Tín dụng đen bủa vây vùng biên

Mùa màng thất thu, giá nông sản rớt thê thảm đẩy nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên ở tỉnh Bình Phước lâm cảnh nợ nần. Để mưu sinh, nhiều hộ dân phải cầm cố, sang nhượng vườn tược và đáng ngại nhất là các hộ vướng tín dụng đen đang đứng trước nguy cơ tài sản lần lượt 'đội nón ra đi'.

Nhiều hộ dân phải bán điều non để trả lãi suất

Nhiều hộ dân phải bán điều non để trả lãi suất

Khổ vì vay nặng lãi

Xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) được coi là heo hút nhất tỉnh Bình Phước. Toàn xã có 1.579 hộ, trong đó 1.153 hộ (chiếm 73%) là người đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống người dân phụ thuộc vào cây trồng công nghiệp nên gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao. Nguồn thu nhập chính của bà con là cây điều nhưng thời gian qua sâu bệnh hoành hành làm điều mất mùa kéo dài, nên nhiều hộ phải đi vay nặng lãi rồi ngập ngụa trong nợ nần.

2 hộ ông Điểu Phăn và chị Thị Vlát (thôn Bù Nga) mất mùa điều niên vụ 2015-2016, vào tháng 7-2016 chấp nhận vay 160 triệu đồng với lãi suất cao. Đến nay, số tiền gốc và lãi được ủy quyền đòi nợ đã lên tới 1,6 tỷ đồng (gấp 10 lần) nên họ chỉ còn biết ký giấy sang nhượng vườn rẫy, không còn nguồn thu khác để trả nợ. Tương tự, chị Thị Lơi (ngụ thôn Bù Lư) vay 50 triệu đồng của một người trong vùng nhưng không hiểu cách tính lãi suất vay, khi đến hạn trả chị tiếp tục vay nóng để trả nợ, đến nay số tiền gốc và lãi tăng hơn 500 triệu đồng. Với tình hình này chị sẽ phải bán hết vườn rẫy để trả nợ.

Theo UBND huyện Bù Gia Mập, tính đến đầu tháng 8-2019, chỉ riêng xã Bù Gia Mập đã có 156 hộ cầm cố 284,3ha đất với số tiền gần 24 tỷ đồng, 45 hộ sang nhượng 72,9ha đất, 19 hộ bán điều non trên diện tích 25,5ha. Đáng chú ý, số hộ vướng tín dụng đen với lãi suất cao là 102 hộ với số tiền trên 12,2 tỷ đồng, tăng 77 hộ so với năm 2018.

Đòi nợ thuê hoành hành

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, trong hoạt động tín dụng đen, khi giao dịch người cho vay tiền cầm giấy nợ, các hộ dân không giữ được giấy vay tiền và khi trả được một phần số nợ thì lại không cộng vào sổ nợ, không trừ số tiền đã trả. Khi làm việc với cơ quan chức năng, các hộ dân không cung cấp được những giấy tờ liên quan đến việc nợ tiền, số lần trả tiền.

Do đó, việc giao dịch giữa người cho vay với các hộ dân là giao dịch dân sự tự nguyện thông qua lời nói là chủ yếu, nếu có viết giấy tay thì nội dung cũng sơ sài, không thể hiện lãi suất vay, nên không thể xử lý hình sự người cho vay nặng lãi. Đa phần các hộ vay nặng lãi đều không đủ khả năng trả tiền, phải cầm cố, sang nhượng tài sản và cùng với việc được xác định là giao dịch dân sự nên các cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê đã xuất hiện để thu hồi nợ.

Hình ảnh những nhóm người đòi thợ thuê hoành hành lâu nay không xa lạ đối với người dân địa phương. Bà Thị Nhung (ngụ xã Bù Gia Mập) là chủ nợ của 12 hộ dân, trường hợp cao nhất là 1,6 tỷ đồng, thấp cũng 250 triệu đồng. Để thu hồi số nợ, bà Nhung đã ủy quyền cho ông N.M.T. (41 tuổi, ngụ TP Đồng Xoài) liên tục đến nhà đòi nợ 12 hộ dân nói trên. Một vụ việc khác, vào tháng 4-2019, một công ty thu hồi nợ ở TPHCM được bà Trần Thị Thắm (ngụ xã Đắc Ơ, huyện Bù Gia Mập) ủy quyền thực hiện thu hồi nợ của một hộ dân ngụ thôn Bù Rên (xã Bù Gia Mập). Rất may chưa xảy ra hành vi cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập Nguyễn Xuân Hoan cho biết: Lực lượng chức năng đang theo dõi các tổ chức, cá nhân vào địa phương đòi nợ thuê để kịp thời ngăn chặn đấu tranh với “tín dụng đen”, xử lý nghiêm các hành vi cấu kết với đối tượng xã hội đen cho vay nặng lãi. Ông Hoan cũng đề nghị ngành ngân hàng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình và thủ tục cho vay, cũng như cần đa dạng hóa các dịch vụ tín dụng để người dân có điều kiện tiếp cận nguồn vốn, xem xét giãn nợ, gia hạn nợ cho người dân khi gặp khó khăn... để bà con không phải đi vay nặng lãi.

HOÀNG BẮC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tin-dung-den-bua-vay-vung-bien-610414.html