Tín hiệu lạc quan từ thị trường Mỹ và Bắc Âu cho xuất khẩu tôm Việt
Mặc dù xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm của Việt Nam giảm sâu hơn 30% kim ngạch nhưng vẫn có thể lạc quan về tình hình trong nửa cuối năm, khi có nhiều thị trường có dấu hiệu tích cực, trong đó có Mỹ và Bắc Âu.
Tại Diễn đàn Kết nối sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm nước lợ Việt Nam chiều 21/7, ông Phạm Quang Huy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng và tôm sú.
Mặc dù trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm 44% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 200 triệu USD, nhưng Tham tán Phạm Quang Huy nhìn nhận có nhiều điểm triển vọng tại thị trường này trong nửa cuối năm 2023 – đầu năm 2024.
Cụ thể, ông Huy cho biết, ở Mỹ lãi suất không tăng, kỳ vọng lạm phát dần được kiểm soát, kéo theo sức mua của người dân đang phục hồi trở lại. Dự báo thị trường Mỹ sẽ sớm khởi sắc trong năm 2024.
“Bên cạnh đó, Mỹ có thông tin thị trường và chính sách minh bạch, ổn định. Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục cải thiện các chính sách thị trường thông qua các nền tảng quản lý hành chính điện tử. Đối tác và bạn hàng Mỹ ổn định, có tính cam kết chặt chẽ trong khi đó uy tín doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lại ngày một tăng ở thị trường này”, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ liệt kê.
Một tín hiệu thị trường tích cực khác đến từ bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển thông tin về thị trường Bắc Âu.
Bà Thúy cho biết, hiện nay, tính bền vững của thủy sản là xu hướng chính trị đưa vào các văn bản pháp lý của EU và các nước thành viên. Thỏa thuận xanh châu Âu và chiến lược từ trang trại đến bàn ăn được ban hành gần đây, đã khiến xu hướng tiêu dùng của người dân Bắc Âu chuyển sang tiêu thụ thủy sản hữu cơ.
Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy
Tuy nhiên, bà Thúy cũng lưu ý các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chú trọng quy định mới về sản phẩm hữu cơ khi nhập khẩu vào EU. Các doanh nghiệp cần trang bị chứng chỉ bền vững cho tôm xuất khẩu. Có 2 chứng nhận quan trọng nhất mà thị trường Bắc Âu cần có là FMC, AFC.
“Bên cạnh đó, thị trường Bắc Âu cũng đang chứng kiến sự tăng lên các sản phẩm đồ ăn sẵn, chế biến tiện lợi. Do đó, các nhà chế biến Bắc Âu sẽ tăng nhập khẩu các sản phẩm thô, nguyên liệu để chế biến. Đây cũng là cơ hội cho các sản phẩm thế mạnh xuất khẩu thô của Việt Nam”, bà Thúy gợi mở.
Việt Nam là nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới
Thông tin về tình hình sản xuất, xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm, ông Ngô Thế Anh, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, tôm Việt Nam hiện được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2022 cũng lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, diện tích thả nuôi tôm nước lợ của cả nước đạt 656.000 ha, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó diện tích tôm sú 605.000 ha, tôm thẻ chân trắng 51.000 ha. Sản lượng tôm nước lợ của cả nước đạt 467.000 tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
“Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm chỉ đạt 1,56 tỷ USD, giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Diện tích và sản lượng tôm mặc dù đảm bảo kế hoạch và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2022 nhưng kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, được mùa nhưng giá bán giảm sâu, chi phí đầu vào cao”, ông Ngô Thế Anh nêu tình hình.
Xác định ngành tôm đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ cả yếu tố chủ quan và khách quan, ông Thế Anh cho rằng, trong nửa cuối năm 2023, ngành cần tập trung áp dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất, đa dạng các phương thức nuôi theo điều kiện từng vùng và thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.
Đối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên Huế, ưu tiên phát triển các hình thức nuôi có kiểm soát nhiệt độ trong mùa đông, nuôi thâm canh, siêu thâm canh. Đối với các tỉnh ven biển Tây Nam bộ, ưu tiên phát triển nuôi tôm sú sinh thái ở rừng ngập mặn, nuôi hữu cơ, nuôi tôm - lúa.
“Trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành tôm tập trung tiếp tục duy trì diện tích nuôi, thả bổ sung diện tích đã thu hoạch theo kế hoạch với mục tiêu đạt 563.000 tấn sản lượng cả năm”, ông Ngô Thế Anh cho biết.