Tin giả về Covid-19 chia cắt cha mẹ và con cái

Sau hơn một năm và 3 triệu cái chết vì Covid-19, các thuyết âm mưu liên quan đến đại dịch vẫn âm thần chia cắt nhiều gia đình trên thế giới.

Trong khi đại đa số đều tiếp cận với khoa học và cái nhìn thiện cảm về vaccine Covid-19 ngày càng tăng, không ít người trưởng thành vẫn tin rằng “Đại dịch chỉ là một trò lừa bịp” hoặc “Tỷ phú Bill Gates sử dụng vaccine để cấy vi mạch vào con người”, theo VICE.

Trong hơn 13 tháng qua, những niềm tin sai lệch đó đã gây căng thẳng, làm xói mòn, thậm chí dẫn đến sự chia rẽ hoàn toàn, đối với mối quan hệ tình cảm giữa bố mẹ - con cái.

 Mặc dù trên toàn cầu có hơn 3 triệu ca tử vong do Covid-19, nhiều người vẫn tin rằng đại dịch chỉ là cú lừa, không có thật. Ảnh: Thabo Jaiyesimi/Alamy.

Mặc dù trên toàn cầu có hơn 3 triệu ca tử vong do Covid-19, nhiều người vẫn tin rằng đại dịch chỉ là cú lừa, không có thật. Ảnh: Thabo Jaiyesimi/Alamy.

Giọt nước tràn ly

Chia sẻ với VICE, Noah (45 tuổi, Mỹ) cho biết mối quan hệ giữa anh và bố mẹ vốn đã rất căng thẳng trước khi đại dịch diễn ra. Covid-19 chỉ như “giọt nước tràn ly” mà thôi.

Anh giải thích rằng dù không quá hòa hợp, anh và bố mẹ vẫn có thể thảo luận chung về những chủ đề họ bất đồng ý kiến với nhau. Điều đó thay đổi 180 độ khi nCoV xuất hiện lần đầu ở xứ cờ hoa hồi tháng 2/2020.

“Bố mẹ tôi bắt đầu tin rằng đó là một kế hoạch của chính phủ nhằm kiểm soát cuộc sống của mọi người dân. Họ còn nghĩ rằng tôi là một con cừu bị tẩy não bởi tôi cảm thấy ‘hoàn toàn ổn với việc để chính phủ kiểm soát cuộc đời mình’”, Noah kể lại.

Dù đang học cách chấp nhận, người đàn ông 45 tuổi không khỏi đau buồn khi “nhìn những người thân yêu của mình dần dần bị tước đi”.

Trong khi Noah nhận thấy những thuyết âm mưu Covid-19 đã biến bố mẹ anh thành người xa lạ. Một số khác lại thấy đại dịch lại càng củng cố thêm phần tồi tệ nhất trong mối quan hệ giữa họ và phụ huynh.

 Nhóm người biểu tình ở bang Idaho (Mỹ) đốt khẩu trang trước cửa cơ quan lập pháp, trong đó có trẻ em. Ảnh: OPB.

Nhóm người biểu tình ở bang Idaho (Mỹ) đốt khẩu trang trước cửa cơ quan lập pháp, trong đó có trẻ em. Ảnh: OPB.

Olivia G và mẹ không còn giữ liên hệ với nhau sau cái chết của bố cô vào năm 2016. “Khi không còn bố ở đây, tôi phải một mình đối mặt với toàn bộ thói tự luyến, bạo hành và chứng nghiện rượu của mẹ tôi”, cô kể lại.

Olivia tưởng rằng chừng ấy chuyện đã đủ tồi tệ, cho đến khi đại dịch xuất hiện và mẹ cô trở thành người chối bỏ sự hiện diện của Covid-19. Trước đó, bà vốn tin vào những thuyết âm mưu phản khoa học.

“Mẹ tôi một mực không tin ‘bệnh tật là có thật’. Thậm chí, bà ấy tin rằng những suy nghĩ tích cực có thể chữa khỏi những bệnh nguy hiểm như ung thư - căn bệnh khiến bố tôi qua đời”, Olivia cho biết.

Tháng 10/2020, khi đi mua nhu yếu phẩm cùng mẹ, Olivia chứng kiến bà ấy liếm tay trước khi chọn sản phẩm. Chia sẻ với VICE, cô cho biết lúc ấy mình như phát điên và chỉ muốn hét lên. Sự việc lần đó chính thức đánh dấu mối quan hệ mẹ - con của họ đã kết thúc.

Khó thay đổi thế giới quan

Jack (20 tuổi), một sinh viên ở Vương quốc Anh, không được may mắn như Olivia. Anh sống chung với người mẹ cũng chối bỏ Covid-19. Người phụ nữ này thường xuyên phá luật giãn cách xã hội của chính quyền.

Nam sinh viên lo sợ rằng hành động đó sẽ khiến mẹ bị chịu phí phạt lớn, kéo theo chuyện không đủ tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày.

 Một số người tụ tập biểu tình phản đối việc bắt đeo khẩu trang ở thành phố Scottsdale (bang Arizona, Mỹ) hồi tháng 6/2020. Ảnh: Catherine Rafferty/The Republic.

Một số người tụ tập biểu tình phản đối việc bắt đeo khẩu trang ở thành phố Scottsdale (bang Arizona, Mỹ) hồi tháng 6/2020. Ảnh: Catherine Rafferty/The Republic.

Tashina (31 tuổi, Thụy Điển) cảm thấy tinh thần nặng nề vô cùng mỗi khi đối mặt với quan điểm phản khoa học về Covid-19 của bố mẹ. Mặc dù phụ huynh cô đã ly dị và sống ở các quốc gia khác nhau, họ đều rơi vào thuyết âm mưu virus SARS-CoV-2 từ hồi tháng 3/2020.

“Thật mệt mỏi khi cứ phải phản bác lại từng lời họ nói ra. Bởi bố mẹ lớn tuổi hơn, tôi lại không có bằng cấp liên quan đến ngành sinh học. nên họ luôn nghĩ rằng tôi là một đứa trẻ chẳng biết gì”, Tashina nói.

Mẹ của Tanisha nhất quyết không đeo khẩu trang, tiêm vaccine hay thực hiện giãn cách xã hội. Bà cũng từng phá luật phong tỏa và đi du lịch hàng trăm dặm từ xứ Wales sang nước Anh.

Tanisha đành báo cáo hành vi của mẹ với cảnh sát tới 3 lần. Cô quyết định ngừng nói chuyện với cả bố lẫn mẹ vào năm nay, đồng thời kêu gọi những người cùng hoàn cảnh hãy làm điều tương tự.

“Đừng phí hoài thời gian của bạn. Tôi biết chuyện đó rất khó bởi họ là bố mẹ bạn. Thế nhưng, đừng phạm sai lầm giống tôi và mất một năm trời chỉ để kết thúc mối quan hệ này”, Tanisha chia sẻ.

 Thuyết âm mưu Covid-19 vẫn len lỏi vào đời sống của mọi người trong lúc cuộc chiến chống dịch còn căng thẳng. Ảnh: Noam Galai/Getty Images.

Thuyết âm mưu Covid-19 vẫn len lỏi vào đời sống của mọi người trong lúc cuộc chiến chống dịch còn căng thẳng. Ảnh: Noam Galai/Getty Images.

Maisie (29 tuổi) đã làm điều tương tự sau khi bố cô, người tin vào các thuyết âm mưu Covid-19, tấn công hai mẹ con cô. Điều đáng nói, trước đó gia đình cô vẫn sống hòa thuận tại Baltimore (bang Maryland, Mỹ).

“Một đêm nọ, sau khi kết thúc ca làm với vai trò là y tá tại khu chăm sóc tích cực (ICU), mẹ tôi trở về nhà và khóc. Bệnh nhân do bà chăm sóc bị suy kiệt quá nhanh và lập tức qua đời, bất kể bà đã nỗ lực cứu sống. Thế nhưng, bố tôi chỉ thao thao về Covid-19 rằng ‘nó chỉ là bệnh cúm thông thường thôi mà’”, Maisie kể lại.

Bản thân Maisie cũng là một nhân viên chăm sóc sức khỏe và gia đình cô đã mất 8 người thân vì Covid-19. Thế nhưng, bố cô vẫn tin tưởng vào những nguồn tin sai lệch. Do đó, cô quyết định từ mặt bố một thời gian, hy vọng ông sẽ thay đổi tâm tính trong tương lai.

Tuy nhiên, không rõ liệu hy vọng của Maisie có thể trở thành hiện thực hay không. Theo VICE, một nghiên cứu cho thấy những người tin vào thuyết âm mưu thường phản ứng với sự việc bằng suy nghĩ hoang tưởng, khiến việc phá vỡ thế giới quan của họ là vô cùng khó khăn.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tin-gia-ve-covid-19-chia-cat-cha-me-va-con-cai-post1214566.html