Tín dụng xanh: Triển vọng tăng trưởng gấp 5 lần
Từ năm 2012, Chính phủ đã có chiến lược hướng tới phát triển xanh. Hiện nay, dư nợ tín dụng xanh đạt khoảng 4,5% tổng dư nợ tín dụng và được dự báo có triển vọng tăng gấp 5 lần.
Khi dòng vốn ngân hàng góp phần vào phát triển xanh
Ngay sau Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Để hiện thực hóa Chiến lược này, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có Bộ tiêu chí phân loại quốc gia xanh như một điểm tựa pháp lý để thực hiện tăng trưởng xanh.
Và “mạch máu” của phát triển xanh chính là tín dụng xanh. Nguồn vốn tín dụng xanh đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định đến thành bại của xu hướng xanh. Trong thời gian này, phát triển xanh được nhắc tới nhiều hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam sớm đề cao xu hướng này và đã tạo tiền đề để hệ thống ngân hàng sẵn sàng vào cuộc.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công Luận, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV; Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC) cho biết từ năm 2012, Chính phủ đã có chiến lược, đến 2015, Ngân hàng Nhà nước có Thông tư hướng dẫn phát triển xanh.
Tại Việt Nam, tín dụng xanh tập trung vào một số lĩnh vực tiêu biểu như: tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, dệt may, vệ sinh, môi trường,…
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối năm 2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh (12 dự án xanh do Ngân hàng Nhà nước xây dựng và ban hành từ năm 2015) đạt gần 500.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 4,2% tổng dư nợ nền kinh tế).
Trong đó, dòng vốn xanh tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm tỷ trọng cao nhất 47%), tiếp đến là nông nghiệp xanh (chiếm trên 30%). Các tổ chức tín dụng tích cực thực hiện đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng với hơn 1,1 triệu món vay.
Tín dụng xanh vẫn còn hạn chế khi kinh tế xanh chưa đi vào thực chất
Dù khái niệm kinh tế xanh đã được nhắc đến từ khá lâu nhưng theo một số chuyên gia kinh tế, kinh tế xanh ở Việt Nam chưa thực chất. Đây là nguyên nhân chính khiến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công Luận, TS Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế đánh giá tín dụng xanh, kinh tế xanh, nông nghiệp công nghệ cao,… chúng ta vẫn mới dừng ở mức cơ bản. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh nhất nhưng vẫn chưa thành công. Ngay cả “đầu tàu” TP.HCM rất nỗ lực cho nông nghiệp cao nhưng thành quả đạt được chưa xứng với tiềm năng.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, kinh tế xanh chưa thành công là do hoạt động không đi vào thực chất mà mang tính phong trào. “Nói chung là kinh tế xanh mới ở dạng đặt ra vấn đề, theo dõi, nhưng mà chưa vững chắc. Nhiều doanh nghiệp đi theo xu hướng xanh để hưởng lợi từ nguồn vốn hỗ trợ trong và ngoài nước chứ không phải bản chất nghiêm túc trong vấn đề thực hiện” - ông Hiển phân tích.
Ngoài việc bản thân doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với kinh tế xanh, định hướng này chưa thành công còn bởi vì thị trường trong nước chưa sẵn sàng. Ông Đinh Thế Hiển đưa ra ví dụ với các sản phẩm Viet Gap, Global Gap, doanh nghiệp phải dành rất nhiều chi phí để sản xuất ra sản phẩm chất lượng và sạch nhưng đôi khi người ta tiêu dùng quan tâm đến độ ngon ngọt, chứ không đề cao tính “sạch”. Vì vậy, họ không sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho sản phẩm Viet Gap, Global Gap.
Chính vì vậy, TS. Đinh Thế Hiển khẳng định: “Kinh tế xanh chưa phát triển thực chất nên nguồn tín dụng xanh cho các dự án này không có nền tảng để phát triển”.
Muốn “giải” được “bài toán khó” này, theo TS. Đinh Thế Hiển, kinh tế xanh phải đi vào thực chất, vừa hướng tới thị trường trong nước, vừa hướng tới thị trường xuất khẩu. Kinh tế xanh không nên làm theo phong trào mà đi theo từng hạt nhân. Hạt nhân là các doanh nghiệp lõi, doanh nhân lõi, từ đó bắt đầu tiếp tục lan ra toàn nền kinh tế.
Theo TS. Cấn Văn Lực, hiện nay, tổng dư nợ tín dụng xanh chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ tín dụng. Ông Lực đánh giá về cơ bản, tín dụng xanh hoàn toàn có khả tăng trưởng tích cực hơn. Về triển vọng, mức độ tăng có thể đạt từ 15 - 20%.
Vốn ngoại “mở” cho dự án xanh của doanh nghiệp Việt
Trong khi nguồn vốn nội vẫn chưa được “bơm” mạnh mẽ cho tín dụng xanh, nhiều doanh nghiệp Việt đã được vốn ngoại “mở”. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng những đơn vị may mắn này đều là các doanh nghiệp hàng đầu của ngành, đã khẳng định được tên tuổi ở trong nước và quốc tế.
Giữa năm 2021, Công ty Cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land), thành viên Tập đoàn BIM Group, công bố phát hành thành công 200 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore (SGX) với lãi suất 7,375% và thời hạn 5 năm.
Đây là đợt phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của Tập đoàn này, và cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Bim Land cho biết, khối lượng đăng ký mua gấp 3 lần khối lượng chào bán. Đợt phát hành này được chào đón là do Bim Land hướng tới tiêu chí “xanh”.
Cụ thể, đợt huy động vốn 200 triệu USD này của BIM Land nhằm mục đích phát triển các dự án bất động sản của công ty đang triển khai, trong đó có nhiều dự án xanh, bảo vệ môi trường. Trước đó, đơn vị này đã thiết lập hệ thống khung quản lý tài chính xanh (Green Financing Framework) với đơn vị tư vấn độc lập là Công ty DNV GL. Tập đoàn BIM Group còn đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng là các dự án “xanh” theo khung quản lý này.
Giữa năm 2023, Vingroup nhận được sự quan tâm lớn từ thị trường tài chính khi phát hành trái phiếu xanh - bền vững với hơn 1,3 tỷ USD. Trong đó 900 triệu USD là khoản vay xanh của VinFast, 425 triệu USD là trái phiếu bền vững của Vinpearl.
Trước đó, một số nhà đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng là đơn vị phát hành lượng đáng kể các khoản vay xanh. Đó là Điện gió Liên Lập (173 triệu USD), Điện mặt trời Dầu Tiếng Tây Ninh (160,5 triệu USD), Điện gió Thuận Bình (57 triệu USD).
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tin-dung-xanh-trien-vong-tang-truong-gap-5-lan-post281929.html