Tín hiệu lạc quan về tình hình dịch Covid-19 tại khu vực phía Nam
Trái ngược với tình hình tại Hà Nội, một số địa phương ở khu vực phía Nam như TP.HCM, Cà Mau, Tây Ninh… đang có lượng ca mắc mới giảm dần.
Tính từ 16h ngày 9/1 đến 16h ngày 10/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.818 ca nhiễm mới, trong đó 35 ca nhập cảnh và 14.783 ca trong nước (giảm 968 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 9.396 ca trong cộng đồng).
Trong khi Hà Nội tiếp tục cho thấy các diễn biến dịch phức tạp, số ca mắc mới trên cả nước có mức giảm khá lớn so với ngày 9/1. Đáng kể nhất, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam đang có những tín hiệu lạc quan với số người dương tính giảm mạnh.
Hà Nội liên tiếp vượt kỷ lục về số ca mắc mới
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 10/1, thành phố ghi nhận 2.832 ca nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn. Trong số này, 712 trường hợp được phát hiện ở cộng đồng, nhóm còn lại đã cách ly.
Một số khu vực có nhiều F0 trong ngày là Hà Đông (168); Hoàng Mai (165); Thanh Trì (134); Đống Đa (124); Thanh Xuân (115); Nam Từ Liêm (109); Hai Bà Trưng (100)… Trong làn sóng dịch lần thứ 4, thành phố đã xác định tổng cộng 73.790 ca mắc Covid-19.
Hà Nội tiếp tục vượt qua kỷ lục về số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trong 24 giờ của ngày trước đó (2.8111 trong ngày 8/1). Đây cũng là ngày thứ 7 liên tiếp thành phố ghi nhận hơn 2.500 ca mắc mới.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội mới nhất, thành phố đang điều trị cho 46.647 người mắc Covid-19. Các bệnh nhân được phân bổ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (128), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (217), các bệnh viện thuộc Hà Nội (2.943), cơ sở thu dung của thành phố (1.309), cơ sở thu dung cấp quận/huyện (5.590). Ngoài ra, 36.460 F0 đang được theo dõi và cách ly tại nhà.
Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cập nhật lần gần nhất ngày 9/1, cho thấy Hà Nội có 1.870 F0 đang điều trị tại các bệnh viện diễn biến nhẹ, không xuất hiện triệu chứng.
Ngoài ra, thành phố đang điều trị cho 1.932 bệnh nhân Covid-19 ở mức độ trung bình, 450 trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch. Trong đó, 397 ca phải thở oxy qua mặt nạ, gọng kính, 14 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 6 người thở máy không xâm lấn, 31 ca thở máy xâm lấn và 2 trường hợp phải lọc máu.
Mặt khác, toàn thành phố đã tiêm được tổng cộng 13.209.270 mũi vaccine phòng bệnh Covid-19. Trong đó, tổng số mũi bổ sung đã tiêm là 215.495, mũi nhắc lại là 1.028.797.
Tính tới nay, Hà Nội duy trì mức độ dịch 2 (vùng vàng - nguy cơ). Hà Nội vẫn có tới 8 quận/huyện cấp độ 3; 20 quận/huyện/thị xã cấp độ 2 và 2 địa bàn xã ở cấp độ 1 (màu xanh). Các đơn vị hành chính cấp độ dịch 3 gồm: Ba Đình, Gia Lâm, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy.
Mới đây, UBND Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 10/KH-UBND về phòng, chống dịch năm 2022. Theo đó, mục tiêu chung là giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Đồng thời, Hà Nội cũng nỗ lực kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, hạn chế thấp nhất số ca tử vong, khống chế không để dịch bùng phát lan rộng trên địa bàn thành phố.
Các tỉnh, thành phố phía Nam giảm ca mắc mới
TP.HCM tiếp tục chuỗi 6 ngày liên tiếp ghi nhận dưới 500 ca mắc Covid-19 sau 24 giờ qua với 437 F0. Trung bình tuần qua, thành phố cũng chỉ phát hiện 484 trường hợp nhiễm nCoV, xếp thứ 10 cả nước.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký thông báo cấp độ dịch tại TP.HCM tuần qua. Theo đó, dịch tại TP.HCM ở cấp độ 1. Sau nhiều tuần duy trì cấp độ 2, đây là lần đầu tiên dịch tại TP.HCM hạ xuống cấp độ 1 (vùng xanh).
Thông tin tại cuộc họp báo định kỳ hàng tuần của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM, chiều 10/1, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết TP.HCM là vùng xanh nhưng không đồng nghĩa toàn bộ học sinh được đi học.
Kế hoạch dạy học trực tiếp của học sinh phải thực hiện theo kế hoạch của UBND TP.HCM. Hiện nay, đối tượng học trực tiếp là học sinh lớp 7-12. Ngoài ra, từ ngày 4/1, các trung tâm ngoại ngữ, tin học, trung tâm giáo dục kỹ năng sống, ngoài giờ chính khóa, cũng được dạy trực tiếp.
Với học sinh từ lớp 6 trở xuống, ông Trọng cho hay ngành giáo dục đang tham mưu cho thành phố lộ trình và đối tượng được đi học trở lại. Mặt khác, sở cũng chỉ đạo các trường chuẩn bị sẵn sàng điều kiện để đón học sinh trong thời gian tới, khi có chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Ông Trọng cho biết thời gian qua, 7.500 học sinh tiểu học đã chuyển trường, đa số về các tỉnh để học trực tiếp vì TP.HCM chưa thể tổ chức cho các em đến trường.
"Sở GD&ĐT tạo điều kiện cho người dân sinh sống, làm việc theo điều kiện thuận lợi nhất của từng gia đình. Mục tiêu là chăm lo tốt nhất cho học sinh, để việc học của các em được liên tục, không gián đoạn. Dù tiếp tục học ở thành phố hay chuyển về các tỉnh để đi học trực tiếp, sở đều tạo điều kiện cho phụ huynh chuyển trường", ông Trọng nói.
Theo thống kê tại Cổng thông tin Covid-19 TP.HCM, thành phố đã tiêm tổng cộng 18.099.453 mũi vaccine cho người dân, số mũi một là 8.061.432, mũi 2 là 7.188.777 và mũi 3 là 2.849.244.
Trong một tháng qua, các quận, huyện đã lập danh sách quản lý được 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó, phát hiện 25.642 người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19 (chiếm tỷ lệ 4%).
Trong 2 đợt xét nghiệm tầm soát, Sở Y tế đã phát hiện 5.437 người mắc Covid-19 (đợt 1 xét nghiệm được 597.701 người, đợt 2 xét nghiệm 570.014 người). Trạm y tế đã phân loại và đồng ý cho 4.670 F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà (86,4%), có 4.471 người được sử dụng ngay thuốc kháng virus; 767 F0 được chuyển đến cơ sở điều trị để được chăm sóc, điều trị (13,6%).
Tất cả danh sách người F0 thuộc nhóm nguy cơ được chuyển đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” để tư vấn, thăm hỏi sức khỏe định kỳ, bao gồm chăm sóc cả các bệnh nền.
Cà Mau có ngày thứ 10 liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới dưới 1.000 trường hợp. Cuối tháng 12/2021, địa phương này thường xuyên phát hiện khoảng 1.000-1.500 trường hợp dương tính với nCoV mỗi ngày.
Theo quyết định mới nhất của Sở Y tế Cà Mau về cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn, tỉnh hiện có 95 xã, phường, thị trấn thuộc cấp độ 2 và 6 xã, phường, thị trấn ở cấp độ một.
Khi phát hiện trường hợp mắc Covid-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, cơ quan chức năng sẽ mở rộng điều tra dịch tễ, thông báo cho các địa phương liên quan để phối hợp truy vết thần tốc, lập danh sách người tiếp xúc gần và có liên quan với bệnh nhân, thực hiện cách ly y tế kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm F1; trả kết quả nhanh nhất để triển khai các biện pháp phòng chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả.
Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; cán bộ y tế, các khoa phòng, bộ phận có nguy cơ cao cần cảnh giác.
Thực hiện nghiêm ngặt các quy trình khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở y tế; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên; rà soát, tiêm vét cho tất cả đối tượng nguy cơ cao, người từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền; tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe… Yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19.
Tăng cường công tác truyền thông nâng cao cảnh giác của người dân trước biến chủng Omicron, không tụ tập đông người khi không cần thiết, thực hiện nghiêm 5K, tham gia tiêm vaccine đầy đủ.
Tại Tây Ninh, từ đầu tháng 1 đến nay, số ca mắc mới đã giảm dần từ ngưỡng 900 xuống còn 400 trường hợp sau 24 giờ. Ngày 10/1, địa phương này chỉ ghi nhận 487 người dương tính với SARS-CoV-2.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc vừa qua cũng đề nghị tiếp tục tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo hướng phải giảm dần, không để dịch phát sinh vượt quá tầm kiểm soát, ưu tiên thực hiện tiêm vaccine; nâng cao năng lực điều trị và thuốc; ý thức người dân trong thực hiện các quy định về phòng chống dịch, thực hiện tốt 5K.
Tây Ninh cũng đang đẩy nhanh việc bao phủ vaccine mũi 3 cho người đã tiêm mũi 2 từ 3 tháng trở lên. Theo Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, tỷ lệ người tiêm đủ 2 mũi cơ bản ở Tây Ninh là 92,19%.
Nhu cầu sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch
Mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800 năm 2021 thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình mới.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị (kể cả thuốc kháng virus), bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, chỉ đạo nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, phân phối thuốc kháng virus bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành vào tháng 10/2021, quy định các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; hài hòa với các giải pháp hành chính, kinh tế - xã hội.
Để đảm bảo thực hiện đồng bộ, hiệu quả nghị quyết quan trọng này, Bộ Y tế cũng ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương theo điều kiện thực tế như số ca nhiễm mới; tỷ lệ vaccine; khả năng thu dung, điều trị F0 để áp dụng các biện pháp chống dịch.
Dựa vào các tiêu chí trên, địa phương tự đánh giá mức độ dịch của mình với 4 mức: Cấp 1, 2, 3 và 4 tướng ứng với nguy cơ từ thấp, trung bình, cao đến rất cao. Tuy nhiên, hiện nay quá trình thực hiện ở một số địa phương cho thấy nhiều bất cập trong việc đánh giá mức độ dịch, cũng như áp dụng các biện pháp.
Như ở Hà Nội, với việc số ca nhiễm tăng nhanh, biến động liên tục, nhiều quận, huyện, xã phường liên tục chuyển trạng thái từ xanh, vàng sang cam và ngược lại. Việc này khiến hoạt động kinh doanh, sản xuất của người dân gặp nhiều xáo trộn, khó đảm bảo tiêu chí "thích ứng linh hoạt" mà Chính phủ đặt ra.