Tín hiệu tích cực trong quan hệ Nga – Ukraine
Tổng thống Ukraine "sẵn sàng" gặp Tổng thống Nga tại Minsk
(HNM) - Mối quan hệ căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Nga - Ukraine đang có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây, lãnh đạo hai nước đã nhất trí xây dựng nhóm làm việc chung nhằm giải quyết các vấn đề hợp tác nhân văn.
Thủ tướng Nga D.Medvedev (trái) và Chủ tịch Hội đồng Chính trị đảng “Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống” của Ukraine V.Medvedchuk (phải) tại cuộc gặp ở Mátxcơva.
Trong chuyến thăm Nga ngày 10-7, Chủ tịch Hội đồng Chính trị đảng “Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống” của Ukraine, ông Viktor Medvedchuk đã có cuộc gặp với Thủ tướng Nga kiêm Chủ tịch đảng “Nước Nga thống nhất” cầm quyền Dmitry Medvedev. Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, ông V.Medvedchuk cho rằng không thể thiếu vai trò của Nga trong việc đạt được hòa bình ở khu vực miền Đông Ukraine, đồng thời nhấn mạnh đối thoại giữa hai đảng là hạt nhân của tiến trình hòa bình. Đây cũng là chủ đề trọng tâm mà đảng “Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống” theo đuổi trong cuộc bầu cử quốc hội Ukraine diễn ra ngày 21-7 tới.
Về phần mình, ông D.Medvedev đánh giá cao nỗ lực của các lãnh đạo đảng “Nền tảng đối lập - Vì cuộc sống” của Ukraine trong việc thúc đẩy hợp tác nhân văn, trong đó có việc đưa các công dân Ukraine trở về nước.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Ukraine, đang có những tín hiệu cải thiện xuất phát từ bối cảnh chính trị đang thay đổi ở Ukraine. Trên thực tế, sau cuộc khủng hoảng năm 2014, hàng triệu người lao động di cư từ Ukraine đã chạy sang các nước láng giềng, mà phần lớn sang Nga. Kiev cho rằng di cư lao động là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của họ. Chính quyền nước này cũng rất lo về nguy cơ thiếu lao động.
Theo các nhà phân tích, trước đây Ukraine là "cầu nối giữa châu Âu và phía Đông", nhưng hiện nay Kiev đã tự phá vỡ vùng phía Đông và đánh mất thị trường Nga của mình. Thay vào đó, Ba Lan và Litva đã được hưởng lợi. Theo ông Rusla Bortnik, Giám đốc Viện Phân tích và Quản lý chính sách của Ukraine, nếu chấm dứt giao dịch thương mại với Nga thì Ukraine không thể trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU), vì "châu Âu không cần một nước Ukraine dưới dạng bế tắc thương mại và là khu vực xung đột với Nga”. Châu Âu muốn thấy Ukraine như một khu vực quá cảnh, như một sàn giao dịch giữa châu Âu và Nga. Do đó, các nhà phân tích cho rằng, để hội nhập châu Âu, trong bất cứ trường hợp nào Kiev đều phải cải thiện quan hệ với Mátxcơva.
Từ sau khi ông Volodymyr Zelensky đắc cử Tổng thống Ukraine, giới phân tích đã nhận định rằng đây là tín hiệu tích cực mang lại triển vọng cải thiện quan hệ Nga - Ukraine. Ông V.Zelensky được cho là có thể thỏa hiệp nhiều hơn đối với lực lượng miền Đông và sẽ tìm cách đối thoại với Nga để giải quyết các bất đồng. Sau khi Tổng thống Nga V.Putin bày tỏ sẵn sàng khôi phục quan hệ toàn diện với Ukraine, hồi cuối tháng 4-2019, ông V.Zelensky bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Nga về những điều kiện mới nhằm thiết lập quan hệ giữa hai nước.
Mới đây nhất, ngày 8-7, trên trang Facebook cá nhân, Tổng thống V.Zelensky đã công bố thông điệp đề nghị gặp Tổng thống Nga V.Putin tại thủ đô Minsk của Belarus. Theo đề nghị của Tổng thống Ukraine, cuộc gặp này sẽ có sự tham gia của các nguyên thủ Mỹ, Anh, Pháp, Đức. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng, cuộc gặp theo đề nghị của Tổng thống Ukraine về hình thức là một định dạng mới, khác với cuộc gặp "bộ tứ Normandie" trước đó với thành phần là lãnh đạo Nga, Pháp, Đức và Ukraine. Ông D.Peskov nhấn mạnh, Mátxcơva sẽ nghiên cứu đề nghị này, nhưng chưa sẵn sàng trả lời.
Để đạt những bước tiến triển trong quan hệ hai nước, cả Kiev và Mátxcơva cần phải thể hiện thiện chí và hành động nhiều hơn nữa, bởi vấn đề Đông Ukraine không phải là bất đồng duy nhất giữa hai quốc gia láng giềng. Dẫu vậy, những động thái trên là tín hiệu tích cực cho thấy mối quan hệ giữa Nga và Ukraine đang dần được sưởi ấm.