Tín dụng đen và chuyện ở vùng quê Hà Nam
Tín dụng đen với cạm bẫy lãi suất, các phương thức đòi nợ cùng hàng loạt vụ việc phức tạp về trật tự an toàn xã hội và những đáng tiếc xảy ra với người dân do liên quan đến loại vốn vay này đã được cảnh báo nhiều lần. Thế nhưng nhiều người vẫn tìm đến loại tín dụng với lãi suất “cắt cổ”.
Người đàn ông này là nạn nhân của một vụ án cho vay nặng lãi mà Công an tỉnh Hà Nam vừa triệt xóa. Sống tại vùng nông thôn thuần nông nhưng nghề chính của anh là thợ mộc. Do có nhu cầu cần tiền gấp để nhập hàng sản xuất, anh đã phải tìm đến nguồn tín dụng bên ngoài. Tuy nhiên nơi anh gõ cửa vay tiền lại là một ổ nhóm chuyên kinh doanh tín dụng đen. Từ 90 triệu vay ban đầu, chỉ sau hơn 1 tháng, riêng số tiền lãi mà anh phải trả đã lên tới 85 triệu đồng.
Thời gian qua, tín dụng đen đã tràn về nông thôn, trong đó nhu cầu vay tiêu dùng của người dân là rất đa dạng. Từ việc cần tiền để làm ăn, kinh doanh, chi trả tiền sinh hoạt thiết yếu hàng ngày, đến chi phí khám chữa bệnh, học phí cho con cái. Thế nhưng muốn vay tiền của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, người dân phải qua rất nhiều thủ tục. Trong khi đó hoạt động thẩm định, xét duyệt mất khá nhiều thời gian, nên trong cảnh thúc bách, họ buộc phải tìm đến tín dụng đen.
Theo Công an tỉnh Hà Nam, trên địa bàn hiện có trên 200 cơ sở dịch vụ cầm đồ, tư vấn hỗ trợ tài chính. Phần lớn các cơ sở này hoạt động tín dụng theo kiểu cho vay nặng lãi. Các cơ sở này thường tỏa về các vùng nông thôn quảng cáo, và tìm người vay. Khi người vay chậm trả nợ bọn chúng tính lãi với giá cắt cổ. Và thế là, nhiều trường hợp đã rơi vào cái bẫy của loại vốn vay này, thậm chí là nhiều hệ lụy nghiêm trọng như cưỡng đoạt, hủy hoại tài sản, bắt giữ, hành hung con nợ.
Không chỉ tại Hà Nam mà hoạt động của các loại tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lực lượng Công an đã khởi tố trên 430 vụ án với 766 bị can về các tội danh liên quan đến tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê. Làm tan rã 1.400 băng ổ nhóm, tổ chức, đường dây cho vay nặng lãi. Thực tế cho thấy, để đáp ứng nhu cầu vay tiêu dùng ngày càng lớn trong dân, hạn chế rủi ro từ tín dụng đen thì bên cạnh việc quản lý chặt chẽ các tổ chức tài chính, tín dụng phi ngân hàng, điều cần thiết hiện nay là cần hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay tiêu dùng đơn giản, thuận tiện hơn nữa./.
Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/tin-dung-den-va-chuyen-o-vung-que-ha-nam