Tin giả thổi bùng xung đột giữa Israel và người Palestine
Nhiều thông tin sai lệch về xung đột bạo lực giữa Israel và người Palestine đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các nền tảng xã hội như Twitter, TikTok và Facebook.
Trong một đoạn video dài 28 giây do chính phát ngôn viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đăng tải lên Twitter hồi tuần trước, các tay súng người Palestine tại Dải Gaza dường như đang triển khai các cuộc tấn công bằng rocket nhằm vào Israel từ các khu dân cư đông đúc.
Ít nhất đó là những gì mà phát ngôn viên Ofir Gendelman miêu tả. Tuy nhiên, sau khi được hàng trăm lượt chia sẻ trong bối cảnh xung đột giữa Israel và người Palestine leo thang, đoạn video được chứng minh không phải quay tại Gaza và thậm chí cũng chẳng quay trong thời điểm tuần trước. Thực tế, đoạn video đó có thể được tìm thấy rất nhiều trên các kênh YouTube và xuất hiện từ năm 2018. Theo như chú thích đính kèm các phiên bản trước đó, dường như các quả rocket được phóng từ Syria hoặc Libya. Twitter đã xóa đoạn video một ngày sau đó khi dán nhãn "nội dung gây hiểu lầm". Văn phòng của phát ngôn viên Gendelman không đưa ra bình luận thêm.
Đoạn video chỉ là một trong số hàng loạt tin giả xuất hiện dày đặc trên Twitter, TikTok, Facebook, WhatsApp và các nền tảng xã hội khác khi bùng phát giao tranh giữa Israel và người Palestine. Các thông tin sai lệch được lan truyền dưới dạng video, ảnh hoặc clip chạy chữ, với những bài đăng nói rằng binh sĩ Israel đã tiến vào Dải Gaza hay đám đông người Palestine chuẩn bị tràn vào các vùng ngoại ô của Israel.
Theo tạp chí New York Times (NYT), những nội dung tin tức giả này được chia sẻ hàng nghìn lần trên Twitter và Facebook, cũng như được gửi tới các hội nhóm trên WhatsApp và Telegram với hàng nghìn thành viên. Giới chuyên gia nhận định hậu quả của những dòng tin tức giả này có thể gây chết người, thổi bùng căng thẳng giữa Israel và người Palestine trong khi hai bên vốn dĩ đã không hề tin tưởng nhau.
“Rất nhiều trong số đó chỉ là tin đồn nhưng lại được chia sẻ vì mọi người đang thèm khát muốn biết thông tin về tình hình đang diễn ra. Điều khiến cho những thông tin này gây nhiễu là nó pha trộn giữa thông tin sai và thông tin chính thống”, Arieh Kovler – một nhà phân tích chính trị tại Jerusalem - giải thích.
Phản hồi trước yêu cầu bình luận về tin giả trên các nền tảng, Twitter và Facebook chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào. Về phần mình, bà Christina LoNigro - phát ngôn viên của WhatsApp - cho biết công ty đã quy định giới hạn về số lần mọi người có thể chuyển tiếp một tin nhắn như một cách để ngăn chặn thông tin sai lệch. Trong một tuyên bố mới nhất, TikTok khẳng định: “Đội ngũ của chúng tôi đã nhanh chóng làm việc để xóa các thông tin sai lệch, các nỗ lực kích động bạo lực và các nội dung khác vi phạm Nguyên tắc cộng đồng”.
Không chỉ các nền tảng xã hội, các hãng tin bằng tiếng Arab và Do Thái cũng góp phần lan truyền những thông tin sai lệch. Gần đây, một số hãng tin Israel đã đăng đoạn video ghi lại cảnh một gia đình đang mang một thi thể đến địa điểm tổ chức đám tang nhưng vội bỏ lại thi thể khi nghe thấy tiếng còi xe cảnh sát. Các hãng tin đã dẫn lại đoạn video như là bằng chứng cho thấy các gia đình Palestine tổ chức đám tang giả nhằm phóng đại số người thiệt mạng trong xung đột.
Trên thực tế, đoạn video này đã xuất hiện trên YouTube cách đây một năm. Theo dòng ghi chú đoạn video gốc, cảnh quay lấy từ một gia đình Jordan tổ chức đám tang giả.
Một đoạn video khác cho thấy những người Do Thái tự xé quần áo của chính mình cũng được lan truyền trên các trang tin tức tiếng Arab trong tuần này. Các đoạn clip được trích dẫn làm bằng chứng cho thấy người Do Thái tự làm giả vết thương của mình trong các cuộc đụng độ ở Jerusalem. Tuy nhiên, theo tờ NYT phân tích, đoạn video đã được đăng tải lên WhatsApp và Facebook một vài lần vào đầu năm nay.
Từ lâu, việc chia sẻ và lan truyền các thông tin sai lệch giữa người Israel và Palestine, với những tuyên bố giả và âm mưu đã xuất hiện trong các thời điểm bạo lực gia tăng.
Trong một vài năm trở lại đây, Facebook đã xóa bỏ một số chiến dịch “tin giả” của Iran nhằm gây căng thẳng giữa người Israel và người Palestine. Twitter cũng đã gỡ bỏ một mạng lưới các tài khoản giả mạo vào năm 2019 được sử dụng để bôi nhọ đối thủ của Thủ tướng Netanyahu.