Tín hiệu tích cực từ thỏa thuận thương mại Mỹ - EU

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã công bố một thỏa thuận thương mại sâu rộng, trong đó áp đặt mức thuế quan 15% lên hầu hết hàng hóa châu Âu.

Tổng thống Donald Trump bắt tay Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Ursula von der Leyen tại Turnberry, Scotland. Ảnh: Getty

Tổng thống Donald Trump bắt tay Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EU) Ursula von der Leyen tại Turnberry, Scotland. Ảnh: Getty

Theo CNN, đây được xem là một bước tiến cho quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU sau thời gian đàm phán căng thẳng về thuế quan.

Mỹ đã đạt được thỏa thuận khung với Liên minh Châu Âu vào ngày 27.7. Thỏa thuận này đã ngăn chặn mối đe dọa của về việc áp mức thuế 30% mà Tổng thống Trump đã đưa ra trước đó, trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8.

Tổng thống Trump tin rằng những động thái như vậy sẽ phục hồi ngành sản xuất của Mỹ. Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, mức thuế 15% áp dụng cho hàng hóa EU nhập khẩu vào Mỹ có thể đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Mỹ sẽ phải đối mặt với giá cả cao hơn trong dài hạn.

Vẫn chưa rõ phạm vi của thỏa thuận thương mại với EU khi đi vào thực tế. Việc áp dụng mức thuế 15% đối với hầu hết hàng xuất khẩu của khối này và chi phí lên tới hàng tỷ đô la mua năng lượng từ Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện tại, thỏa thuận đạt được là tín hiệu tích cực từ lời hứa tranh cử của một vị tổng thống và sự tin tưởng của người dân Mỹ, chẳng hạn như hiệu quả của thuế quan thương mại lên Mỹ và thế giới.

"Đây là vấn đề lớn - vấn đề lớn nhất trong số tất cả", Tổng thống Trump đã phát biểu hôm 27.7 sau cuộc gặp với bà von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu.

Trong suốt cuộc đàm phán giữa Mỹ-EU, bà Von der Leyen đã ca ngợi Tổng thống Trump là một nhà đàm phán cứng rắn.

Ông Trump gần đây cũng đã công bố các thỏa thuận khung về thương mại với Nhật Bản và Philippines - cả hai đều bao gồm mức thuế quan cao hơn. Chính sách thuế quan của Mỹ hiện đang tác động lớn đến người lao động và ngành công nghiệp Mỹ.

Tổng thống Trump từng bác bỏ lập luận của các nhà kinh tế rằng việc tăng thuế quan sẽ làm tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ vốn đã chịu nhiều áp lực.

Mặc dù các mức thuế quan hiện hành cho đến nay chưa gây hại cho nền kinh tế nhiều như một số chuyên gia lo ngại, nhưng người Mỹ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho ô tô, thực phẩm, hàng xa xỉ và hàng tiêu dùng thời gian tới.

Tác động lạm phát lên nền kinh tế cũng có thể gây ra những mối đe dọa kinh tế lớn hơn trong tương lai.

Trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại EU - Mỹ, quá trình thực thi đầy đủ trong thực tế, theo các chuyên gia, sẽ có tác động đến thị trường. Nhưng nếu cuộc chiến thương mại EU-Mỹ căng thẳng leo thang kéo dài, sẽ là một kết quả tồi tệ hơn nhiều.

Thỏa thuận thương mại EU - Mỹ còn có một khía cạnh địa chính trị quan trọng khác. Châu Âu đã cam kết mua 880 tỷ đô la năng lượng từ Mỹ. Điều này có thể giúp các đồng minh NATO của Mỹ ít bị tổn thương hơn trước áp lực từ Nga.

"Hoan nghênh thỏa thuận này"

Bà Ursula von der Leyen nói rằng mức thuế 15% là "kết quả tốt nhất mà chúng tôi có thể đạt được" và ghi nhận thỏa thuận này đã duy trì được khả năng tiếp cận thị trường Mỹ, đồng thời mang lại "sự ổn định có thể dự đoán" cho doanh nghiệp hai bên.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã hoan nghênh thỏa thuận vì đã tránh được một sự leo thang không cần thiết trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Ông nói rằng hai bên đã có thể bảo vệ được các lợi ích cốt lõi của mình, nhưng cũng nói thêm rằng ông đã rất mong muốn có thêm các biện pháp nới lỏng hơn nữa trong thương mại song phương.

Theo Japantimes, châu Âu đã đi đến ký kết một thỏa thuận mà họ gần như có thể chấp nhận được. Chắc chắn, mức thuế mới được áp dụng bây giờ dễ chấp nhận hơn nhiều so với trước đó.

Mặc dù điều này sẽ đảm bảo châu Âu tránh được suy thoái, nhưng vẫn có thể sẽ khiến nền kinh tế châu Âu trì trệ. Kịch bản thuế quan mà Ngân hàng Trung ương châu Âu tháng trước dự báo sẽ tăng trưởng kinh tế từ 0,5% đến 0,9% trong năm nay, so với mức chỉ hơn 1% trong bối cảnh không có căng thẳng thương mại.

Thời gian tới, phía EU cũng sẽ mua một lượng khí đốt tự nhiên, dầu mỏ và nhiên liệu hạt nhân với trị giá 750 tỷ USD để thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga.

Ở bối cảnh hiện tại, thỏa thuận thuế quan Mỹ-EU được cho là sẽ giúp chấm dứt tình trạng bế tắc thuế quan xuyên Đại Tây Dương cũng như ngăn chặn một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Và các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thể hiện thiện chí hoan nghênh thỏa thuận này trong bối cảnh EU dường như đã tránh được một cuộc chiến thương mại.

ĐỨC DUY

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/tin-hieu-tich-cuc-tu-thoa-thuan-thuong-mai-my-eu-156994.html