Tín hiệu lạc quan để đưa Liban vượt qua cuộc khủng hoảng

Giới chức Liban vừa đạt đồng thuận về việc thành lập chính phủ mới sau 13 tháng vắng bóng cơ quan hành pháp. Việc thành lập chính quyền mới, với người đứng đầu là Thủ tướng được chỉ định Najib Mikati, được coi là một tín hiệu lạc quan để đưa Liban vượt qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử.

Thủ tướng được chỉ định của Liban, ông Najib Mikati phát biểu tại thủ đô Beirut. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thủ tướng được chỉ định của Liban, ông Najib Mikati phát biểu tại thủ đô Beirut. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sau cuộc họp giữa Thủ tướng Najib Mikati và Tổng thống Michel Aoun, Văn phòng Tổng thống Liban thông báo chính phủ mới của nước này đã được thành lập, gồm 24 bộ trưởng, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế lão luyện. Chính phủ mới của Liban được thành lập giữa lúc quốc gia Trung Đông này đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, đe dọa an ninh và ổn định của đất nước.

Việc thành lập chính phủ mới, theo đánh giá của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres, là bước đi hết sức quan trọng đối với Liban. Phát biểu sau khi sắc lệnh thành lập chính phủ mới được công bố, Thủ tướng Mikati cam kết sẽ nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang lao dốc không phanh và bảo đảm cuộc sống cho người dân.

Liban đã không có chính phủ hoạt động đầy đủ sau vụ nổ kép tại cảng Beirut ngày 4/8/2020, làm 218 người chết, hơn 7.500 người bị thương, 300.000 người mất nhà cửa, gây thiệt hại về kinh tế lên tới 15 tỷ USD. Nguyên nhân các vụ nổ chưa được làm rõ, khiến làn sóng biểu tình đòi công lý bùng phát trên khắp Liban, buộc chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab phải từ chức ngày 10/8/2020. Ngay lập tức, ông Saad Hariri được bổ nhiệm làm thủ tướng thay thế người tiền nhiệm Hassan Diab, song chính phủ mới vẫn không thể được thành lập do những bất đồng về thành phần nội các. Sau đó, ông Najib Mikati được chỉ định làm thủ tướng và đứng ra thành lập chính phủ.

Bế tắc chính trị ở Liban đã khiến tình hình kinh tế - xã hội vốn đã khó khăn càng trở nên tồi tệ. Lạm phát luôn ở mức cao 84,3%, do giá cả các mặt hàng không ngừng leo thang. Tình trạng khan hiếm nhiên liệu, thiếu điện và nước trầm trọng khiến cuộc sống của người dân Liban ngày càng khó khăn. Tăng trưởng kinh tế Liban được dự báo sẽ giảm 9,5% trong năm nay, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức 40% và một nửa số dân lâm vào cảnh nghèo đói.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Liban đã giảm mạnh từ khoảng 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020. LHQ ước tính, Liban cần gấp khoản viện trợ 400 triệu USD để giải quyết các vấn đề cấp bách về an ninh lương thực, giáo dục, y tế và nước sạch.

Nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ Liban là khôi phục lòng tin của người dân, cùng nhau đoàn kết để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đang ngày càng nghiêm trọng.

YÊN MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/tin-hieu-lac-quan-de-dua-liban-vuot-qua-cuoc-khung-hoang-664612/