Tin fake và lừa đảo

Ngay khi cơn bão Yagi đang gầm rú, đã xuất hiện rất nhiều tin fake trên mạng, một việc rất đáng lên án, dẫu có thể có người chủ mưu hoặc có người a dua, thậm chí có người cả tin...

Đầu tiên là tin vỡ đê. Tin này khiến nhiều người cực hốt hoảng, bởi ai cũng biết, cái đê sông ở phía Bắc nó là như thế nào, nếu vỡ thật thì những điều khủng khiếp gì sẽ xảy ra.

Tiếp theo là những bức ảnh do AI tạo ra, mà cụ thể là 2 đứa bé ôm nhau ngủ trong vũng bùn. Rất nhiều người cắm cúi chia sẻ, kể cả khi đã được cảnh báo.

Rồi lục lại kho đồ cũ để ra cái món chồng đẩy vợ và con trên... thau. Nhưng quả là, cái ánh mắt anh chồng trong bức ảnh nó ám ảnh vô cùng, sinh động vô cùng. Một bức ảnh dàn dựng quá suất sắc nếu nó đúng chỗ.

Nhưng đến đoạn giả mạo hội Chữ thập đỏ và Mặt trận Tổ quốc để lừa đảo thì đã hết sức quá giới hạn, không thể chấp nhận được.

Ngày 13/9, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chính thức thông báo, thời gian gần đây trên mạng xã hội đã xuất hiện nhiều trang cá nhân và fanpage giả mạo, lợi dụng danh nghĩa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Trong khi đó, nhiều người cũng vạch ra các thủ đoạn lừa đảo là dẫn link, giữ nguyên các thông tin tài khoản của Mặt trận Tổ quốc nhưng thay đổi mã QR. Người chuyển tiền chuyển tiền khi quét mã không để ý tên tài khoản là mắc bẫy, tiền "đi về nơi xa lắm ngay".

Lại thế này nữa, một tờ báo thông tin: "Mới đây, Viettel Telecom lên tiếng phủ nhận sau khi nhiều tài khoản lan truyền thông tin về cách soạn tin nhắn để sử dụng Internet miễn phí. Một số bài viết còn tăng thêm tính thuyết phục bằng cách chèn thêm từ khóa như "hỗ trợ bão lũ", "chỉ thuê bao ở vùng bão lũ mới đăng ký được", nhận hàng nghìn lượt tương tác và chia sẻ. Đây là tin giả mạo không có thật".

Viettel khuyến cáo đây là thông tin không chính xác (Ảnh: Báo Công Luận)

Viettel khuyến cáo đây là thông tin không chính xác (Ảnh: Báo Công Luận)

Bản thân tôi cũng nhận được tin nhắn nếu ở vùng bão lũ, mất điện, không có mạng có thể nhập cú pháp gửi 191 để được dùng Internet miễn phí của Viettel. Đọc xong dù khá tỉnh táo rằng không điện, không mạng thì làm sao mà có internet nhưng vẫn hơi... chao đảo, bán tín bán nghi.

Chuyện tráo tài khoản thì ngay khi bão mới vào, Thái Nguyên bị rất nặng, một nhà báo quê Thái Nguyên ra lời kêu gọi ủng hộ đã bị một người coppy về, để nguyên lời kêu gọi nhưng... đưa số tk của mình vào, cũng đã lừa được một số người.

Không ai có thể chấp nhận được những việc làm hết sức xấu xí này. Giữa lúc bão lũ như thế, cả nước căng mình ra chịu đựng và giúp nhau như thế, mà vẫn có những người lừa đảo để bỏ túi tấm lòng rất đẹp của những người khác như thế thì đúng là không thể tưởng tượng nổi. Có những cháu học sinh góp 10 ngàn, 20 ngàn khiến chúng ta rưng rưng, mà lại có những kẻ có thể táng tận lương tâm, cạn tàu ráo máng tới ác độc như thế?

Rồi qua tới nay rộ lên "phong trào phông bạt", "check var", vừa hài hước, ngộ nghĩnh nhưng cũng nhiều chuyện cười ra nước mắt.

Như có nhóm đấu giá một đôi giày để ủng hộ, chuyển tiền vào tài khoản Mặt trận Tổ quốc, nhưng khi sao kê thì thiếu mất... 10 lần. Tất nhiên thì ngay sau đấy bạn này đã nhận sai và chuyển đủ.

Lại cũng đang có chuyện Trường Cao đẳng Công Thương Tp.HCM cho biết đang phối hợp rà soát thông tin liên quan tới việc chuyển khoản ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão Yagi của một câu lạc bộ đã giải thể.

Là câu lạc bộ này đã chuyển ủng hộ 11.232.000 đồng tiền quỹ tồn của CLB, nhưng khi sao kê lại chỉ có...1.123.200 đồng. Việc này ảnh hưởng tới uy tín của Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM vì tin đồn câu lạc bộ này thuộc trường.

Nhân nói chuyện chuyển khoản ủng hộ cũng xuất hiện nhiều chuyện vui, như chàng trai trẻ Tăng Kiến Triết chuyển ủng hộ 1.111.111 đồng (chắc chọn 7 số 1 cho đẹp) nhưng bấm thế nào lại thành 2 lần. Tới lúc dân mạng check sao kê, phát hiện ra thì anh chàng chuyển tiếp 10 ngàn, với ý định xin lại chỗ chuyển nhầm.

Nhưng rồi nghĩ lại, dẫu chuyển 10 ngàn rồi, anh rút ý định xin lại khoản chuyển nhầm. Nhưng dân mạng hào hiệp và vui tính, tự động trả lại tiền cho anh, tổng tiền anh nhận lại được là hơn 4 triệu đồng, và anh lại làm những việc dân mạng gọi là "đốn tim" là lên mạng xin không nhận nữa, sau đó mang hơn 4 triệu đồng này chuyển tiếp vào tài khoản của Mặt trận Tổ quốc.

Hay anh sinh viên chuyển khoản 10 ngàn đồng ủng hộ nhưng lại ghi tên liên đoàn xiếc. Té ra anh này có một nhóm bạn chơi chung với nhau, lấy tên nhóm là "rạp xiếc Việt Nam", và một bạn trong ấy đã chuyển ủng hộ bão lụt đề tên người gửi là: "tap the ae rap xiec trung uong ung ho" một cách hồn nhiên , khiến liên đoàn xiếc phản ứng, bộ Văn hóa sức công văn "yêu cầu làm rõ’, và công an phải vào cuộc.

Thực ra, theo tôi, việc này có thể xử lý rất nhẹ nhàng, sau khi xác minh chính xác thì liên đoàn "nói lại cho rõ" và cháu sinh viên một mặt được hoan nghênh, mặt khác nhắc cháu rút kinh nghiệm để không bị hiểu nhầm. Đẹp cả hai phía.

Tất nhiên, trong một xã hội văn minh, tốt đẹp sẽ không có đất cho bọn lừa đảo và việc lừa đảo. Nhưng để hoàn toàn trừ được việc ấy, là một cuộc đấu tranh dai dẳng, phức tạp và cả thông minh nữa. Chả bão lũ gì nhưng cả "tập đoàn" lừa đảo được chiêu mộ bên kia biên giới vẫn hàng ngày "quét" tin rác lừa đảo, và lừa được hàng trăm tỉ, thì bão lũ, chúng không tha là đúng rồi...

Nhưng người dùng mạng thông minh còn phải là người không tiếp tay cho lừa đảo nữa.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Văn Công Hùng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tin-fake-va-lua-dao-20424091509460238.htm