Tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù – Chính sách nhân văn
Tái hòa nhập cộng đồng là một chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện giúp người chấp hành xong án phạt tù sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, hạn chế tái phạm tội, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi
Ngày 17/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Ngân hàng Chính sách xã hội tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một quyết định riêng, quy định chính sách tín dụng ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngày 17/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, có hiệu lực từ ngày 10/10/2023.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, đây là lần đầu tiên có một cơ chế rất cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận, vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời cũng có cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm, sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.
Thời gian qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng đã thu được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, toàn xã hội trong việc quan tâm tạo điều kiện, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác này còn những hạn chế, khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là vấn đề tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù để ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Hiện có một số mô hình quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù bước đầu thu hút được sự tham gia tích cực các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, song hoạt động hầu hết mang tính tự phát, chưa có cơ chế bền vững về nguồn lực để hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù có công ăn, việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Quyết định 22 gồm 16 điều và 2 mẫu biểu, trong đó quy định rõ ràng về đối tượng thụ hưởng, điều kiện vay vốn, phương thức cho vay, mức vốn vay, thời hạn vay vốn, lãi suất cho vay... Trong đó có quy định cụ thể về nguồn vốn cho vay để thực hiện quyết định này, bao gồm nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huy động được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất, phí quản lý theo quy định; nguồn vốn ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay; các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết, việc quy định các nguồn vốn để bố trí cho vay theo Quyết định 22 thể hiện sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ nhằm huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có nguồn vốn từ ngân sách địa phương hằng năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay. Thực hiện nội dung này cũng chính là góp phần thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Ngân hàng Chính sách xã hội hiện có mạng lưới rộng khắp trong toàn quốc với 63 chi nhánh tỉnh, thành phố, 628 phòng giao dịch cấp huyện, 10.449 điểm giao dịch xã xuống tận xã/phường/thị trấn và màng lưới 168.464 tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận thôn, ấp. Tín dụng chính sách mang thông điệp “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”.
Đáp ứng nhu cầu vốn vay
Nhằm đưa chính sách đi vào cuộc sống, đảm bảo thống nhất tổ chức triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù kịp thời và hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 22 đến tận cấp huyện với hơn 23.000 người tham dự.
Ngay sau khi Quyết định có hiệu lực, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạm giao chỉ tiêu kế hoạch cho các địa phương số tiền là 57,5 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân cho 145 khách hàng, số tiền là 10.820 triệu đồng.
Để việc triển khai chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã chỉ đạo chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Công an cùng cấp báo cáo, tham mưu HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho vay, đồng thời tích cực huy động nguồn vốn nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người chấp hành xong án phạt tù. Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay tham mưu cho Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp thường xuyên rà soát nhu cầu vốn để triển khai cho vay đáp ứng nhu cầu vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù. Chi nhánh các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn nghiệp vụ, quán triệt đến toàn thể cán bộ trong đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện có hiệu quả Quyết định về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.
Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với Công an cấp xã để thực hiện việc tiếp nhận danh sách đối tượng thụ hưởng của chương trình, phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác hướng dẫn khách hàng vay vốn hoàn thiện hồ sơ vay vốn và giải ngân kịp thời, tư vấn sử dụng vốn vay đúng mục đích, đôn đốc trả nợ, trả lãi đúng hạn.
Ông Dương Quyết Thắng cũng đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một nội dung công tác thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp. Hằng năm, cân đối ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người chấp hành xong án phạt tù cũng như để bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Chỉ đạo, thực hiện tốt việc rà soát, xác nhận về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhanh chóng, kịp thời chính sách ưu đãi của Thủ tướng Chính phủ.
Công an các địa phương quan tâm đến việc lập và cung cấp danh sách người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn để chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội làm căn cứ cho vay; phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ.
“Ngân hàng Chính sách xã hội đã, đang và luôn chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện về nguồn lực, nhân lực, vật lực để triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi nói chung và chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nói riêng, với tinh thần triển khai chính sách cho vay nhanh chóng, kịp thời, thuận tiện “phục vụ tại nhà, giải ngân tại xã””, ông Dương Quyết Thắng khẳng định.