Tín hiệu tích cực dòng phim đề tài lịch sử
Điện ảnh Việt Nam sở hữu một kho tàng đồ sộ tư liệu để tái hiện những giai đoạn hào hùng của dân tộc. Tuy nhiên, số lượng phim về đề tài lịch sử của Việt Nam đến nay vẫn còn khá khiêm tốn, cũng như chất lượng vẫn chưa được như kỳ vọng.
Món nợ với khán giả
Trên sóng truyền hình, tại các cụm rạp hay trên nền tảng số của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua không khó để nhận thấy phim về đề tài lịch sử đang được phủ sóng chủ yếu là phim của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Không chỉ lấn át về số lượng, đa dạng về đề tài, nhiều bộ phim lịch sử, cổ trang của nước ngoài còn tạo nên những trào lưu, thị hiếu với khán giả Việt Nam. Trong khi đó, nhìn vào “gia tài” phim về đề tài lịch sử Việt Nam nhiều người chạnh lòng khi chỉ có hơn 20 phim về mảng đề tài này ra rạp trong hơn 6 thập kỷ qua.
Thời gian vừa qua, mặc dù đã có nhiều hãng phim tư nhân thử sức với mảng đề tài này nhưng đều nhận được kết quả chung là thất bại về doanh thu, nội dung phim vướng phải không ít chỉ trích của khán giả. Các bộ phim lịch sử đều vướng phải những “hạt sạn” tương đối giống nhau về bối cảnh, hình ảnh, trang phục của nhân vật không phù hợp. Không ít bộ phim tái hiện hình ảnh triều đại xưa nhưng nhiều cảnh phim lại là hình ảnh cột điện, tàu thuyền hiện đại… lọt vào khung hình.
Mới đây nhất là bộ phim “Huyền sử vua Đinh” dù được đầu tư tiền tỷ nhưng chỉ thu về được 42 triệu đồng sau một tuần ra rạp. Bộ phim “Quỳnh Hoa nhất dạ” về cuộc đời thái hậu Dương Vân Nga thời Đinh - Tiền Lê, của đạo diễn Lý Minh Thắng bị cộng đồng mạng phản ánh về những sai lệch trong tạo hình, phục trang của nhân vật Dương Vân Nga do Thanh Hằng thủ vai. Trước đó, nhiều bộ phim lịch sử như “Huyền sử thiên đô”, “Thái sư Trần Thủ Độ”, “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long”… từng thua lỗ hàng tỷ đồng do không thu hút được khán giả tới rạp. Nguyên nhân được cho là do bộ phim thiếu đầu tư, kỹ xảo yếu.
Thậm chí, một bộ phim được đánh giá tốt là “Mỹ nhân kế” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhưng cũng vướng phải nhiều ý kiến trái chiều từ khán giả. Phim dù được đầu tư khá chỉn chu từ kịch bản đến diễn viên nhưng một số bối cảnh lại được thực hiện tại resort dẫn đến nhiều hình ảnh trong phim tương đối khiên cưỡng.
Công bằng mà nói phim lịch sử Việt Nam vẫn đang mang nợ với khán giả, nguyên nhân một phần là do không có sẵn phim trường như Trung Quốc hay Hàn Quốc. Tư nhân muốn đầu tư phim lịch sử phải tự bơi, áp lực từ thị hiếu khán giả nên cho ra đời những tác phẩm chắp vá.
Tìm đường vượt khó
Năm 2023, điện ảnh cách mạng đón tuổi thứ 70 với một hành trình mới nhiều kỳ vọng, đặc biệt với dòng phim về đề tài lịch sử. Mới đây, dự án phim điện ảnh về vua Lê Thái Tông và anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi do đạo diễn Lương Đình Dũng thực hiện đã chính thức được khởi động. Bộ phim có mức đầu tư kinh phí khủng kèm theo đó là một ê kip chuyên nghiệp đang mở ra cơ hội bứt phá cho dòng phim về đề tài lịch sử.
Phim phục dựng lại đất nước Việt Nam vào thế kỉ 15 nên việc chuẩn bị cẩn thận là vô cùng cần thiết. Tất cả các khâu sẽ được chăm chút với sự hợp tác của các chuyên gia lịch sử, ê kip trong nước và quốc tế.
Tác phẩm điện ảnh với tên “Anh hùng” kể lại câu chuyện lịch sử về bản án chu di tam tộc của Nguyễn Trãi với vụ Lệ Chi Viên vào năm 1442 khi người thiếp của Nguyễn Trãi tên Nguyễn Thị Lộ bị khép vào tội giết vua Lê Thái Tông. Bộ phim với khát vọng tái hiện lại lịch sử, chân dung các vị vua, nhà chính trị, thi hào Nguyễn Trãi.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, việc dùng điện ảnh để kể chuyện, khắc họa nhân vật lịch sử là một cách làm rất hiệu quả để những trang sử Việt Nam có thể “sống lại” một cách cuốn hút, dễ hình dung hơn, khơi gợi được lòng tự hào về dân tộc luôn tiềm tàng trong mỗi người con đất Việt. Việc đầu tư vào điện ảnh để kể lịch sử cũng là cách mà các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ai Cập, Mỹ… đang làm, mang lại sức mạnh tinh thần cùng với đó là doanh thu lớn. Đó là điều nhiều nhà làm phim Việt đang hướng tới...
Không chỉ dự án phim “Anh hùng”, một số phim lịch sử đã quay xong hoặc đang triển khai thực hiện như các tác phẩm về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Anh hùng Tây Sơn, Nam Phương Hoàng hậu… cũng làm cho dòng phim này sôi nổi hơn. Đáng chú ý nhất là “Hồng Hà nữ sĩ”, một trong 3 tác phẩm được Cục Điện ảnh đặt hàng sản xuất trong 2 năm 2022-2023 và đến nay đã đi gần xong phần ghi hình. Dù là đề tài kén khách với quá trình sản xuất khó khăn, nhưng ê kíp thực hiện bộ phim khẳng định, đây sẽ là tác phẩm chạm đến chiều sâu cảm xúc của những người yêu điện ảnh.
Theo đạo diễn Lý Minh Thắng, muốn đạt chất lượng thì phải qua số lượng trước. Phải có nhiều người cùng làm thì mọi khâu mới được xây dựng từ từ thành một thị trường, như vậy chi phí mới thấp. Đồng thời, khán giả cần có cái nhìn công tâm, cởi mở hơn cho phim lịch sử Việt trong việc phê bình, đánh giá, bởi sử Việt có nhiều giai đoạn thiếu tư liệu chính xác và ngay cả khi có tài liệu thì lên phim cũng sẽ có nhiều góc nhìn từ sự sáng tạo của người làm phim.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-hieu-tich-cuc-dong-phim-de-tai-lich-su-5722269.html