Tín hiệu tích cực trong bức tranh kinh tế TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2023

Tăng trưởng GRDP quý II năm 2023 của TP. Hồ Chí Minh đạt 5,87%, cao hơn mức tăng của quý II năm 2022; GRDP 6 tháng năm 2023 tăng 3,55% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của 6 tháng năm 2022. Mức tăng 3,55% tuy còn khiêm tốn nhưng phản ánh kết quả từ những cố gắng của chính quyền TP. Hồ Chí Minh trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Vượt qua nhiều yếu tố bất lợi

Các chuyên gia cho rằng, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) có đặc thù độ mở rất lớn nên rất dễ và rất nhanh bị tác động bởi những yếu tố bất lợi về kinh tế thế giới, đặc biệt là thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng cũng luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư, thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2023 cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi những yếu tố bất lợi, song nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp và sự vào cuộc của Chính phủ và các bộ, ngành, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Báo cáo mới nhất của Cục Thống kê thành phố vừa công bố cho thấy, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn thành phố ước thực hiện 227.872 tỷ đồng, đạt 48,5% dự toán và giảm 6,8% (tăng/giảm so với cùng kỳ). Bù lại, có khá nhiều hoạt động khác có chuyển biến tích cực như: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm 2023 tăng 9,7%; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 36,2%; đặc biệt chi ngân sách tăng mạnh 70,9%, trong đó chi đầu tư phát triển tăng 90,4%, nhiều dự án được khởi công; khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ đã góp phần thúc đẩy tăng cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế.

Cục Thống kê TP.HCM cũng cho rằng, chỉ số lạm phát đang dần hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Đây được xem là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế tổng thể của TP.HCM.

Việc Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm lãi suất điều hành và nới lỏng chính sách tiền tệ đang phát huy tác dụng. Hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng ổn định 8,01%, nhiều dự án bất động sản đã được vay vốn trở lại để duy trì hoạt động và phát triển khả quan.

Một trong những điểm sáng tích cực của TP.HCM được ghi nhận trong 6 tháng đầu năm là số dự án có vốn nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư tăng 69,1% về số dự án; số vốn góp, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp gấp 3,6 lần. Tính chung, tổng vốn đầu tư của các dự án có vốn nước ngoài tăng 30,7%, chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng lựa chọn môi trường đầu tư của thành phố.

Cùng với đó, những ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh có khả năng chuyển đổi số kịp thời, phù hợp với trạng thái “bình thường mới” vẫn giữ nhịp tăng trưởng ổn định. Hoạt động lưu trú, ăn uống và thương mại điện tử phát triển, khách du lịch quay trở lại.

 Biểu đồ tăng trưởng GRDP của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Cục Thống kê cung cấp.

Biểu đồ tăng trưởng GRDP của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Cục Thống kê cung cấp.

Tạo đà tăng tốc

Theo đại diện lãnh đạo Cục Thống kê TP.HCM, để tiếp đà phát triển và giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, TP.HCM cần phải nỗ lực hơn nữa để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tranh thủ tối đa mọi nguồn lực để tạo đà tăng tốc trong 6 tháng còn lại của năm 2023.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời điểm đầu quý III, TP.HCM cần đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để sớm đưa các công trình, dự án vào hoạt động. Đặc biệt chú trọng giải ngân các dự án trọng điểm mang tính kết nối vùng, có tác động lan tỏa cao như: dự án Metro số 1, Metro số 2, vành đai 3, nhà ga T3, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài.

Kế đó là, thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước; tăng cường kết nối giao thương giữa các địa phương, các quốc gia để tìm kiếm thị trường mới trong và ngoài nước.

Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đồng hành, tháo gỡ khó khăn về nguồn lực vốn cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại TP.HCM; chú trọng đánh giá, phát triển công nghiệp hỗ trợ; thúc đẩy những ngành công nghiệp mũi nhọn phù hợp với tình hình mới.

Về lĩnh vực lao động - xã hội, thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu lao động - việc làm, chất lượng đào tạo nghề nhằm cải thiện năng suất lao động; chú trọng thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực ngành y tế, giáo dục, du lịch (vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch).

Thứ nữa là, TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước; tranh thủ thời cơ đẩy nhanh việc số hóa dữ liệu ở tất cả cơ quan, nhất là dữ liệu dân cư, dữ liệu doanh nghiệp; khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, tài chính, giáo dục, y tế.

Cuối cùng là, thành phố tăng cường công tác dự báo, kiểm tra và bình ổn giá cả; xây dựng các giải pháp nhằm ứng phó kịp thời với những biến động của thị trường; giữ vững ổn định thị trường tài chính, thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm./.

Quốc hội vừa thông qua nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết mới này sẽ giúp TP.HCM có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho cả nước, nâng cao chất lượng sống của người dân. Ngoài ra, nghị quyết cũng sẽ giúp TP.HCM thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, giúp TP.HCM có thể sánh vai với các đô thị lớn trên thế giới, tiếp tục là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế - tài chính, thương mại mang tầm khu vực châu Á và vươn ra toàn cầu.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-hieu-tich-cuc-trong-buc-tranh-kinh-te-tp-ho-chi-minh-6-thang-dau-nam-2023-130945.html