Tín hiệu vui cho sản xuất, tiêu dùng
Ngày 21/3, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm khá sâu. Theo các chuyên gia kinh tế, giá xăng giảm phần nào 'hãm phanh' đà tăng giá tiêu dùng, góp phần kìm chân lạm phát.
Giá xăng giảm gần 800 đồng/lít
Liên Bộ Công thương- Tài chính quyết định giảm giá xăng dầu từ 15h ngày 21/3. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 784 đồng/lít, còn 22.022 đồng/lít; Xăng RON95 giảm 780 đồng/lít, còn 23.038 đồng/lít; Dầu diezel 0,05S giá mới 19.302đồng/lít, giảm1.200 đồng/lít; Dầu hỏa giá bán mới 19.462đồng/lít, giảm1.253 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3,5S cũng giảm 800 đồng/lít, giá mới không cao hơn 14.479 đồng/kg.
Dữ liệu cập nhật từ Bộ Công thương cho biết, giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường Singapore ở chu kỳ ngày 21/3 giảm so với kỳ điều hành ngày 13/3. Cụ thể, tính đến ngày 16/3, giá bán lẻ tại thị trường Singapore với xăng RON92 là 88,7 USD/thùng, RON95 là 93,04 USD/thùng, dầu hỏa là 93,38 USD/thùng, dầu diesel là 91,9 USD/thùng, dầu mazut là 404,71 USD/tấn. Như vậy so với chu kỳ trước, bình quân giá xăng RON92 đến ngày 16/3 giảm 2,924 USD/thùng, bình quân giá xăng RON 95 giảm 2,546 USD/thùng.
Tương tự, bình quân giá dầu trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 16/3 cũng giảm mạnh so với chu kỳ trước.
Tại thị trường thế giới, giá xăng dầu vẫn trong xu hướng giảm. Cụ thể phiên sáng 21/3 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 0,24 USD/thùng, tương đương 0,35%, xuống mức 67,40 USD/thùng; Brent giảm 0,15 USD/thùng, tương đương 0,20%, xuống mức 73,64 USD/thùng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định, giá xăng dầu giảm là tín hiệu vui cho người dân và doanh nghiệp (DN) sản xuất. Giá xăng dầu giảm giúp cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm theo và có tác động lan tỏa lớn, nhất là với các lĩnh vực như vận tải, đánh bắt hải sản… Giảm giá xăng dầu cũng là một yếu tố kiềm chế lạm phát.
Giới chuyên gia khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, không chỉ đối với Việt Nam mà toàn thế giới. Sự biến động của giá xăng dầu không chỉ tác động đến người tiêu dùng mà tác động cả sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt là liên quan đến chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát… Do đó, các cơ quan liên quan phải chủ động trong việc điều hành, bảo vệ lợi ích của người dân, của nền kinh tế. Bộ Công thương là cơ quan quản lý, cấp phép các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động kinh doanh, phân phối xăng dầu; hướng dẫn thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu, bảo đảm việc cung ứng xăng dầu ổn định nên sẽ nắm được bản chất của các yếu tố hình thành giá cơ sở để điều hành giá xăng dầu phù hợp.
Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, trong thời gian tới lạm phát so với cùng kỳ tại Việt Nam sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 1/2023 nhờ chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022. Áp lực lạm phát trong năm 2023 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục cũng như giá điện. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2023 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5%, hay thậm chí dưới 4%, là hoàn toàn khả thi.
Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn kêu khó
Phần lớn cộng đồng DN, cũng như người dân mong muốn giá xăng dầu ở mức thấp để tiết kiệm được chi phí. Nhưng trong bối cảnh giá xăng dầu đi xuống, cộng đồng DN bán lẻ xăng dầu tiếp tục kêu than.
Ngày 21/3, anh Thắng Văn - chủ một DN bán lẻ xăng dầu ở khu vực miền Tây cho hay, giá xăng dầu giảm khiến DN bán lẻ đuối sức, nhất là khi quy định về chiết khấu chưa rõ ràng.
Anh N.H.V, chủ DN bán lẻ xăng dầu ở Bình Dương cũng cho biết, chiết khấu xăng dầu chỉ là một phần nhỏ trong khó khăn của DN kinh doanh xăng dầu. Nhiều quy định rất bất cập trong hoạt động kinh doanh bán lẻ như chứng chỉ xây dựng, chứng chỉ môi trường, chứng chỉ phòng cháy chữa cháy chưa kể kèm đó là các điều kiện cấp, đổi giấy điều kiện kinh doanh cũng rất lằng nhằng.
Trong chiều ngày 21/3, cộng đồng DN bán lẻ xăng dầu tiếp tục có kiến nghị gửi Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị xem xét tình trạng kinh doanh của DN bán lẻ xăng dầu hiện nay.
Trong đơn kiến nghị, ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc phân tích rằng các DN bán lẻ xăng dầu đang chịu cảnh thua lỗ nghiêm trọng trong hơn một năm qua, tính từ đầu năm 2022. Nguyên nhân trong nhiều thời điểm, DN chỉ được nhận mức chiết khấu 0 đồng, trong khi các chi phí kinh doanh, tiền lương công nhân, tiền lãi vay ngân hàng… vẫn phải chi trả thường xuyên. Sự thua lỗ của các DN bán lẻ xăng dầu được ghi nhận rõ nét trong quyết toán tài chính năm 2022.
Trong đơn kiến nghị, cộng đồng DN bán lẻ xăng dầu cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ xem xét để các DN có khả năng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Bên cạnh đó, DN cũng đề nghị Chính phủ lập Tổ công tác rà soát, đánh giá chuyên đề về tác động tiêu cực của Nghị định số 95, “trong đó xem xét đến tình hình hoạt động thực tế của các DN bán lẻ xăng dầu, từ đó rút kinh nghiệm cho việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021 trong thời gian tới. Bởi lẽ, các DN bán lẻ xăng dầu hiện chiếm trên 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước trong tổng số 17.000 cửa hàng, 70% tổng sản lượng xăng dầu đang được phân phối thông qua kênh hệ thống bán lẻ. Nếu hệ thống này bị thua lỗ và phải đóng cửa sẽ tác động rất lớn đến vấn đề an ninh năng lượng quốc gia” – đơn kiến nghị nêu rõ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, giá xăng dầu giảm là tín hiệu vui người dân và doanh nghiệp sản xuất. Giá xăng dầu giảm giúp cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm theo và có tác động lan tỏa lớn, nhất là với các lĩnh vực như vận tải, đánh bắt hải sản... Giảm giá xăng dầu cũng là một yếu tố để kiềm chế lạm phát.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-hieu-vui-cho-san-xuat-tieu-dung-5712876.html