Tín hiệu về cách thức Trung Quốc giải quyết các rủi ro về tài chính

Việc Trung Quốc giải cứu công ty quản lý nợ Huarong là sách lược nhất quán với những hành động gần đây của Bắc Kinh nhằm kiểm soát rủi ro tài chính.

Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 100 nhân dân tệ tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Quyết định của Trung Quốc sẽ giải cứu công ty quản lý nợ xấu Huarong nhưng "bỏ mặc" tập đoàn địa ốc tư nhân khổng lồ Evergrande đương đầu với khủng hoảng tài chính đang cho thấy những tín hiệu về cách thức mà Chính phủ Trung Quốc giải quyết các rủi ro về tài chính.

Theo bài phân tích của Stratfor - trang mạng chuyên phân tích thông tin tình báo, địa chính trị toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, việc Trung Quốc để mặc "đế chế" bất động sản Evergrande phá sản nhưng lại giải cứu công ty quản lý nợ Huarong là sách lược nhất quán với những hành động gần đây của Bắc Kinh nhằm kiểm soát rủi ro tài chính. Bên cạnh đó, động thái này nhằm tránh việc chính phủ ngầm bảo lãnh cho các khoản nợ xấu, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.

Huarong vốn là công ty giải quyết nợ xấu được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn để giải quyết những khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng. Huarong đang đối mặt với khoản nợ 242 tỷ USD, trong đó có 21 tỷ USD trái phiếu ngoài nước do Huarong nắm giữ, mà 4 tỷ USD trong khoản 21 tỷ USD đó sẽ đáo hạn vào năm 2021.

Theo nguồn tin của Bloomberg và Reuters ngày 18/8, công ty sẽ nhận được khoản đầu tư mới trị giá 7,7 tỷ USD từ tập đoàn đầu tư Citic của nhà nước và các công ty tài chính nhà nước khác.

Có thể Chính phủ Trung Quốc muốn tạo dựng một hệ thống mà ở đó không có công ty nào quá lớn tới mức không thể đổ vỡ. Tuy nhiên, một số công ty, ví dụ như Huarong, lại quá quan trọng đối với nền kinh tế đến mức Bắc Kinh không thể để cho phá sản.

Bộ Tài chính Trung Quốc là cổ đông lớn nhất của Huarong, chiếm 57% vốn, nên Huarong dường như giống mô hình các doanh nghiệp được Chính phủ Mỹ hậu thuẫn như hai tập đoàn tín dụng địa ốc lớn Fannie Mae và Freddie Mac. Huarong có thể vẫn là ngoại lệ, bất chấp chính sách của Trung Quốc muốn giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính nước này.

Các nhà đầu tư tư nhân của Huarong đang phải chịu những khoản lỗ dài hạn, còn những người nắm giữ trái phiếu công ty này đã phải gánh chịu những tổn thất do thị trường gây ra.

Liên quan đến Evergrande, tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) và Ủy ban Quy chế Ngân hàng và Bảo hiểm của Trung Quốc đã triệu tập lãnh đạo tập đoàn Evergrande và ra tuyên bố khiển trách công ty bất động sản này vì đã lan truyền thông tin không đúng sự thật về vấn đề nợ nần của công ty, đồng thời yêu cầu phải có giải pháp giải quyết. Evergrande hiện nợ tới hơn 300 tỷ USD, bao gồm 122,4 tỷ USD nợ tồn đọng từ cuối tháng 6/2020 mà gần một nửa trong số đó sẽ đáo hạn trong vòng một năm.

Evergrande dù lớn hơn và cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm mang tính hệ thống nếu sụp đổ, song lại là công ty tư nhân đang đối mặt với những vấn đề mang tính thanh khoản và có thể chưa chắc vỡ nợ. Những vấn đề của Evergrande có thể giải quyết được dễ hơn bằng các giải pháp áp dụng đối với thành phần kinh tế tư nhân, trong đó có việc bán tài sản và tiến hành tái cơ cấu công ty theo quy trình.

Huarong đã rơi vào khủng hoảng từ năm 2018 sau khi cựu chủ tịch công ty lúc đó bị kết tội hối lộ. Công ty này không thể đưa ra báo cáo tài chính đúng hạn vào tháng 3/2021. Kể từ đó, giao dịch cổ phiếu của công ty bị tạm đình chỉ và giá trái phiếu công ty biến động liên tục.

Huarong đã hé lộ khoản lỗ lên tới 15,9 tỷ USD vào ngày 18/8 khi những phác thảo đầu tiên về kế hoạch cứu trợ/tái cấp vốn cho công ty được công bố. Vào thời điểm cuối năm 2020, Bộ Tài chính Trung Quốc nắm 57% cổ phiếu công ty này. Nhưng ngân hàng đầu tư có trụ sở tại New York Goldman Sach và công ty cổ phần tư nhân Warburg Pincus đã mua 2,4 tỷ USD giá trị cổ phần khi Huarong niêm yết cổ phiếu vào năm 2015. Do đó, nhiều khả năng các công ty này phải chịu tổn thất rất lớn.

Chính phủ Trung Quốc thành lập công ty Huarong vào năm 1999 để giải quyết các khoản nợ khó đòi tại 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất của Trung Quốc. Kể từ khi thành lập, Huarong đã mở rộng rất nhiều các dịch vụ tài chính, nợ trái phiếu của công ty này đã lên tới 42 tỷ USD, trong đó có tới 22 tỷ USD là nợ của trái chủ nước ngoài và có tới 16.9 tỷ USD đến hạn trả nợ trước cuối năm 2022.

Dù Trung Quốc đã để một số doanh nghiệp nhà nước vỡ nợ, với giá trị các khoản nợ lên tới 12 tỷ USD trong năm 2020, nhưng nhìn chung các biện pháp can thiệp của Trung Quốc vẫn cho thấy quốc gia này không muốn để xảy ra các vụ vỡ nợ kiểu như vậy.

Trong khi đó, Evergrande, công ty bất động sản nợ nần nhiều nhất thế giới hiện nay đang phải bán tài sản để đáp ứng nhu cầu dòng tiền. Giá cổ phiếu của công ty đã giảm tới 2/3 trong năm nay và trái phiếu mệnh giá USD của công ty giờ có giá chưa tới 50 xu Mỹ. Các cơ quan quản lý đang buộc công ty phải điều chỉnh bảng cân đối kế toán trong thời gian vài tháng và rất có thể họ không thể kiên nhẫn với công ty hơn được nữa.

Cách xử lý đối lập của Chính phủ Trung Quốc đối với hai công ty cùng trong tình trạng khủng hoảng đang gửi đi thông điệp rằng Trung Quốc sẽ không để hệ thống tài chính bấp bênh của họ bị sập, nhưng nước này vẫn nỗ lực kiểm soát và loại bỏ các rủi ro tài chính, nhất là ở các lĩnh vực họ đã định cải tổ như lĩnh vực bất động sản.

Sự không rõ ràng trong cách giải quyết của Chính phủ Trung Quốc đối với các công ty khác nhau cho thấy sự khó nắm trong hướng đi chính sách. Điều này làm gia tăng những rủi ro kinh doanh tiềm ẩn mà doanh nghiệp có thể phải đối mặt đầu tư tại Trung Quốc./.

Hải Vân (TTXVN tại New York)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tin-hieu-ve-cach-thuc-trung-quoc-giai-quyet-cac-rui-ro-ve-tai-chinh/209812.html