Tín dụng tăng trưởng nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn 'khát' vốn
Trong những năm gần đây, tín dụng bất động sản cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ có xu hướng tăng nhưng doanh nghiệp trên sàn vẫn 'khát' vốn.
Chia sẻ tại tọa đàm bất động sản với chủ đề: “Đường đến thập kỷ tăng trưởng mới" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, hoạt động tín dụng bất động sản với mục đích để sử dụng, tiêu dùng có tốc độ tăng trưởng cao.
Cụ thể, tính đến cuối tháng 10/2024, tổng dư nợ cho vay mua nhà để ở, sửa chữa nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và xây dựng nhà để ở trên địa bàn TP.HCM đạt 784.000 tỷ đồng.
Đối với tín dụng bất động sản đã và đang tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu nhà ở của người dân và nhu cầu nhà ở xã hội. Trong đó, cho vay mua nhà để ở và cho vay tiêu dùng, nếu phân tích theo mục đích sử dụng vốn thì tín dụng cho vay mua nhà để ở chiếm khoảng 70% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng trưởng dương trở lại trong những tháng gần đây.
“Điều này đã và đang phản ánh không chỉ những chuyển biến tích cực cho thị trường bất động sản mà còn khẳng định việc đáp ứng nhu cầu vay mua nhà của ngành ngân hàng cho người dân trên địa bàn Thành phố. Góp phần bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững”, ông Lệnh chia sẻ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết thêm, tín dụng bất động sản trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là tín dụng trung dài hạn (chiếm khoảng 96%) và tăng trưởng phù hợp theo diễn biến thị trường và cơ cấu sản phẩm. Trong những năm gần đây, tín dụng bất động sản cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh thương mại dịch vụ có xu hướng tăng trưởng tốt.
Trong đó, dư nợ cho vay phát triển hạ tầng khu công nghiệp – khu chế xuất đạt 52.000 tỷ đồng (chiếm 5% tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 28,7% so với cuối năm 2023); cho vay cao ốc văn phòng đạt gần 25 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,4% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 18,5% so với cuối năm 2023); cho vay nhà hàng, khách sạn, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đạt trên 26 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,48% trong tổng dư nợ tín dụng bất động sản và tăng 30% so với cuối năm 2023).
Ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá, kết quả này là nền tảng để phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất và các hoạt động du lịch, dịch vụ, từ đó góp phần thu hút đầu tư kinh doanh đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Định hướng chính sách tiền tệ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước năm 2025 tiếp tục là hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ ổn định thị trường tiền tệ, lãi suất và tỷ giá. Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản nói riêng cần phải chủ động, linh hoạt, đa dạng hóa sản phẩm, điều chỉnh giá bán phù hợp, hoạt động minh bạch để tận dụng tốt các cơ chế chính sách hỗ trợ.
“Những thay đổi tích cực từ kinh tế vĩ mô và định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ vào năm 2025 là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp để tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, ông Lệnh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ở góc độ là chuyên gia về tài chính, TS.Đinh Thế Hiển cho biết, thông qua báo cáo lưu chuyển tiền tệ của các doanh nghiệp niêm yết có thể thấy rằng, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản và xây dựng liên tục giảm, thậm chí là tăng trưởng âm.
Theo TS.Đinh Thế Hiển, trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ có 2 dòng tiền chính cần lưu ý. Đó là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và từ tài chính. Tuy nhiên, hiện tại, dòng tài chính, cụ thể là các vòng vốn liên quan đến ngân hàng, đang gặp khó khăn khi không có các khoản vay mới được giải ngân. Điều này dẫn đến tình trạng dòng lưu chuyển tài chính bị âm, qua đó phản ánh thực tế rằng các công ty đang thiếu vốn một cách nghiêm trọng, đồng thời cho thấy sự không nhất quán trong phối hợp giữa các công ty và ngân hàng. "
Nếu có thể giải quyết được vấn đề này một cách đồng bộ và hiệu quả, nó sẽ giúp tạo ra sự chuyển biến tích cực", vị chuyên gia nói và đưa ra nhận định về thị trường trong năm 2025 rằng vẫn còn nhiều thách thức. Nhưng về vĩ mô, việc sản xuất kinh doanh (nền tảng cho bất động sản phát triển) vẫn rất tốt và tiếp tục tốt trong năm 2026-2027. Vấn đề chỉ còn là giá bất động sản như thế nào để đưa thị trường từ 2025 trở đi phát triển đồng nhịp với nền kinh tế.