''Tín dụng đen'' tràn về nông thôn
Thời gian qua, sau hàng loạt các đợt ra quân mạnh mẽ của lực lượng công an, tình hình hoạt động của các băng nhóm 'tín dụng đen' ở TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh đã có phần lắng xuống. Tuy nhiên, tại một số địa bàn vùng nông thôn ở các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Thống Nhất..., các băng nhóm 'tín dụng đen' vẫn tìm cách hoạt động.
Từ đầu năm 2020 đến nay, công an các địa phương đã tập trung lực lượng đánh mạnh vào các băng nhóm tội phạm, trong đó có băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”. Lực lượng công an đã tổ chức truy quét, kịp thời triệt xóa nhiều băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” tại các địa phương.
* Triệt xóa nhiều băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”
Điển hình như vào đầu tháng 6-2020, Công an H.Long Thành bắt đối tượng Hoàng Văn Biên (28 tuổi, quê TP.Hải Phòng) chuyên hoạt động “tín dụng đen” ở 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch.
Một trong những giải pháp khá hiệu quả khác theo cơ quan công an, đó là sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể trong công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức pháp luật, cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, các tổ chức, đoàn thể cũng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng hợp pháp của Nhà nước để không bị “sập bẫy” hoạt động “tín dụng đen”.
Theo xác minh của cơ quan công an, sau khi lên mạng học được cách thức cho vay lấy lãi, Biên đã đăng thông tin trên mạng xã hội để quảng cáo dịch vụ cho vay đến nhiều người. Biên đã cho nhiều người vay tiền với lãi suất từ 230% đến gần 600%/ năm. Kết quả điều tra của cơ quan công an cũng xác định Biên đã thu lời bất chính từ hoạt động “tín dụng đen” hơn 320 triệu đồng.
Trước đó, vào giữa tháng 3-2020, Công an H.Thống Nhất bắt giữ Đào Văn Linh và Đào Văn Hải (đều 28 tuổi, quê tỉnh Hải Dương) vì có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Theo xác minh của cơ quan công an, Hải và Linh không phải là người địa phương. Trước đó, hai đối tượng này đã đến địa bàn H.Trảng Bom thuê nhà trọ ở để hoạt động cho vay lãi. Địa bàn mà các đối tượng hướng đến là các huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc và TP.Long Khánh.
Kết quả xác minh bước đầu của công an xác định, các đối tượng thường cho khách hàng vay trong khoảng thời gian từ 24-42 ngày với lãi suất từ 280-300%/năm. Bằng thủ đoạn cho vay này, các đối tượng đã cho khoảng 40 khách hàng vay số tiền hơn 1 tỷ đồng và đã thu lợi bất chính khoảng 200 triệu đồng.
Đặc biệt thời điểm hiện nay, lợi dụng sự phát triển của công nghệ, nhiều đối tượng còn sử dụng các app (ứng dụng) cho vay trực tuyến nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Việc vay tiền bằng hình thức này rất dễ dàng, không cần thế chấp nhưng lãi suất lại rất cao khiến nhiều người mắc “bẫy”.
Mới đây, Công an H.Long Thành cũng đã bắt Ngô Phú Hiếu (24 tuổi, quê tỉnh Hà Nam) về hành vi cho vay lãi nặng. Hiếu đã sử dụng ứng dụng trực tuyến Mecash (quản lý cho vay, cầm đồ) để thực hiện hoạt động cho vay lãi nặng. Để thực hiện ý đồ này, Hiếu đã lập tài khoản mang tên Ahieuhanam trên ứng dụng Mecash rồi đăng thông tin cho vay trả góp. Với thủ đoạn nêu trên, Hiếu chỉ cho khách hàng vay trong khoảng thời gian 25 ngày với lãi suất lên đến 360%/năm.
Theo công an các địa phương, hoạt động “tín dụng đen” không chỉ vi phạm trên lĩnh vực cho vay lãi nặng gây bức xúc cho nhiều người dân mà còn là nguy cơ gây bất ổn xã hội do các đối tượng tạo băng nhóm để đòi nợ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật như: cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản...
Cụ thể như ngày 5-6, Công an H.Long Thành vừa bắt đối tượng Nguyễn Văn Thiết (29 tuổi, quê tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Theo điều tra của công an, thời gian qua, Thiết đã đến địa bàn H.Long Thành và các địa phương lân cận để hoạt động cho vay nặng lãi. Để vay được tiền của Thiết, người vay phải cầm cố các loại giấy tờ tùy thân, bằng lái…
Trong số đó, cơ quan công an xác định bà T.T.N. (ngụ TT.Long Thành) có vay của Thiết 20 triệu đồng và được đối tượng này thu lãi 260 ngàn đồng/ngày, cứ 5 ngày thì Thiết thu lãi một lần. Sau một thời gian thấy người vay không thể trả lãi suất “cắt cổ” đó, Thiết đã đe dọa đến tính mạng và đòi bắt cóc con bà Thiết. Sau khi nhận thông tin phản ảnh từ người dân, Công an H.Long Thành đã bắt giữ đối tượng này để điều tra.
* Ngăn nạn “tín dụng đen” hoành hành
Theo chỉ đạo của Ban giám đốc Công an tỉnh, ngoài các trung tâm đô thị, thành phố lớn, các địa phương ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn cũng phải vào cuộc để xử lý mạnh tay tình trạng hoạt động của nạn “tín dụng đen”. Theo đó, công an các địa phương phải chủ động xây dựng phương án để ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”, không để hình thành những điểm “nóng” phức tạp.
Thực hiện chỉ đạo này, tại các địa phương như: Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Thống Nhất…, lực lượng công an đã tổng lực vào cuộc đấu tranh với loại tội phạm này.
Tại địa bàn H.Long Thành trong những tháng đầu năm 2020, Công an huyện đã triệt phá thành công 3 nhóm tụ điểm hoạt động “tín dụng đen” với số tiền cho vay gần 10 tỷ đồng và thu lợi bất chính gần 1 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, Công an huyện đã chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác để truy quét, xử lý các băng nhóm chuyên hoạt động “tín dụng đen”. Ngoài ra, còn có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trong công tác tuyên truyền cho người dân biết về hậu quả của vay tiền “tín dụng đen”.
Còn tại địa bàn H.Xuân Lộc, ngay từ giữa năm 2019, Công an huyện đã chủ động triệt phá nhiều đường dây, đối tượng hoạt động trên lĩnh vực này ngay từ khi các đối tượng manh nha hoạt động trên địa bàn. Chính sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý để siết chặt các cá nhân, tổ chức hoạt động cho vay nặng lãi, huy động vốn tự phát mà trong những tháng đầu năm 2020, trên địa bàn H.Xuân Lộc gần như không còn đối tượng hoạt động “tín dụng đen”.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202006/tin-dung-den-tran-ve-nong-thon-3008545/