Tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023

Chiều 17/10, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hằng quý III/2024. Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp báo.

Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024 và quý III/2024, kinh tế trong nước và thế giới có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Trên thế giới, lạm phát tại nhiều nước tiếp tục hạ nhiệt dù vẫn khó lường, củng cố xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương. Triển vọng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến chỉ số USD quốc tế giảm mạnh.

Trong nước, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại các địa phương phía bắc, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 duy trì xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Lạm phát được kiểm soát phù hợp và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.

Tỷ giá được điều hành linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.

Đáng chú ý, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai đồng bộ, quyết liệt, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng không đồng đều, có tổ chức tín dụng tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số tổ chức tín dụng tăng sát chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo, ngày 28/8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các tổ chức tín dụng đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8, tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.

Đến nay, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023. Với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các tổ chức tín dụng hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Trong quản lý hoạt động kinh doanh vàng, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan, đến nay, mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Định hướng đến cuối năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,...

HỒNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-dung-toan-he-thong-tang-khoang-9-so-voi-cuoi-nam-2023-post837157.html