Tín hiệu tích cực cho xuất khẩu lao động ở Hà Nam
Mặc dù không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm, nhưng số người được xuất khẩu lao động trong năm 2022 đã tăng so với các năm trước. Tín hiệu phục hồi thị trường xuất khẩu lao động ngày càng thể hiện rõ khi bệnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, để ổn định thị trường xuất khẩu lao động, vai trò của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cần được khẳng định.
Mặc dù không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm, nhưng số người được xuất khẩu lao động trong năm 2022 đã tăng so với các năm trước. Tín hiệu phục hồi thị trường xuất khẩu lao động ngày càng thể hiện rõ khi bệnh dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Tuy nhiên, để ổn định thị trường xuất khẩu lao động, vai trò của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cần được khẳng định.
Trở lại thị trường truyền thống
Chuẩn bị bước sang năm mới 2023, chị Trịnh Thị Phương, tổ dân phố Hòa Trung, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục vẫn quyết định lên đường sang Nhật Bản làm việc. Phương nói, năm 2016, chị đã sang Nhật làm việc trong vòng 3 năm. Về nước được một năm thì gặp dịch Covid – 19, chị phải xin việc làm ở quê. Năm 2021, thông qua một người bạn đang làm việc tại Hà Nội, chị nộp hồ sơ xin xuất khẩu lao động ở Nhật Bản, nhưng đến tháng 3 năm 2022, hồ sơ của chị mới được xét duyệt.
Chị Phương chia sẻ: “Tất cả do dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu lao động đóng băng. Từng làm ở Nhật, tôi thấy môi trường làm việc khá tốt, chế độ đãi ngộ với người lao động được thực hiện nghiêm túc. Mặc dù mức lương chỉ khoảng 20 triệu đồng tiền Việt mỗi tháng, nhưng chúng tôi được đảm bảo an toàn và tiết kiệm các khoản chi không cần thiết nên cũng dành dụm được tương đối gửi về nhà”
Năm 2022, số người Hà Nam được xuất khẩu lao động là 978 người, không đạt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là 1.000 người. Tuy nhiên, so với năm 2021, con số này tăng gần 2,5 lần. Nhật Bản cùng với Hàn Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiếp nhận lao động trong năm 2022.
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Sự thay đổi về các chính sách phòng, chống dịch Covid – 19 của nhiều nước đã làm công tác xuất khẩu lao động của ta phục hồi tích cực hơn. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã có những giải pháp kịp thời phát triển thị trường lao động nước ngoài.
Thí dụ trong tháng 8 năm 2022, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã thực hiện cam kết bảo lãnh cho 37 lao động tuổi từ 30 đến 50 sang Hàn Quốc làm việc thời vụ. Tính đến nay, chương trình phái cử lao động thời vụ nước ngoài của Hà Nam đã thực hiện đưa gần 300 lượt lao động sang Hàn Quốc làm nông nghiệp với mức thu nhập trên dưới 100 triệu đồng trong 3 tháng/người.
Cùng với chương trình EPS, số người được xuất khẩu lao động sang thị trường Hàn Quốc được duy trì ổn định so với nhiều tỉnh, thành khác. Theo bà Phạm Thị Huế, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, ngoài một số thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, người lao động có nhiều cơ hội việc làm ở các quốc gia khác như Đức, Maylaysia, Bulgaria… Thời gian qua, Việt Nam đã Ký bản thỏa ước hợp tác lao động đi làm việc ở các nước đó. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu lao động duy trì và phát triển thị trường tiếp nhận lao động, nắm bắt tình hình dịch bệnh Covid-19 cùng với những chính sách, quy định tiếp nhận lao động trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn chấm dứt ở các quốc gia.
Còn với người lao động Hà Nam, mặc dù thị trường lao động trong nước tương đối ổn định, nhưng nhu cầu cải thiện cuộc sống, thu nhập vẫn thôi thúc người lao động hướng ngoại, tìm kiếm cơ hội việc làm ở những quốc gia phát triển. Trong đó, thị trường lao động truyền thống như Nhật, Hàn Quốc thực sự được lao động Hà Nam lựa chọn nhiều hơn cả.
Quyết định ở người đi xuất khẩu
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nam, năm 2022, đơn vị đã tổ chức tư vấn việc làm, học nghề, du học, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho trên 40.000 lượt người. Cơ hội việc làm cho người lao động sau đại dịch Covid-19 ở các thị trường truyền thống cũng như các nước châu Âu dễ dàng. Nhưng, trải qua thời gian dịch bệnh kéo dài, tâm lý của người lao động có những thay đổi so với những năm trước. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết, người đến tư vấn về xuất khẩu lao động, du học không phải ít, nhưng thời điểm này, tâm lý và quyết định của họ đã khác trước. Họ có nhiều lựa chọn cho công việc của mình hơn…
Nhiều năm hợp tác với Hà Nam thực hiện chương trình xuất khẩu lao động thời vụ tại quận Bonghwa – gun, Hàn Quốc, bà Trần Thị Thỏa, Công ty TNHH Quốc tế DeaJin khẳng định, qua các đợt đưa người Hà Nam sang Hàn Quốc làm việc thời vụ, họ rất được các doanh nghiệp Hàn Quốc tin dùng bởi tính kỷ luật, chịu khó, chăm chỉ, tiết kiệm. Nhưng nếu làm việc lâu dài ở các doanh nghiệp lớn, yêu cầu về tay nghề, trình độ, kỹ năng mềm đối với người lao động cao hơn.
Vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động sang làm việc trong các ngành nghề kỹ thuật (thị thực E-7) theo hướng tăng chỉ tiêu tiếp nhận, giảm yêu cầu về trình độ chuyên môn. Người đã có bằng đại học trở lên chuyên ngành tuyển dụng sẽ được miễn yêu cầu về kinh nghiệm làm việc. Còn với những người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng trở lên sẽ đáp ứng yêu cầu tối thiểu 2 năm kinh nghiệm trong ngành tuyển dụng. Hà Nam có nhiều cơ sở dạy nghề, để đáp ứng yêu cầu này với người lao động sẽ không phải khó khăn. Bởi, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Hà Nam hiện đã đạt 73%, trong đó lao động có chứng chỉ, bằng cấp đạt 57%. Vấn đề quyết định vẫn là người lao động.
Hiện nay, Sở LĐ-TB và XH tiếp tục các giải pháp thúc đẩy công tác xuất khẩu lao động trên cơ sở nắm bắt thời cơ, tuyên truyền nâng cao nhận thức đến người lao động, chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức tốt công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sở đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện tốt công tác thông tin thị trường lao động, nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và kết nối cung cầu với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong thời gian tới.