Tin giả, hậu quả khôn lường

Chỉ vì một thông tin chưa kiểm chứng, mới đây, hai cá nhân tại tỉnh Nghệ An đã đăng tải nội dung sai lệch về việc sáp nhập tỉnh, thành phố, gây hoang mang dư luận. Hệ quả, họ bị cơ quan chức năng triệu tập và xử phạt hành chính. Đây là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc với đối tượng tung tin giả.

Trong thời đại số, tin giả (fake news) trở thành vấn đề nhức nhối. Chúng không chỉ tồn tại mà còn biến hóa tinh vi, từ giả mạo phát ngôn lãnh đạo đến nhái tài liệu cơ quan hành chính. Tin giả chủ yếu lan truyền qua mạng xã hội, nơi tốc độ tán phát nhanh, khó kiểm soát. Lo ngại hơn, các đối tượng xấu lợi dụng mạng xã hội để lập những nhóm như: Mua bán tiền giả, văn bằng giả, sách giả... Những hành vi này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đẩy rủi ro cho người thiếu hiểu biết.

Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản

Tin giả không chỉ đơn thuần là thông tin sai mà còn là “mồi lửa” đốt cháy niềm tin, gây tổn hại đến cá nhân, tổ chức, làm bất ổn chính trị, xã hội, phá hoại giá trị đạo đức, đẩy cộng đồng vào vòng xoáy nghi kỵ. Với gần 73 triệu người dùng mạng xã hội, Việt Nam đang đối mặt với sự lan tràn tin giả do khoảng trống quản lý và sự thiếu tỉnh táo của người dùng.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần chỉ đạo phải phát hiện, xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi đưa tin giả, sai sự thật. Đây không chỉ là yêu cầu pháp lý mà còn là bước quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Để ngăn chặn tin giả, cần đồng bộ các giải pháp: Tăng cường chế tài răn đe, cụ thể hóa quy định pháp luật và nâng cao ý thức cộng đồng. Quan trọng nhất, mỗi người dân hãy là “lá chắn” kiểm chứng trước khi chia sẻ thông tin. Một hành động nhỏ nhưng tác động lớn, góp phần bảo vệ môi trường thông tin lành mạnh.

PHẠM KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/tin-gia-hau-qua-khon-luong-810336