mà Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách (TDCS) xã hội đã khẳng định. Từ đây, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Cao Băng đã có những bước chuyển mình trong công tác TDCS và công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bài 2: Tạo đột phá cho tín dụng chính sách
Tiếp sức cho người dân “đuổi” nghèo
Làm gì để “đuổi” được cái nghèo không chỉ là câu hỏi của người dân mà là bài toán khó giải cho tất cả cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh. Đồng chí Đặng Chiều Phụng, Chủ tịch UBND xã Đình Phùng (Bảo Lạc) cho biết: Cả xã có 606 hộ, gồm 3 dân sinh sống: Tày, Nùng, Dao. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 57,75%. Nguyên nhân nghèo thì có nhiều yếu tố, nhưng yếu tố lớn nhất là thiếu nguồn vốn. Xác định TDCS chính là “cần câu” cho bà con thoát nghèo, nên xã đã chỉ đạo công tác rà soát, điều tra các đối tượng được vay vốn, tổng hợp nhu cầu để xây dựng kế hoạch tín dụng của xã sát với thực tế; đồng thời chỉ đạo công tác phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các thôn xóm trên cơ sở nhu cầu vay vốn. Tính đến nay, trên địa bàn xã đang thực hiện 10 chương trình tín dụng ưu đãi; có 486 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã còn dư nợ với số tiền 26,107 tỷ đồng, tăng 17,121 tỷ đồng so với năm 2014. Từ năm 2014 - 2024, có 899 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mỗi năm 2 - 3%.
Anh Vi Đình Thuận, xóm Phiêng Chầu 2, xã Đình Phùng chia sẻ: Tôi được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) 50 triệu đồng để phát triển trồng trúc. Nhờ sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức hội tạo điều kiện cho tôi được tấp huấn khoa học kỹ thuật nên tôi sử dụng nguồn vốn có hiệu quả. Hiện gia đình tôi có hơn 7.000 m2 trúc sào, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Gia đình chị Đinh Thị Thơm, xóm Xuân Thành, xã Tiên Thành (Quảng Hòa) phấn khởi nói: Gia đình tôi là hộ nghèo của xóm, năm 2019, tôi vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi trâu và nuôi lợn nái sinh sản. Sau 5 năm cần mẫn vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, đến nay, gia đình tôi có 2 con trâu, 11 con lợn nái và hơn 100 con lợn thịt, trung bình mỗi năm xuất được 2 - 3 lứa lợn thịt, trừ chi phí gia đình thu nhập bình quân từ 150 - 200 triệu đồng mỗi năm. Gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững.
Không chỉ gia đình chị Thơm, anh Thuận mà trên địa bàn tỉnh, nguồn vốn chính sách đã giúp hàng nghìn đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế và đã thực sự phát huy hiệu quả. Nói về hiệu quả vốn vay, đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh khẳng định: Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, địa phương chuyển sang, nguồn vốn TDCS đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu được tiếp cận với nguồn vốn TDCS một cách thuận lợi, kịp thời. Vốn TDCS xã hội đã được đầu tư đến 161/161 xã, phường, thị trấn, 100% thôn, bản, khu phố, giúp cho 208.468 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất, 43.924 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 36.980 lao động; hỗ trợ 287 người lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; xây dựng 48.362 công trình vệ sinh và nước sạch; hỗ trợ 923 học sinh, sinh viên được tiếp bước vào các trường đại học, cao đẳng...; hỗ trợ 590 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh sinh viên; hỗ trợ xây dựng 4.776 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng 332 căn nhà cho hộ gia đình có thu nhập thấp theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.
Chất lượng tín dụng chính sách nâng cao
Có mặt tại xã Ngọc Đào (Hà Quảng) vào phiên giao dịch định kỳ của Phòng giao dịch NHCSXH huyện tại trụ sở UBND xã, chúng tôi được chứng kiến không khí vui vẻ, phấn khởi nhưng cũng rất trật tự, an toàn theo quy định của người dân đến giao dịch. Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Đào Đàm Văn Trường cho biết: Chỉ thị số 40 thực sự trở thành điểm tựa nâng cao chất lượng TDCS. Đến nay, trên địa bàn xã đang thực hiện 10 chương trình cho vay thông qua các tổ chức hội đoàn thể, với số dư nợ trên 48 tỷ đồng, với 934 khách hàng dư nợ, giúp cho 654 hộ có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm trên 300 lao động, phát triển sản xuất chăn nuôi. Hoạt động tín dụng của xã không có tình trạng nợ xấu nợ quá hạn.
Kết quả đạt được của hoạt động TDCS xã hội trong thời gian qua không thể thiếu vai trò của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác cũng như các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Là cánh tay nối dài của hệ thống NHCSXH, các tổ chức nhận ủy thác, các tổ TK&VV đã đến từng nhà, rà soát nhu cầu vay vốn của từng hộ dân nhằm chuyển tải kịp thời, đúng đối tượng nguồn vốn chính sách. Tổ trưởng Tổ TK&VV xóm Đoàn Kết, xã Đức Long (Hòa An) Nông Thị Hà chia sẻ: Với vai trò tổ trưởng Tổ TK&VV tôi luôn chủ động phối hợp với trưởng xóm tuyên truyền chủ trương, chính sách mới mà NHCSXH triển khai, hướng dẫn để người dân tiếp cận các chính sách tín dụng một cách nhanh nhất, tuyên truyền về trách nhiệm và quyền lợi khi vay vốn. Đến nay, tổng dư nợ trong tổ đạt 2,7 tỷ đồng đồng với 31 tổ viên vay vốn. Nhiều năm liền trong tổ không có nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Tổ TK&VV của bà Nông Thị Hà chỉ là một trong 2.130 tổ TK&VV toàn tỉnh có hoạt động thiết thực. Theo đánh giá của Chi nhánh NHCSXH Cao Bằng, đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội toàn tỉnh đạt 4.356,7 tỷ đồng/2.130 Tổ TK&VV/60.896 khách hàng đang còn dư nợ, tăng 2.717,2 tỷ đồng so với năm 2014, chiếm tỷ lệ 99,6%/tổng dư nợ tín dụng chính sách. Trong đó, 1.895 tổ TK&VV xếp loại tốt, chiếm 88,97%; 204 tổ xếp loại khá, chiếm 9,58%; 30 tổ xếp loại trung bình, chiếm 1,40%; 1 tổ yếu, chiếm 0,05%.
Với cách thức “giao dịch tại nhà; giải ngân, thu nợ tại xã”, hệ thống NHCSXH đã phối hợp với chính quyền địa phương mở và duy trì hoạt động các điểm giao dịch tại xã, thị trấn. Tại các điểm giao dịch xã đã công khai các chương trình vay vốn, các thông tin về chính sách tín dụng, thủ tục hành chính. Đây là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, cũng là một đặc thù riêng của NHCSXH, giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ TDCS xã hội phục vụ người dân. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh Cao Bằng có 161 Điểm giao dịch/161 xã/phường/thị trấn. Hằng tháng NHCSXH thực hiện giao dịch theo lịch cố định 1 ngày/tháng (kể cả ngày thứ Bảy, chủ Nhật) và trên 95% các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến TDCS xã hội đều được thực hiện tại Điểm giao dịch xã.
“Thực hiện Chỉ thị số 40, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động TDCS; trích nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để cho vay; củng cố chất lượng tín dụng; bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện, quan tâm bố trí về địa điểm, thời gian, an ninh, an toàn đối với các buổi làm việc của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã. Vì vậy, TDCS trở thành “điểm sáng” trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn” – đồng chí Nguyễn Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh thêm.
Đến hết tháng 9/2024, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay đạt 611,8 tỷ đồng, tăng 605,8 tỷ đồng so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, tỷ lệ tăng đạt 9.931% (bình quân đạt 993%/năm). Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện trên 19 chương trình TDCS. Tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2015 đến 30/9/2024 đạt 8.692,1 tỷ đồng, với 208.468 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 16,6%; tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm tỷ lệ 0,08%/tổng dư nợ, giảm 0,24% so với năm 2014. Toàn tỉnh, có 104/161 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 64,6%), có 565/635 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp xã không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 88,97%); có 2.047/2.130 Tổ TK&VV không có nợ quá hạn (chiếm tỷ lệ 96,1%).