Tín hiệu khởi sắc cho doanh nghiệp ngành Bia dần lộ diện?

Một số doanh nghiệp bia có quy mô vừa và nhỏ đã bắt đầu công bố báo cáo tài chính quý II/2025, cho thấy bức tranh ngành đang phân hóa rõ rệt. Dù có đơn vị ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, toàn ngành vẫn bị bao phủ bởi sắc 'xám' khi sức mua yếu và biên lợi nhuận gộp tiếp tục bị thu hẹp.

Kẻ tăng tốc, người hụt hơi

CTCP Bia Sài Gòn - Phú Thọ (mã: BSP) báo lãi ròng quý II đạt 5,3 tỷ đồng, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây. Thành quả này chủ yếu đến từ doanh thu thuần tăng 11% lên hơn 106 tỷ đồng, đồng thời biên lợi nhuận gộp được cải thiện thêm 1,4 điểm %, lên gần 11%.

Ngoài ra, Công ty cũng cho biết sản lượng tiêu thụ trong kỳ đạt gần 13,2 triệu lít, tăng gần 1 triệu lít so với cùng kỳ năm ngoái. Việc chi phí một số nguyên vật liệu đầu vào giảm cũng góp phần thúc đẩy lợi nhuận.

Tuy nhiên, do quý I năm nay lỗ 6 tỷ đồng, nên lũy kế 6 tháng đầu năm, BSP vẫn ghi nhận khoản lỗ gần 477 triệu đồng, dù đã thu hẹp so với mức lỗ hơn 1 tỷ đồng cùng kỳ. So với kế hoạch lãi 6,6 tỷ đồng trong năm 2025, BSP vẫn còn một khoảng cách đáng kể để đạt được mục tiêu.

CTCP Bia Hà Nội - Hải Dương (mã: HAD) cũng công bố lợi nhuận ròng quý II tăng 11%, đạt 5,4 tỷ đồng, dù doanh thu sụt nhẹ 7%, còn hơn 60 tỷ đồng. Chi phí giá vốn giảm mạnh hơn tốc độ giảm doanh thu đã giúp biên lãi gộp tăng thêm 2 điểm %, đạt mức 32%. Thêm vào đó, doanh thu tài chính tăng cùng với việc tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh đã hỗ trợ tích cực cho kết quả quý này.

Tính chung nửa đầu năm, HAD ghi nhận lãi ròng 4,4 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 3 năm gần đây, hoàn thành gần 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Ở chiều ngược lại, CTCP Bia Sài Gòn - Sông Lam (mã: BSL) báo lãi quý II giảm 21%, còn 9,5 tỷ đồng. Doanh thu giảm nhẹ 1%, còn dưới 236 tỷ đồng, trong khi biên lãi gộp giảm đáng kể 2,3 điểm %, còn 4,6%. Lũy kế nửa đầu năm, lợi nhuận ròng chưa đạt 6 tỷ đồng, giảm gần 59% so với cùng kỳ, mức thấp nhất trong 9 năm qua. Doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành khoảng 12% kế hoạch lợi nhuận năm (48 tỷ đồng), dù doanh thu đã đạt 41% chỉ tiêu đề ra.

Tình hình kinh doanh tại CTCP Habeco - Hải Phòng (mã: HBH) thậm chí còn ảm đạm hơn, khi tiếp tục ghi nhận khoản lỗ ròng gần 5 tỷ đồng trong quý II, tăng so với mức lỗ 4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Giá vốn hàng bán cao hơn doanh thu đã khiến HBH chịu lỗ gộp hơn 3 tỷ đồng, trong khi các khoản chi phí cố định tiếp tục ăn mòn kết quả kinh doanh.

Tính đến hết tháng 6, doanh nghiệp lỗ gần 4 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp có kết quả bán niên âm, dù quý I năm nay vẫn còn lãi nhẹ gần 1 tỷ đồng. Với mục tiêu lợi nhuận cả năm chỉ 800 triệu đồng, triển vọng hoàn thành đang ngày càng xa vời.

Theo HBH, sản lượng sản xuất trong quý II giảm gần 18%, trong khi sản lượng tiêu thụ sụt tới 27%. Dù giá nguyên liệu đầu vào có giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, tiếp tục gây áp lực lên giá thành sản phẩm.

Cùng trong bức tranh khó khăn, Bia - Nước giải khát Sài Gòn - Tây Đô (mã: STD) đã chuyển kết quả từ lãi cùng kỳ thành lỗ trong quý II năm nay. Cụ thể, doanh thu thuần quý II của Bia Tây Đô đạt 63 tỷ đồng, giảm gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá vốn hàng bán ở mức 61,6 tỷ đồng đã gần như "ăn mòn" hết doanh thu, khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh xuống còn 1,26 tỷ đồng, chỉ bằng chưa tới 1/4 so với mức 5,4 tỷ đồng của quý II/2024.

Kết quả, Bia Tây Đô báo lỗ ròng gần 1,74 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi hơn 857 triệu đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2025, công ty lỗ ròng hơn 1,84 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với mức lãi 1,2 tỷ đồng của nửa đầu 2024.

 Một số doanh nghiệp bia đã công bố BCTC quý II. Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Một số doanh nghiệp bia đã công bố BCTC quý II. Ảnh: Mai Trang tổng hợp.

Áp lực dần thu hẹp

Mặc dù mới chỉ có một số doanh nghiệp nhỏ và vừa công bố báo cáo tài chính quý II, nhưng bức tranh chung của ngành bia đã phần nào hiện rõ với sự phân hóa ngày càng sâu sắc và xu hướng tiếp tục đối mặt nhiều thách thức. Sức mua yếu, chi phí nguyên liệu đầu vào vẫn cao, và đặc biệt là các chính sách siết chặt thuế đối với đồ uống có cồn đang là những yếu tố phủ bóng triển vọng ngành.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ bức tranh đều u ám. Theo Mirae Asset, giá các nguyên liệu thiết yếu như đại mạch và nhôm đang ở mức thấp nhất trong 5 năm, giúp “biên lợi nhuận gộp toàn ngành có thể đạt đỉnh”. Đặc biệt, Việt Nam đang ở trong giai đoạn dân số vàng và nhu cầu tiêu dùng nội địa hứa hẹn phục hồi mạnh - một nền tảng vững chắc hỗ trợ các doanh nghiệp bia vượt khó và tìm thấy đà tăng trong trung và dài hạn.

Các công ty lớn như Sabeco và Habeco đã có những chiến lược rõ ràng cho năm 2025. Sabeco dự kiến sẽ tận dụng các cơ hội từ dân số trẻ, tăng trưởng thu nhập, đa dạng hóa với nhóm bia không cồn và đẩy mạnh xuất khẩu, dù đối mặt với áp lực thuế và chi phí cao. Habeco thì chọn hướng củng cố thị phần, mở rộng vùng miền Trung và Nam, đồng thời tối ưu chi phí để bù lại sức ép lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm gần 40%.

Dù bức tranh ngắn hạn vẫn còn nhiều gam màu trầm, ngành bia không hoàn toàn thiếu đi những điểm sáng. Các yếu tố tích cực như phục hồi kinh tế, lực lượng người tiêu dùng trẻ, xu hướng hạ nhiệt của giá nguyên vật liệu và chiến lược đổi mới sản phẩm được kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn.

Luật sửa đổi về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Theo đó, thuế suất TTĐB áp dụng cho bia sẽ tăng dần từ 65% trong năm 2026 lên 90% vào năm 2031. Đồng thời, luật mới cũng đưa nước giải khát có đường (trên 5g/100ml) vào diện chịu thuế.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tin-hieu-khoi-sac-cho-doanh-nghiep-nganh-bia-dan-lo-dien.html