Tín dụng có tăng trở lại?

Theo số liệu mới nhất, tính đến hết ngày 24-2, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng 0,77%, thấp hơn hẳn mức tăng 2,52% của cùng kỳ năm 2022. Câu hỏi đặt ra là liệu thời gian tới, tín dụng có tăng trở lại?

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là14-15%, cao hơn năm 2022. Ảnh: Đỗ Tâm

Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là14-15%, cao hơn năm 2022. Ảnh: Đỗ Tâm

Tín dụng tăng trưởng chậm trong 2 tháng đầu năm là do trùng vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chịu tác động bởi dịch Covid-19; một số doanh nghiệp không đáp ứng được các điều kiện vay vốn; đơn hàng suy giảm khiến nhu cầu vay vốn không cao. Ngoài ra, nguồn vốn cho bất động sản tăng thấp hơn so với các năm trước cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng trưởng chậm.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023. Nguyên nhân được đưa ra là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất dù giảm nhưng vẫn ở mức cao. Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao, do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7-2023) và sự gia tăng ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng.

Theo kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các ngân hàng quý I-2023 do Ngân hàng Nhà nước thực hiện, các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng hơn khi dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I-2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước.

Các chuyên gia cũng cho rằng sẽ có sự phân hóa về room tín dụng (giới hạn cấp tín dụng) năm 2023 giữa các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp; tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, dù đã tránh được nguy cơ suy thoái nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay đã có thêm 36 ngân hàng trung ương tăng lãi suất, khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2-2023. Chỉ số USD Index ở mức 104,28 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.

Diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước khi vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Đây là một thách thức trong điều kiện nền kinh tế mở, dòng vốn luân chuyển nhanh, mạnh nên cần thực hiện hài hòa, đồng bộ các chính sách điều tiết tiền tệ, lãi suất để hỗ trợ cho việc ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và tỷ giá.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14-15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Nếu diễn biến lạm phát cho phép thì việc điều hành tín dụng có thể sẽ linh hoạt hơn. Nếu lạm phát có nguy cơ tăng cao, theo chính sách của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh phù hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Đây là mục tiêu tương đối cao trong vòng 5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, thị trường tài chính thế giới vẫn còn diễn biến rất phức tạp, xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương chưa dừng lại. Ngân hàng Nhà nước vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Hiện lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất.

Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng công cụ room tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao cho các đơn vị chức năng nghiên cứu lộ trình nhưng vẫn bảo đảm điều hành tín dụng, đáp ứng vốn cho nền kinh tế và bảo đảm an toàn của hệ thống ngân hàng.

Hà Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/1058365/tin-dung-co-tang-tro-lai