Tín hiệu từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Kissinger

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc giữa lúc quan hệ hai bên lao dốc.

Ngày 20-7 (giờ địa phương), cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã có chuyến thăm bất ngờ đến Trung Quốc (TQ) và hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình cùng hàng loạt quan chức khác của TQ. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby sau đó lên tiếng xác nhận Nhà Trắng nắm thông tin về chuyến thăm của ông Kissinger và các phát ngôn của ông “không đại diện cho chính phủ Mỹ”. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung rơi vào giai đoạn đặc biệt căng thẳng, với việc quan chức hai bên tìm cách xuống thang.

Trung Quốc tiếp đón nồng hậu ông Kissinger

Đài Truyền hình Trung ương TQ (CCTV) đưa tin ông Tập tiếp đón ông Kissinger trong một căn phòng thuộc nhà khách Điếu Ngư Đài - địa điểm được coi là thân mật hơn so với Đại lễ đường Nhân dân - nơi thường tổ chức các cuộc họp ngoại giao chính thức khi có phái đoàn nước ngoài tới thăm TQ. Ông Tập cũng dùng nhiều ngôn từ bày tỏ thái độ tích cực với cựu ngoại trưởng Mỹ và những đóng góp của ông cho quan hệ song phương.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội đàm với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (trái) hôm 20-7. Ảnh: AFP

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) hội đàm với cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger (trái) hôm 20-7. Ảnh: AFP

“Nhân dân TQ coi trọng tình hữu nghị và chúng tôi sẽ không bao giờ quên người bạn cũ cũng như đóng góp lịch sử của ông trong việc thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ và tăng cường tình hữu nghị giữa nhân dân TQ và Mỹ” - ông Tập cho hay.

Ông Tập còn cho biết thêm: “Một lần nữa TQ và Mỹ đang đứng trước ngã ba đường, cả hai bên cần phải đưa ra lựa chọn của mình”, đồng thời khẳng định TQ sẵn sàng cùng Mỹ tìm cách giữ gìn hòa bình giữa hai cường quốc.

Đáp lời ông Tập, ông Kissinger cho biết ông rất cảm kích vì TQ đã sắp xếp cuộc gặp mặt tại nhà khách quốc gia Điếu Ngư Đài, nhấn mạnh mối quan hệ Mỹ - Trung là “vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình thế giới và tiến trình phát triển của xã hội loài người”, do đó hai nước tuyệt đối không thể xem nhau là kẻ thù.

Ông Kissinger cũng có cuộc gặp đáng chú ý với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng TQ Lý Thượng Phúc. Ông Lý có nói với ông Kissinger rằng: “Một số người ở Mỹ không thỏa hiệp, khiến quan hệ Mỹ - Trung rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao”. Ông Lý sau đó cho biết Mỹ “nên có những điều chỉnh chiến lược đúng đắn”, đồng thời bày tỏ hy vọng Bắc Kinh và Washington có thể làm việc cùng nhau để thúc đẩy “phát triển ổn định và lành mạnh” trong quan hệ hai nước và hai quân đội.

Giới chuyên gia nói gì?

Trả lời tờ China Daily, GS Lý Hải Đông thuộc Học viện Ngoại giao TQ cho biết việc ông Kissinger đi thăm TQ khi tuổi tác đã cao cho thấy mức độ phức tạp và thách thức trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng Mỹ - Trung. “Cả hai bên nên trân trọng mối quan hệ vốn được vun đắp bởi các thế hệ đi trước này và đảm bảo rằng quan hệ song phương sẽ không xấu thêm nữa” - ông Lý nói.

Tuy nhiên, ông Lý cho rằng trong khi TQ cam kết “phát triển quan hệ song phương một cách có trách nhiệm” thì Mỹ lại tiếp cận TQ bằng tư duy cạnh tranh và đối đầu, “không tôn trọng những thành tựu trong quá khứ”.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, chuyến thăm TQ của ông Kissinger được dân mạng TQ chú ý bởi một điểm thú vị: Họ rất ngưỡng mộ việc cựu ngoại trưởng Mỹ tuy tuổi đã rất cao nhưng vẫn còn đủ sức để hoạt động chính trị và đi thăm TQ. Nhiều người dành nhiều lời chúc ông Kissinger giữ vững sức khỏe.

Bất chấp những tương tác cấp cao gần đây giữa hai nước khi nhiều quan chức Mỹ đã đến thăm Bắc Kinh, tạo cú hích tích cực trong quan hệ ngoại giao, GS Lý cho biết vẫn chưa biết liệu Washington sẽ có hành động cụ thể nào hay không để cải thiện quan hệ song phương một cách chân thành thay vì tiếp tục kêu gọi chia rẽ.

Trong khi đó, tờ The New York Times có bài bình luận cho rằng việc TQ tiếp đón nồng hậu ông Kissinger cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách vươn ra bên ngoài các kênh ngoại giao chính thức để mở rộng tầm ảnh hưởng trong nỗ lực tác động đến tư duy chính sách của Washington. Bắc Kinh dường như đã chuyển sang những người mà họ cho là phù hợp hơn với lập trường ngoại giao của mình vì ban lãnh đạo TQ ngày càng “mất niềm tin” vào chính quyền của Tổng thống Joe Biden.

Ông Kissinger không phải là đối tượng duy nhất nằm trong chiến lược mới của Bắc Kinh. TQ gần đây cũng đã tiếp cận lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ, với các chuyến thăm hồi tháng trước của ông Bill Gates - cựu Chủ tịch Tập đoàn Microsoft và ông Elon Musk - Chủ tịch Tập đoàn SpaceX. Chủ tịch Tập đoàn Apple - ông Tim Cook và Giám đốc Ngân hàng JPMorgan - ông Jamie Dimon cũng đã đến thăm TQ trong năm nay. Các chuyến thăm của lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đều có chung thông điệp rằng Bắc Kinh muốn mở rộng các kênh ngoại giao không chính thức, đồng thời muốn gia tăng niềm tin quốc tế vào thị trường TQ.

Trong khi đó, PGS Alfred Wu (ĐH Quốc gia Singapore) cho biết cuộc gặp giữa ông Kissinger và ông Tập được chọn có chủ đích để gửi tín hiệu ra thế giới bên ngoài. “Thông điệp rất rõ ràng: Ông Tập Cận Bình muốn gặp gỡ những người thân với TQ, những người sẵn sàng lên tiếng vì TQ” - ông Wu nói, theo đài CNN.

Trước đó, ông Wu lưu ý rằng ông Tập cũng đã tổ chức một cuộc gặp bất ngờ với cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Bắc Kinh hôm 17-7 và ca ngợi ông Duterte khi đương quyền đã đưa ra một “lựa chọn chiến lược” để cải thiện quan hệ với Bắc Kinh.

Ngoài việc ông Tập chọn gặp ai, bối cảnh của các cuộc gặp cũng là một dấu hiệu đáng chú ý. Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng 6, ông Tập được xếp ở đầu bàn trong khi các thành viên còn lại của hai phái đoàn, gồm cả ông Blinken, ngồi đối diện nhau ở hai bên. Trong khi đó, ông Tập và ông Kissinger khi gặp lại ngồi ngang hàng nhau, ở giữa là một chiếc bàn trà nhỏ trong một khung cảnh thân mật hơn nhiều. “Hai cuộc gặp có không khí rất khác nhau. Người TQ rất giỏi trong việc định hình câu chuyện và góc nhìn” - ông Wu nói.•

Mỹ thông qua dự luật cấm bán dầu dự trữ cho Trung Quốc

Ngày 20-7, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua sửa đổi dự luật quốc phòng hằng năm, theo đó bổ sung nội dung cấm bán dầu từ kho dự trữ cho TQ, theo hãng tin Reuters. Việc bán dầu từ kho dự trữ chiến lược quốc gia cho TQ trở thành chủ đề nóng kể từ năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định xuất tổng cộng 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu trong bối cảnh xung đột tại Ukraine leo thang.

Động thái này đã khiến lượng dầu trong kho giảm xuống mức thấp nhất trong 40 năm. Giới chuyên gia nhận định điều này có thể là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng Mỹ, dù sản lượng dầu của nước này đã tăng mạnh so với năm 1983.

Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo cuối cùng trước khi đưa qua cho ông Biden ký phê duyệt chính thức.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tin-hieu-tu-chuyen-tham-trung-quoc-cua-ong-kissinger-post743481.html