Tín hiệu tích cực

Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc xuất hiện những tín hiệu tích cực trong những ngày gần đây khi Bộ Thương mại Trung Quốc đánh giá hai bên tiến hành các cuộc thảo luận 'nghiêm túc và mang tính xây dựng'. Trong khi đó, báo chí Mỹ tiết lộ rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Ð.Trăm đang cân nhắc khả năng bỏ một số khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc đã “hạ nhiệt” trong những ngày gần đây. Trung Quốc vừa thông báo đã nhất trí với Mỹ về những mối quan ngại thương mại cốt lõi. Thông báo được đưa ra sau cuộc điện đàm gần đây giữa Phó Thủ tướng, Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc Lưu Hạc với Ðại diện Thương mại Mỹ R.Lai-thai-dơ và Bộ trưởng Tài chính X.Mnu-chin của Mỹ. Phía Trung Quốc đánh giá rằng, hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận “nghiêm túc và mang tính xây dựng” về những vấn đề thương mại cốt lõi, đồng thời thảo luận về việc thu xếp cuộc tham vấn tiếp theo. Trong khi đó, Nhà trắng vừa tuyên bố các đại diện thương mại của hai nước đã “đạt tiến triển” trong một loạt lĩnh vực và đang trong quá trình giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Một tín hiệu tích cực khác là báo chí Mỹ đầu tuần này tiết lộ rằng phía Mỹ đang cân nhắc khả năng dỡ bỏ một số khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, Nhà trắng đang xem xét rút lại mức thuế 15% có hiệu lực từ ngày 1-9 áp lên lượng hàng hóa trị giá 112 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm quần áo, đồ gia dụng... Truyền thông Mỹ cho biết, phía Trung Quốc đang gia tăng sức ép buộc Mỹ gỡ bỏ mức thuế nêu trên và muốn Oa-sinh-tơn giảm mức thuế 25% đang áp lên khoảng 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng, nếu Mỹ bỏ một số khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, quyết định này của Oa-sinh-tơn sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho một thỏa thuận đình chiến thương mại.

Trước đó, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cũng cho biết, Trung Quốc và Mỹ đã “đạt nhiều tiến triển trong đàm phán thương mại” và khẳng định mọi vấn đề đều có thể được giải quyết khi hai bên tôn trọng lẫn nhau. Ông Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh, thế giới muốn Trung Quốc và Mỹ chấm dứt căng thẳng thương mại, điều này đòi hỏi “sự cởi mở thay vì chia rẽ”. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm mới đây cũng bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện với Trung Quốc nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại khiến hai bên cùng “hao tiền tốn của” kéo dài hơn một năm qua. Phát biểu tại Nhà trắng, ông Ð.Trăm khẳng định thỏa thuận thương mại với Trung Quốc “đang diễn ra tuyệt vời”. Các vấn đề của thỏa thuận ở giai đoạn hai sẽ được giải quyết “theo cách dễ dàng hơn nhiều” so với những vấn đề ở giai đoạn một. Trước đó, ông thông báo hai bên sẽ ký thỏa thuận ở giai đoạn một sau khi thỏa thuận này được thể hiện bằng văn bản.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đã xuất hiện các tín hiệu tích cực, nhưng vẫn chưa thể lạc quan về một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại giữa hai “người khổng lồ” về kinh tế này trong tương lai gần. Trong các cuộc đàm phán tới đây, phía Mỹ nhiều khả năng sẽ đòi hỏi Trung Quốc đưa ra thêm nhượng bộ mang tính “có đi có lại”, bao gồm tăng cường các điều khoản về bảo vệ sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, tăng quy mô thu mua nông sản Mỹ… Trong khi đó, Bắc Kinh không dễ chấp nhận các yêu cầu này. Ngoài ra, những quan chức thuộc phái “diều hâu” trong chính quyền Mỹ có thể sẽ phản đối quyết định dỡ bỏ một số khoản thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nêu trên. Một vấn đề khách quan cũng đang gây trở ngại cho đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc là việc Chi-lê vừa tuyên bố không đăng cai Hội nghị cấp cao APEC như kế hoạch. Theo đó, cơ hội sớm gặp gỡ giữa lãnh đạo hai nước để “hòa giải thương mại” đứng trước nguy cơ bị bỏ lỡ.

Với bất đồng chiến lược và lợi ích lớn giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như những yếu tố không được “thiên thời địa lợi” nêu trên, xem ra dù tiến trình đàm phán đã xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, nhưng một thỏa thuận thương mại căn bản giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn còn khá xa vời.

ÐÔNG DƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/binh-luan-quoc-te/item/42151202-tin-hieu-tich-cuc.html