Tín dụng chính sách xã hội sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ: Góp phần giảm nghèo bền vững
Nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 22-11-2014, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TƯ về 'Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội' (Chỉ thị 40).
Qua 10 năm thực hiện, tín dụng chính sách trên địa bàn Hà Nội đạt nhiều kết quả ấn tượng, tăng 226% so với năm 2014. Nguồn vốn chính sách phủ 100% xã, phường, thị trấn, hỗ trợ hiệu quả các hộ nghèo, đối tượng chính sách...
Hộ nghèo được tiếp cận vốn vay
Chỉ thị số 40-CT/TƯ nhằm đẩy mạnh việc huy động, sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, hướng đến đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ thị xác định rõ vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Theo đó, Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị chủ chốt, được giao nhiệm vụ quản lý, phân phối nguồn vốn tín dụng chính sách, bảo đảm vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích, kịp thời, hiệu quả...
Ngay sau khi Chỉ thị 40 ra đời, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 27-4-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố; UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 130/KH-UBND ngày 24-6-2015 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy trên địa bàn.
Với đa dạng hình thức tuyên truyền, Chỉ thị 40 được phổ biến rộng rãi, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tại Hà Nội. Theo đó, Hà Nội đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đang tổ chức giao dịch tại 556 điểm đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Hằng năm, HĐND - UBND các cấp bổ sung nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn địa phương ủy thác tăng gấp 7,9 lần trong 10 năm qua. Tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đạt 15.452 tỷ đồng, tăng 226% so với năm 2014.
Từ nguồn vốn trung ương và địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ 1.031.013 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách trong sản xuất, kinh doanh, học tập... Các chương trình tín dụng chính sách đóng góp quan trọng trong giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn thành phố giảm từ 3,64% xuống 0,21% (giai đoạn 2016-2021); từ 0,16% xuống 0,03% (giai đoạn 2022-2024). Hiện, tổng dư nợ quá hạn và nợ khoanh trên địa bàn thành phố chỉ chiếm 0,02% trên tổng dư nợ, giảm 5,8 tỷ đồng so với năm 2014; 14/30 quận, huyện, thị xã và 535/579 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn.
Cần thêm nguồn lực và cơ chế hỗ trợ
Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng thông tin: Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn ủy thác của huyện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đã tăng từ 247 triệu đồng (năm 2014) lên 12,29 tỷ đồng (năm 2024). Hiện, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt 1.075,5 tỷ đồng, giúp gần 67.000 lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách tiếp cận vốn, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy kinh tế địa phương... Tương tự, vốn chính sách đã thay đổi đời sống rất nhiều hộ dân ở các huyện: Sóc Sơn, Thạch Thất, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức…
Bên cạnh kết quả đã đạt được, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, hoạt động tín dụng chính sách còn một số khó khăn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, mức cho vay để sản xuất, kinh doanh tại một số địa bàn còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã được trung ương và thành phố bổ sung vào năm 2023 nhưng chưa đủ do giá cả ở Hà Nội cao so với mặt bằng chung cả nước, dẫn đến tình trạng chia nhỏ vốn...
Để nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, theo Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Phạm Văn Quyết, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TƯ và các chương trình, kế hoạch liên quan nhằm duy trì phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Các bộ, ngành liên quan cần rà soát, bổ sung cơ chế chính sách tín dụng, chính sách xã hội, đề xuất nâng mức cho vay, tăng thời hạn cho vay, bổ sung đối tượng thụ hưởng phù hợp với chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cũng cần tiếp tục bố trí vốn trung ương theo kế hoạch hằng năm của thành phố Hà Nội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn...
Còn Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Phạm Hải Hoa cho rằng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện nội dung ủy thác; tuyên truyền, kiểm tra giám sát, đôn đốc thu hồi nợ, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả...