Tín dụng tăng chậm và 'thế khó' của ngân hàng nửa cuối năm

Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng vẫn khá chậm chạp. Trong khi đó, việc đảm bảo an toàn vốn vẫn là yếu tố quan trọng với các ngân hàng trong thẩm định cho vay, khi nợ xấu có nguy cơ gia tăng. Đây sẽ là bài toán khó cho các ngân hàng trong việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2023.

5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt khoảng 3%. Ảnh: TL

5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt khoảng 3%. Ảnh: TL

Tín dụng tăng chậm

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt 14,16%. Đây là tốc độ tăng trưởng khá so với những năm gần đây, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2021 chỉ là 12%, năm 2020 là 12,13%... Với bối cảnh này, đầu năm 2023, NHNN đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14 – 15%.

Tuy nhiên, “gió đổi chiều” khá nhanh khi 5 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng chỉ đạt khoảng 3%. Theo đó, gần nửa thời gian của năm 2023 đã trôi qua, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế mới chỉ đi được hơn 1/5 quãng đường so với mục tiêu đề ra. Trong bối cảnh này, theo đánh giá của Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tín dụng tăng chậm nhưng không thể nói là do chính sách, vì chính sách cho vay không có gì thay đổi. “Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), dư địa tín dụng thoải mái, thanh khoản hệ thống được NHNN duy trì dư thừa. “Không có lý do gì để TCTD huy động tiền gửi, trả lãi cho người gửi tiền mà khi doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn lại không cho vay” - bà Hồng giải thích.

Trong những nội dung phân tích, mổ xẻ gần đây của lãnh đạo NHNN về tình hình tiếp cận vốn của doanh nghiệp, đại diện NHNN cho biết, hiện các doanh nghiệp có thể phân loại ra thành các nhóm khác nhau. Trong đó, một số doanh nghiệp khó khăn, nhưng khó khăn nằm ở chỗ họ không có đầu ra, không có đơn hàng và giải pháp đối với nhóm doanh nghiệp này là phải tháo gỡ khó khăn đầu ra.

Còn lại với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là nhóm thực tế đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, không đủ điều kiện vay vốn, không tiếp cận được vốn ngân hàng. Do đó, giải pháp của NHNN với nhóm này có thể là cần hướng tới việc cải thiện điều kiện vay vốn, chẳng hạn thông qua các chính sách như bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Thế khó của ngân hàng

Thực tế là trong bối cảnh doanh nghiệp không vay được vốn, các ngân hàng cũng trong trạng thái “sốt ruột” không kém, bởi hiện tại lợi nhuận ngân hàng vẫn phụ thuộc lớn vào thu nhập lãi thuần đến từ hoạt động huy động vốn và cho vay. Do đó, tín dụng tăng trưởng chậm đồng nghĩa với việc quy mô nguồn thu nhập chính của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Trong bối cảnh này, NHNN cũng đã có định hướng một số chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đến thời điểm này, các chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố ở hầu hết các địa phương lớn đều đã tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn. Một số địa phương đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp khi gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng.

Với các TCTD, một số ngân hàng cũng đã thực hiện các đợt giảm lãi suất để tăng khả năng tiếp cận khách hàng vay, ông Lê Quang Vinh – Phó Tổng giám đốc Vietcombank, cho biết từ đầu năm đến nay đã 2 lần giảm lãi suất lớn. Một đợt diễn ra từ 1/1 – 30/4, với mức giảm 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Sau khi đợt 1 kết thúc, ngân hàng này cũng triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 – 31/7, với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ đồng.

Mặc dù mục tiêu chung của các ngân hàng đang tỏ ra khá tích cực trong việc tìm kiếm mở rộng khách hàng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc khơi thông dòng tín dụng, nhưng thực tế cũng đang xuất hiện những cảnh báo nổi lên trong chính các ngân hàng. Trong đó, nợ xấu là một trong những vấn đề đang cần chú ý quan tâm trong giai đoạn hiện nay.

Theo đánh giá của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong giai đoạn đầu năm 2023, mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro vẫn còn. Đặc biệt là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ…

Thực tế trong hệ thống, nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh năm 2022 và quý I/2023 cho thấy, nợ xấu gia tăng so với trước, nhiều ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng trên 2%, một số ngân hàng nợ xấu tăng đột biến 4%. Đây là một trong những yếu tố khiến cho các ngân hàng sẽ buộc phải thận trọng trong từng quyết định cho vay. Bởi lẽ, việc cho vay ra nếu trở thành nợ xấu thì sẽ còn tệ hơn là không cho vay được. Điều này sẽ là một bài toán khó cho các ngân hàng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm 2023.

Các ngân hàng vẫn phải thực hiện tái cơ cấu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện tại vẫn đang thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và việc này thực hiện trong bối cảnh toàn nền kinh tế khó khăn thì việc tái cơ cấu cũng sẽ khó khăn hơn lúc bình thường. Đến nay, các ngân hàng yếu kém đã trình xin chủ trương các cấp có thẩm quyền và NHNN cùng các bộ, ngành đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xây dựng các đề án chi tiết cho từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật./.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-dung-tang-cham-va-the-kho-cua-ngan-hang-nua-cuoi-nam-129762.html