Tín hiệu tích cực từ bàn đàm phán Mỹ-Iran

Mỹ và Iran có cuộc tiếp xúc gián tiếp hiệu quả ở Rome, qua đó đạt đồng thuận về việc bắt đầu thương lượng về xây dựng khung cho một thỏa thuận hạt nhân thế hệ mới, động thái được kỳ vọng giúp hạ nhiệt căng thẳng tại Trung Đông.

Sau vòng đàm phán gián tiếp ở Rome (Italy) với vai trò trung gian của Oman diễn ra ngày 19/4, Mỹ và Iran dự kiến sẽ tiến hành thêm hai vòng thương lượng tiếp theo về chương trình hạt nhân Iran ngay trong tuần này ở Geneva (Thụy Sĩ) và tại Oman vào cuối tuần tới, chỉ dấu cho thấy các bên đang tích cực tìm kiếm đồng thuận, báo Guardian của Mỹ ngày 21/4 đưa tin. Reuters cho hay, vòng đàm phán ở Rome là lần thứ hai Mỹ và Iran cử phái đoàn thương lượng gián tiếp chỉ trong một tuần và kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Phái đoàn Iran dẫn đầu bởi Ngoại trưởng Abbas Araqchi, còn người đứng đầu phái đoàn Mỹ là đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Steve Witkoff.

Kết thúc cuộc gặp, Ngoại trưởng Iran Araqchi khẳng định cuộc đàm phán với Mỹ hữu ích và diễn ra trong bầu không khí xây dựng. “Chúng tôi đã có thể đạt được một số tiến triển về một số nguyên tắc và mục tiêu. Chúng tôi nhất trí tiến hành họp cấp chuyên gia ngày 23/4 tới. Khi đó, các chuyên gia sẽ có cơ hội bắt đầu thiết kế khuôn khổ cho một thỏa thuận tiềm năng”, Ngoại trưởng Araqchi khẳng định. Trong khi đó, NBCNews dẫn lời quan chức Mỹ cấp cao đánh giá vòng đàm phán ở Rome đã “tiến triển rất tốt”.

Triển vọng Mỹ-Iran đạt thỏa thuận đang ngày một rõ ràng hơn. Ảnh: GettyImages

Triển vọng Mỹ-Iran đạt thỏa thuận đang ngày một rõ ràng hơn. Ảnh: GettyImages

Mỹ và Iran chưa cho biết họ có đạt đồng thuận nào xung quanh chương trình hạt nhân của Tehran hay không. Guardian tiết lộ, đặc phái viên Mỹ Witkoff mong muốn đạt một thỏa thuận với Iran trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Iran Araghchi tin rằng các bên sẽ khó đi đến thỏa thuận nhanh chóng do bản chất kĩ thuật phức tạp của các cuộc đàm phán và việc Mỹ-Iran vẫn còn thái độ ngờ vực với nhau. “Không có lý do gì để quá lạc quan. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta thực sự lạc quan. Tuy vậy, cũng không có lí do gì để bi quan”, ông Araqchi nêu rõ.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang sau khi Tổng thống Trump tái khởi động chiến dịch gây “sức ép tối đa” nhằm buộc Iran từ bỏ chương trình hạt nhân dựa trên một thỏa thuận mới cứng rắn hơn nhiều thỏa thuận hạt nhân 2015, có tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA). Trong JCPOA, các cường quốc thế giới đồng ý dỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Iran để đổi lại việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân của họ xuống ngưỡng chỉ có thể phục vụ mục đích dân sự.

Ngược lại, Iran muốn thỏa thuận mới phải cởi mở hơn so với JCPOA. Sau khi Mỹ rời JCPOA, Iran đã rút bớt các cam kết của họ theo thỏa thuận này, bao gồm việc làm giàu uranium ở độ tinh khiết 60%, vượt xa ngưỡng tối đa 3,67% nêu trong thỏa thuận 2015; và hạn chế hoạt động thanh sát quốc tế tại một số cơ sở hạt nhân. Các quan chức Iran năm 2022 cũng cho biết, nước này có khả năng công nghệ để làm giàu uranium từ 60% lên 90%, tức cấp độ vũ khí hạt nhân, nhưng chưa đưa ra quyết định thực hiện việc đó.

Theo truyền thông Mỹ, dù Washington nhiều lần khẳng định muốn xóa bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran, nhưng trên thực tế, nước này muốn một thỏa thuận khắt khe hơn JCPOA để Tehran không bao giờ đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân. Bộ Ngoại giao Oman, quốc gia làm trung gian, xác nhận mục tiêu đàm phán là để “đạt thỏa thuận công bằng, bền vững và ràng buộc, theo đó đảm bảo Iran hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân và không bị trừng phạt, đồng thời bảo vệ quyền phát triển năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình”.

Như vậy, hai vấn đề đáng lưu tâm trong cuộc đàm phán lúc này là cách thức xử lý kho dự trữ uranium mà Iran sở hữu sau khi tăng cấp độ làm giàu (báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế cho thấy Iran có 275kg uranium làm giàu ở 60%) và việc các bên giúp Iran ra sao nếu Mỹ vi phạm việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Iran muốn có sự đảm bảo quốc tế về việc Mỹ phải chịu hậu quả nếu nếu nước này vi phạm hoặc rút khỏi thỏa thuận tương lai như cách đã làm với JCPOA.

Các nước tham gia JCPOA chưa bình luận về vòng thương lượng mới của Mỹ và Iran, nhưng Nga đã lên tiếng ngỏ ý sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Guardian cho hay, Moscow hiện được coi là điểm đến tiềm năng tiếp nhận kho uranium mà Iran đã làm giàu, cũng như trở thành trọng tài trong trường hợp Mỹ-Iran có khúc mắc về thỏa thuận mới.

Trong diễn biến liên quan, báo New York Times dẫn nguồn tin riêng khẳng định Tổng thống Mỹ Trump đã đình chỉ mọi kế hoạch về khả năng cùng Israel tấn công các địa điểm hạt nhân của Iran để mở đường đạt thỏa thuận. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy căng thẳng đang hạ nhiệt, bởi Tổng thống Trump chỉ vài tuần trước đó cảnh báo dùng biện pháp quân sự nếu Tehran không nhượng bộ về chương trình hạt nhân. Từ Tehran, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cũng kêu gọi các bên tránh xung đột và yêu cầu giới chức Iran theo đuổi đàm phán với Mỹ “một cách thận trọng”.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/tin-hieu-tich-cuc-tu-ban-dam-phan-my-iran-i765894/