Tin giả, xấu độc gây hậu quả khôn lường, 2 bộ trưởng nêu giải pháp
Trả lời chất vấn, các bộ trưởng khẳng định tin giả, xấu độc là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu, cần kết hợp nhiều giải pháp khác nhau để xử lý.
Nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác về chống tin giả
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, các đại biểu cho hay sự phát triển của mạng xã hội bùng nổ, kéo theo tình trạng tin giả, tin sai sự thật gây nhiễu loạn, tạo hệ lụy bức xúc trong xã hội. Việc này cũng ảnh hưởng tới báo chí về thông tin và doanh thu. Bộ trưởng có phương án nào để quản lý mạng xã hội? Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định đây là vấn đề không chỉ ở Việt Nam mà mang tính toàn cầu.
Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay đầu tiên là vấn đề hoàn thiện thể chế.
“Trước đây, chúng ta mới quy định xử lý cá nhân sử dụng mạng xã hội khi đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Mới đây, chúng ta đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng xã hội khi vi phạm luật pháp Việt Nam. Trước đây, chúng ta cho rằng đây là trách nhiệm của quản lý nhà nước, nhưng thật ra trách nhiệm lớn là đối với các nền tảng xã hội”, Bộ trưởng Hùng nêu rõ.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các nền tảng mạng xã hội phải có trách nhiệm rà quét, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc. Ngoài ra, cần truyền thông để mọi người có kỹ năng số, biết sử dụng các nền tảng số, có khả năng đề kháng cho không gian số, đào tạo cho cả thế hệ tương lai (học sinh, sinh viên) là rất cần thiết.
Ông Hùng cho hay hiện Bộ TT-TT đang tập trung vào 3 nhóm, khi người dân bị ảnh hưởng bởi thông tin sai, tin xấu độc thì có nơi để họ phản ánh, có nơi đề nghị giúp đỡ. Do đó, Bộ TT-TT đã thành lập và đưa vào vận hành Trung tâm chống tin giả quốc gia và các địa phương cũng thành lập các trung tâm như vậy.
Bộ trưởng TT-TT khẳng định Việt Nam là nước có chủ quyền và luật pháp trên không gian mạng. Các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp của Việt Nam.
Bộ trưởng Hùng cho biết thời gian qua Bộ TT-TT đã đạt kết quả rất tích cực như tăng tỷ lệ đáp ứng về gỡ bỏ thông tin xấu độc, sai sự thật từ 10 - 20% năm 2018 đến nay là tỷ lệ trên 95%; thời gian đáp ứng từ 48 tiếng trước đây rút xuống còn 24 tiếng và 12 tiếng. Trong trường hợp đặc biệt, xử lý, gỡ bỏ thông tin xấu độc trong vòng 2 tiếng, đồng thời gỡ bỏ các trang, các tài khoản vĩnh viễn nếu vi phạm nghiêm trọng.
Lãnh đạo Bộ TT-TT cho hay hiện nay các nền tảng mạng xã hội phải tự động rà quét, gỡ bỏ các thông tin vi phạm mang tính phổ quát đã được định nghĩa tường minh như cờ bạc, mại dâm, ảnh hưởng đến trẻ em, kinh doanh các mặt hàng bị cấm, khủng bố…, đồng thời có thể xác định được danh tính khi vi phạm.
Đặc biệt, theo ông Hùng, nhiều mạng xã hội lớn đã hợp tác với Bộ TT-TT về tuyên truyền chống tin giả, tin lừa đảo trực tuyến, quảng bá hình ảnh của đất nước Việt Nam ra nước ngoài; các mạng xã hội đã đóng thuế tại Việt Nam khoảng trên 20.000 tỉ đồng, tăng khoảng 6 lần so với những năm trước.
Tin giả gây hậu quả khôn lường
Làm rõ một số hậu quả, hệ lụy liên quan đến tin giả, tin sai sự thật, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang khẳng định tin giả, tin sai sự thật gây hậu quả khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đang trở thành mối đe dọa lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội, thậm chí đe dọa trực tiếp đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu.
Theo ông Quang, các hành vi vi phạm pháp luật phổ biến trên mạng xã hội hiện nay như: hành vi gây tạo dựng làm tán phát, đăng tải, chia sẻ, lưu trữ tin giả, tin sai sự thật; xuyên tạc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết; xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín của các tổ chức, cá nhân, gây những thông tin hoang mang, ảnh hưởng tới sức khỏe, đời sống, sinh hoạt của nhân dân...
Một số đối tượng lợi dụng chức năng phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội để phát ngôn, tuyên truyền những nội dung chứa tin giả, tin sai sự thật, tác động tiêu cực tới tâm trạng xã hội và tình hình an ninh trật tự.
“Hệ lụy của tin giả cũng ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán, tài chính bất động sản; có những thông tin gây thiệt hại vốn hóa nhiều nghìn tỉ đồng trên thị trường chứng khoán”, ông Quang nói.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết hiện còn nổi lên một số các hành vi đáng chú ý khác như hành vi lập, sử dụng hội nhóm tiêu cực, tác động gây nhận thức lệch lạc, kích động những hành vi lệch chuẩn, bạo lực, cổ súy những hủ tục mê tín dị đoan, đồi trụy, kích dục; tạo lập hội nhóm để thông tin đối phó, kích động, phản kháng, chống đối lại lực lượng chức năng…
Về các giải pháp cho tình trạng này, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết trách nhiệm pháp lý đối với các đối tượng đưa tin giả tin sai sự thật theo quy định của pháp luật hiện hành, có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự theo nghị định của Chính phủ và các điều của Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, ông Quang cho rằng mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe (từ 5 đến 10 triệu đồng); thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng.
Ví dụ, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng, trong khi đó chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do vậy, trong kiến nghị xử lý theo hướng không cần xem xét đến hậu quả xảy ra đối với những hành vi này để xử lý đủ sức răn đe.
Giải pháp tiếp theo ông Quang đề cập đến là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, tin giả, tin sai sự thật; tuyên truyền định hướng dư luận ý thức cảnh giác của người dân để tạo ra được sức đề kháng đối với tin giả, tin sai sự thật...