Tín dụng chính sách xã hội: Hiệu quả thiết thực

Sau 5 năm triển khai thực hiện theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đến nay, các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần trực tiếp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vai trò, hiệu quả tín dụng chính sách trong thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững do Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) - ông Dương Quyết Thắng - cho biết, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủy thác cho NHCSXH thực hiện.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Cụ thể, tính đến ngày 31/8/2019, tổng nguồn vốn đạt 207.708 tỷ đồng, tăng 63.052 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 199.823 tỷ đồng, tăng 57.295 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2015. Ngoài ra, NHCSXH đã thực hiện vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn...

Giai đoạn 2016 đến ngày 31/8/2019, có gần 8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH.

Nhìn chung, vốn tín dụng chính sách xã hội đang tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống hộ nghèo và đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và đối tượng chính sách khác ngày càng được cải thiện; hệ thống chính trị ngày càng được củng cố; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được tăng cao; góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Trước kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khẳng định, NHCSXH và chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng của Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Nhờ trụ cột này, giai đoạn 2015 – 2018, số hộ nghèo giảm rất nhanh, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tín dụng đen, tạo nguồn lực cho các địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chính sách tín dụng cho hộ nghèo được triển khai rộng rãi nhất, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa nhà nước (thông qua NHCSXH) với các tổ chức, đoàn thể và người nghèo; phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo đối với chính quyền cơ sở qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các địa phương cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; tập trung vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH; tập trung huy động nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả hơn tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2007-2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,75% xuống còn 4,25%, giai đoạn 2016-2018 giảm từ 8,23% xuống còn 5,23% (bình quân 1,0%/năm).

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-hieu-qua-thiet-thuc-125605.html