Tín dụng kết nối tiếp tục lan tỏa mạnh

Nối tiếp thành công của các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, ngày 29/8, NHNN tiếp tục phối hợp với UBND TP. Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL tổ chức hội nghị kết nối tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam.

Tại hội nghị này, hầu hết các DN đều ghi nhận sự lan tỏa của nguồn tín dụng từ chương trình kết nối đã hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn và mở rộng sản xuất – kinh doanh.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Bắt tay giải ngân

Theo số liệu thống kê của các NHTM trên địa bàn 13 tỉnh khu vực ĐBSCL, tính đến thời điểm giữa quý III/2019, tổng dư nợ tín dụng toàn vùng đạt khoảng trên 623.900 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm 2018. Trong đó, lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng 14,8%. Một số lĩnh vực thế mạnh như lúa gạo tăng 13,92%, thủy sản tăng 8,45%, một số chương trình tín dụng đặc thù đạt kết quả tốt như: cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch dư nợ đạt khoảng 2.000 tỷ đồng...

Trong các tháng đầu năm vừa qua, thông qua các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, các TCTD tại ĐBSCL đã giải ngân cho vay mới gần 71.300 tỷ đồng với trên 4.400 DN và một số đối tượng khác. Bên cạnh việc cho vay mới, các TCTD cũng đã cơ cấu lại nợ cho một số DN trên địa bàn, thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay trên 250 DN với tổng dư nợ được hỗ trợ là trên 3.720 tỷ đồng.

Đại diện lãnh đạo Agribank cho biết, tính đến cuối tháng 7/2019 dư nợ cho vay của ngân hàng này tại khu vực ĐBSCL đạt 151.000 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của Agribank trên cả nước và tăng 5% so với đầu năm, hơn nhiều so với mức tăng chung của hệ thống là 1,2%. Đặc biệt 15 chi nhánh của Agribank tại khu vực ĐBSCL đã tập trung phát triển cho vay liên kết chuỗi, khuyến khích khách hàng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo đó, DN nào thực hiện đủ cả 3 khâu cung ứng – sản xuất – tiêu thụ sẽ được giảm 1,5% lãi suất tiền vay so với lãi suất lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn. Các mô hình chỉ thực hiện 2 trong số 3 khâu, ngân hàng cũng hỗ trợ giảm 1% lãi suất để khuyến khích hoàn thiện liên kết chuỗi…

Với VietinBank, ông Nguyễn Hoàng Dũng - Phó tổng giám đốc thông tin, đến cuối tháng 6/2019 có 328 khách hàng DN được ngân hàng này cho vay với lãi suất ưu đãi thông qua chương trình kết nối với tổng dư nợ đã giải ngân đạt trên 11.300 tỷ đồng. Một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên có xếp hạng tín dụng tốt, tài chính minh bạch được ngân hàng cho vay thấp hơn mức 6,5%/năm. “Thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, nhiều kiến nghị chính đáng từ phía các khách hàng đã được hệ thống VietinBank giải quyết rốt ráo”, ông Dũng nhấn mạnh…

Chiếm trọn lòng tin của DN

Nhìn chung cộng đồng DN đều đánh giá cao và trân trọng sự đồng hành của các NHTM trong việc hỗ trợ vốn, cũng như hợp tác tháo gỡ những khó khăn về tiếp cận vốn cho DN. Việc các NHTM ngày càng đi sâu vào chương trình kết nối là cơ hội để DN không những tranh thủ được nguồn vốn rẻ, mà có thể hoàn thiện hệ thống quản trị tài chính của đơn vị.

Bà Dương Thị Bích Diệp (CTCP Lavifood – Long An) cho biết, chính sự đồng hành của các NHTM đã giúp Lavico phát triển chuỗi nhà máy, trang trại chế biến nông sản ở nhiều tỉnh, thành trên địa bàn các tỉnh thành phía Nam như Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng. Đặc biệt, việc các ngân hàng lắng nghe, cùng DN tháo gỡ những nút thắt khi tiếp cận vốn chính là tạo ra động lực để DN dám nghĩ, dám làm những dự án mới, có quy mô lớn.

Ở phía các DN khởi nghiệp, ông Phạm Tiến Hoài – Giám đốc Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (Cần Thơ) cũng nhấn mạnh rằng, sự tin tưởng của các NHTM khi mạnh dạn cấp vốn cho các dự án lĩnh vực nông nghiệp chính là yếu tố sống còn của các ý tưởng khởi nghiệp. Lấy ví dụ từ chính DN của mình, ông Hoài cho biết, mặc dù mới chỉ bắt đầu phát triển trong vòng 2-3 năm gần đây, nhưng hiện nay kim ngạch xuất khẩu của công ty đã đạt trên 7 triệu USD/năm. Mỗi tháng DN cần khoảng 30-50 tỷ đồng để thu mua nguyên liệu chế biến nước ép và hoa quả sấy dẻo.

“Nếu ngay từ ban đầu phía các ngân hàng không xắn tay cùng đồng hành thì DN không thể hình thành được nhà máy và vùng nguyên liệu như hiện tại”, ông Hoài xúc động nói và bày tỏ hy vọng tiếp tục được Vietcombank nói riêng và các NHTM trên địa bàn tin tưởng, hỗ trợ DN về vốn để xây dựng, hoàn thiện các liên kết chuỗi ổn định.

Kết nối là giải pháp quan trọng hỗ trợ DN

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo các chi nhánh NHNN, hệ thống NHTM tại khu vực ĐBSCL tiếp tục coi chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là giải pháp quan trọng để hỗ trợ DN tháo gỡ những khó khăn về tiếp cận vốn.

Theo đó, mỗi quý các chi nhánh NHNN nên tổ chức các chương trình kết nối giữa các ngân hàng với DN trên địa bàn. Bên cạnh những hội nghị kết nối chung, các địa phương nên tổ chức thêm những buổi đối thoại kết nối dành riêng cho từng nhóm DN thuộc các ngành, lĩnh vực khác nhau; phân công những cán bộ tín dụng am hiểu về các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của DN để theo dõi, xắn tay cùng DN tháo gỡ những vướng mắc kịp thời.

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc cho biết, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được điều hành theo hướng ổn định, bám sát các mục tiêu kinh tế vĩ mô; các yếu tố như tỷ giá, lãi suất (cả huy động và cho vay) đều được NHNN chỉ đạo giữ ổn định. Về phía hệ thống NHTM cần đảm bảo đủ vốn cung ứng cho các lĩnh vực kinh tế ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và các DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh với mức lãi suất vay ưu đãi, hợp lý.

Hồng Cường

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tin-dung-ket-noi-tiep-tuc-lan-toa-manh-91592.html