Tín dụng chính sách xã hội giúp người dân giảm nghèo bền vững
Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội đến với người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trao đổi về tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Thái Nguyên là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, dân số trên 1,2 triệu người, trong đó dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm đa số, chủ yếu là người dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh Thái Nguyên luôn tăng trưởng khá, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm qua các năm, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Có được những kết quả trên, là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân trong tỉnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội, đặc biệt là đối với công tác giảm nghèo của tỉnh”.
Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội mà hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học,... Bên cạnh đó, nhờ nguồn vốn tín dụng Chính sách xã hội, trong những năm vừa qua đã có hàng nghìn công trình nước sạch, nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được đầu tư xây dựng, góp phần cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa nhà ở tại các vùng nông thôn của tỉnh Thái Nguyên.
Hoạt động tín dụng Chính sách xã hội đã từng bước cung ứng dịch vụ tài chính ngân hàng cho nhân dân các dân tộc miền núi, vùng cao. Cũng chính từ việc tiếp cận nguồn vốn thuận lợi, với lãi suất ưu đãi nên tín dụng Chính sách xã hội đã góp phần hạn chế tình trạng người nghèo và các đối tượng chính sách phải tìm kiếm những khoản vay lãi xuất cao, hạn chế tình trạng cho vay nặng lại ở khu vực nông thôn… Thông qua tín dụng Chính sách xã hội, các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, là đòn bảy kinh tế kích thích người nghèo phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu để cải thiện cuộc sống. Đây cũng là nguồn lực to lớn để tỉnh Thái Nguyên thực hiện các mục tiêu như: Phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới...
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những năm qua, hoạt động tín dụng Chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Hàng năm, các cấp ủy, chính quyền địa phương của tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo sát sao, kịp thời điều tra, rà soát phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác làm căn cứ để Ngân hàng Chính sách tỉnh Thái Nguyên thực hiện các thủ tục giải ngân ngân nguồn vốn được nhanh chóng và đảm bảo đúng đối tượng được thụ hưởng.
Điển hình như trên địa bàn thành phố Sông Công, trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố đã khẳng định được đây là một kênh dẫn vốn, một phương thức quản lý vốn hiệu quả, phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị, chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Qua đó, tạo kế sinh nhai, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Sông Công đã đề ra, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Trình độ dân trí của người dân ngày một nâng lên, các hộ đã phát huy hiệu quả trong phương án sản xuất, chuyển biến được cách nghĩ, cách làm và ý thức trả nợ, vươn lên thoát nghèo, lan tỏa thành phong trào. Tỷ lệ giảm nghèo qua các năm của thành phố Sông Công đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Mục sở thị thăm mô hình trồng trọt của gia đình anh Vũ Ngọc Tăng, phường Lương Sơn, thành phố Sông Công gia đình anh Tăng được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Sông Công cho vay 100 triệu đồng vào năm 2023. Với lợi thế đất vườn rộng rãi, anh Tăng đầu tư trồng bưởi diễn với hơn 150 gốc. Sau 2 năm trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật, cây bưởi diễn phát triển nhanh, đồng đều, kháng bệnh tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
“Lúc đầu quyết định vay vốn, tôi rất băn khoăn về thủ tục vay, nhưng khi đến Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Sông Công, tôi được cán bộ Ngân hàng hướng dẫn nhiệt tình, thủ tục nhanh chóng, vì vậy tôi rất yên tâm. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp gia đình tôi có vốn để đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo và từng bước có cuộc sống ổn định”. Anh Tăng chia sẻ.
Cũng như anh Tăng, gia đình anh Nguyễn Đức Vinh, tổ 2 phường Châu Sơn, thành phố Sông Công trước đây thuộc diện hộ nghèo. Từ khi biết nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Sông Công, anh đã vay 80 triệu đồng để đầu tư vào mô hình làm bao bì bằng gỗ xuất khẩu. Từ đó, gia đình có thu nhập ổn định, mạnh dạn thoát nghèo…
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Sông Công cho biết: “Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn thành phố Sông Công có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo”.
Các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố Sông Công trong 9 tháng năm 2024 đã giúp cho 75 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn, trên 600 lao động được vay vốn tạo việc làm mới, 108 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, xây dựng và sửa chữa được 730 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây mới được 8 căn nhà theo Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, giúp cho 22 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn...
Để tiếp tục hỗ trợ cho hộ nghèo thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian tới, thành phố Sông Công tiếp tục tập trung huy động nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Linh hoạt thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và giải quyết các chương trình cấp thiết phát sinh, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Sông Công cùng các đơn vị nhận ủy thác chú trọng phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, kiểm tra, đôn đốc thu nợ, thu lãi đến hạn, ưu tiên cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao chưa được vay vốn, đặc biệt là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, phối hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp sử dụng vốn vay hiệu quả trở thành điểm tựa vững vàng cho người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Song song với đó, thành phố cũng chỉ đạo các Tổ chức chính trị - xã hội thực hiện đầy đủ các nội dung ủy thác; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội và UBND các phường trong việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã tham mưu tốt cho Thành ủy, UBND thành phố và Ban đại diện Hội đồng quản trị về việc thực hiện nguồn vốn, kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các tồn tại, phát sinh để các chương trình tín dụng chính sách ngày càng phát huy hiệu quả hoạt động.
Có thể khẳng định rằng, thông qua nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã có nhiều tác động tích cực đến đời sống của các hộ vay, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần vào công tác giảm tỷ lệ hộ nghèo, xây dựng nông thôn mới và an sinh xã hội tại địa phương.